Monday, March 18, 2024

Quốc Hội CSVN cho phép ngân hàng phá sản, dân lo trắng tay

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – “Trong các năm từ 2006 đến 2015, lúc nợ nần chồng chất, quỹ của Ngân Hàng Đông Á cạn kiệt, ông Trần Phương Bình (thời điểm đó là tổng giám đốc, nay đã bị giam) chỉ đạo cấp dưới lấy hơn 60,000 lượng vàng của khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng này mang đi bán, lấy tiền trả nợ các khoản vay và lãi trước đó.”

Tiết lộ này của báo Thanh Niên gây hoang mang dư luận, nhưng tờ báo không nói rõ là sau đó ngân hàng này phải trả lại khoản vàng thiếu hụt cho khách hàng thế nào.

Hồi Tháng Mười Hai, 2016, ông Trần Phương Bình bị bắt “vì sai phạm khi để Ngân Hàng Đông Á lỗ hơn 2,000 tỷ đồng ($88 triệu).

Báo Thanh Niên cũng cho hay, hồi Tháng Tám, 2015, Ngân Hàng Đông Á kiểm tra quỹ của ngân hàng thì phát hiện Quỹ Hội Sở và Quỹ Sở Giao Dịch “bị thiếu hụt hơn 2,000 tỷ đồng cùng hơn 62,000 lượng vàng “không cánh mà bay.” Ông Bình thừa nhận dùng khoản tiền nêu trên để kinh doanh bất động sản nhưng ngày càng thua lỗ, dẫn đến việc ông cho bán vàng do khách hàng gửi tiết kiệm tại ngân hàng để trả nợ.

Từ năm 2013, các ngân hàng Việt Nam đã không còn cho khách hàng gửi tiết kiệm bằng vàng, thay vào đó là dịch vụ “giữ hộ vàng” và khách hàng phải trả phí cho việc này. Truyền thông Việt Nam cho hay, nhiều ngân hàng không mặn mà dịch vụ này do Ngân Hàng Nhà Nước quy định các điều kiện giữ hộ vàng quá chặt chẽ. Các ngân hàng cũng không được sử dụng vàng giữ hộ để kinh doanh.

Hôm 16 Tháng Mười Một, chuyện huy động “500 tấn vàng trong dân” tiếp tục được đưa ra Quốc Hội CSVN bàn thảo. Hiện tại, Ngân Hàng Nhà nước đang được chính phủ giao thực hiện hai đề án nghiên cứu giải pháp huy động vàng và ngoại tệ trong dân. Các giải pháp cụ thể dự trù sẽ được báo cáo cuối năm nay.

Hiện những người dân có tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng ở Việt Nam vẫn lo ngại về rủi ro nếu ngân hàng yếu kém được cho phép phá sản thì theo luật, mức bồi thường tối đa 75 triệu đồng (khoảng $3,300) cho dù khách hàng gửi 100 triệu đồng hay vài tỷ đồng.

Hồi Tháng Sáu, báo VietNamNet đăng bài về trường hợp của ông Hoàng Nam Thành ở Sài Gòn: “Cuối năm 1983, trong khi chờ kết quả thi đại học, ông Thành đã đi làm thêm kiếm được hai chỉ vàng, tương đương 400 đồng. Không dám ăn tiêu, đem gửi tiết kiệm, và sau 34 năm, tính lãi các kiểu thì số tiền tiết kiệm nay còn 0 đồng.” (T.K.)

MỚI CẬP NHẬT