Friday, April 19, 2024

Quốc hội CSVN họp kín về tình hình Biển Đông

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Quốc Hội CSVN sáng Thứ Hai, 28 Tháng Mười “nghe chính phủ báo cáo về công tác đối ngoại của nhà nước năm 2019, trong đó có tình hình Biển Đông,” theo báo mạng VNExpress và Người Lao Động.

Bản báo cáo sẽ được ông Phó Thủ Tướng kiêm Ngoại Trưởng Phạm Bình Minh trình bày, nguồn tin cho hay, và tiết lộ rằng nội dung cuộc họp “được Quốc Hội họp riêng từ 10 giờ 30 đến trưa.” Điều này ám chỉ có những chi tiết nhạy cảm chính trị không muốn báo chí theo dõi và đưa tin, vì sợ cả “quần chúng nhân dân” và “đồng chí anh em” ở phương Bắc.

Vào ngày khai mạc Quốc Hội hôm 21 Tháng Mười, 2019 đầu tuần trước, người ta đã thấy là vấn đề Biển Đông được đưa vào nghị trình của khóa họp kỳ này.

Tuy nhiên, các “đại biểu nhân dân” đều là đảng viên nắm các chức vụ then chốt trong guồng máy đảng và nhà nước, có được thuật lại cho nghe hết mọi chuyện liên quan đến đối đầu trên biển cũng như các cuộc tiếp xúc phản kháng Bắc Kinh qua nhiều kênh khác nhau hay không? Rồi sau đó, sẽ có màn ra một nghị quyết và dám nêu thẳng tên Trung Quốc là kẻ ngang ngược xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam hay không? Có những dự báo sẽ xảy ra những chuyện gì trong những ngày sắp tới và các biện pháp đối phó thế nào không?…

Đây là các điều mà “quần chúng nhân dân” thế nào cũng theo dõi.

VNExpress thấy thuật lời phát biểu bên lề cuộc họp của hai ông đại biểu là Nguyễn Anh Trí và Dương Trung Quốc “có nguyện vọng Quốc Hội sẽ ra nghị quyết về tình hình Biển Đông.”

Giữa tuần trước, tàu khảo sát địa chất của Trung Quốc Haiyang Dizhi 8 cùng một số tàu hộ tống đã rời vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam sau khi giàn khoan Hakuryu-5 hoàn tất công việc và rời khu vực được công ty dầu khí Nga Rosneft thuê khoan thêm mỏ mới tại lô 6-1, khu vực bãi Tư Chính, Đông Nam Vũng Tàu 160 hải lý.

Nhóm tàu Trung Quốc quấy rối hoạt động khai thác và khoan tìm dầu khí của Việt Nam tại khu vực Tư Chính suốt từ đầu Tháng Bảy. Tin tức thỉnh thoảng tiết lộ có lúc, sự đối đầu căng thẳng ở khu vực giữa lực lượng trên biển của Việt Nam và Trung Quốc thể hiện với số tầu của đội bên lên đến 40 tàu. Một vài hình ảnh phổ biến nói là “ngư dân” cung cấp thấy tàu Hải Cảnh Trung Quốc xịt vòi rồng đuổi tàu kiểm ngư của Việt Nam.

Sơ đồ hướng di chuyển về Hải Nam của tàu khảo sát Haiyang Dizhi 8 ngày 23 Tháng Mười, 2019. (Hình: IndoPacific-SCS-news/Maritime Traffic)

Ông Hà Hoàng Hợp, một phân tích gia tại trung tâm nghiên cứu International Institute for Strategic Studies ở Singapore nói với hãng thông tấn Reuters rằng “nhiều phần Trung Quốc sẽ đưa giàn khoan tới tìm dầu khí tại khu vực sau khi tàu Haiyang Dizhi 8 đã khảo sát trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Từ đầu Tháng Bảy, tàu Haiyang Dizhi 8 chạy lên chạy xuống, chạy ngang chạy dọc ở khu vực quanh bãi Tư Chính. Sau đó sang Tháng Chín chạy tới đi lên đi xuống ở khu vực dọc theo một số tình miền Trung trước khi quay về Hải Nam.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền Biển Đông theo 9 cái vạch tưởng tượng nối lại giống như hình “lưỡi bò” chiếm hơn 80 đến 80%. Nhiều khu vực liếm sâu vào các vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia, Brunei.

Trung Quốc cướp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 sau một trận hải chiến với hải quân VNCH. Sau đó năm 1988 xua tàu tới chiếm một số bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa.

Nếu Bắc Kinh cho giàn khoan nước sâu tới hoạt động trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam như ông Hà Hoàng Hợp dự đoán, liệu sẽ dẫn đến một cuộc đụng độ nặng gấp nhiều lần cuộc đối đầu giữa hai “đồng chí anh em” tại phía Nam quần đảo Hoàng Sa như hồi năm 2014?

Các lãnh đạo chóp bu của CSVN những ngày gần đây thấy cả quyết “không nhân nhượng về chủ quyền.” Bắc Kinh thì cũng vẫn xác nhận Biển Đông là của “tổ tiên” để lại sẽ không từ bỏ một phân dù nhiều phần biển đảo họ chỉ mới đi cướp sau này. (TN)

MỚI CẬP NHẬT