Friday, April 26, 2024

Quốc Hội CSVN lại ‘phớt lờ’ Luật Biểu Tình

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Cứ mỗi kỳ họp Quốc Hội, người dân lại thêm một lần ngóng xem các “đại biểu Quốc Hội” có giữ lời hứa trả món “món nợ” Luật Biểu Tình nhưng rồi lại vô vọng.

Tại kỳ họp cuối năm này, theo trang web Quốc Hội CSVN, 12 dự luật được dự trù thông qua gồm: Bộ Luật Lao Ðộng (sửa đổi); Luật Chứng Khoán (sửa đổi); Luật Thư Viện; Luật Lực Lượng Dự Bị Động Viên; Luật Dân Quân Tự Vệ (sửa đổi); Luật Xuất Cảnh, Nhập Cảnh Của Công Dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ Chức Chính Phủ Và Luật Tổ Chức Chính Quyền Địa Phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán Bộ, Công Chức và Luật Viên Chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm Toán Nhà Nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ Chức Quốc Hội; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập Cảnh, Xuất Cảnh, Quá Cảnh, Cư Trú Của Người Nước Ngoài Tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản Lý, Sử Dụng Vũ Khí, Vật Liệu Nổ Và Công Cụ Hỗ Trợ.

Như vậy, Luật Biểu Tình vắng bóng hoàn toàn trong nghị trình kéo dài 28 ngày trước phiên bế mạc vào ngày 27 Tháng Mười Một, 2019.

Sau quá nhiều lần trì hoãn, các giới chức cũng như “đại biểu Quốc Hội” đã không còn lên tiếng biện hộ rằng Luật Biểu Tình “bị hoãn do chất lượng chưa đảm bảo” như tại các phiên họp trước đây.

Việc này có thể hiểu là do thời gian qua, biểu tình đã trở thành hành động bị cấm kỵ, mà các báo nhà nước phải ra sức tuyên truyền, định hướng người đọc rằng người dân nếu có xuống đường “là do bị các thế lực kích động, gây mất ổn định chính trị.”

Ngay cả một số giới chức cấp cao như bí thư Thành Ủy ở Sài Gòn Nguyễn Thiện Nhân cũng đã lên tiếng hứa với Bộ Chính Trị CSVN rằng “không để xảy ra biểu tình ở Sài Gòn.” Và để lời cam kết này thêm vững chắc, sau chính quyền hồi cuối Tháng Tám, 2019, đã duyệt chi 1,600 tỉ đồng ($68.9 triệu) từ ngân sách để trang bị “hệ thống camera giám sát đô thị giai đoạn 2019-2025,” tức CCTV, với 10,000 camera được lắp đặt thêm ngoài 37,000 camera đã được khai triển tại Sài Gòn.

Việc chính quyền dùng CCTV để theo dõi và giám sát các cuộc biểu tình của người dân được báo Thanh Niên ở thời điểm đó diễn giải: “Hệ thống camera giúp phân tích hình ảnh, nhận diện và định danh khuôn mặt nhằm tìm kiếm đối tượng; nhận diện theo độ tuổi, giới tính, đếm khuôn mặt và tần suất xuất hiện; nhận diện hành vi và phát hiện đám đông tụ tập, đếm số lượng người, phát hiện hướng di chuyển của đám đông.”

Nhà hoạt động Nguyễn Hồ Nhật Thành bình luận trên trang cá nhân: “Luật Biểu Tình là một trong ba luật quan trọng nền tảng để bảo vệ và phát huy quyền làm chủ của người dân mà nhà cầm quyền này đang nợ, nợ thế hệ này và những thế hệ đã hy sinh xương máu vì quốc gia độc lập, vì dân chủ tự do. Đến nay nhà cầm quyền vẫn dùng điều luật 318 Bộ Luật Hình Sự [CSVN], tội ‘Gây rối trật tự công cộng’ để tước đoạt quyền tự do biểu tình của người dân và kết tội những người lương thiện. Gần đây nhất là nhắm vào những người phản đối BOT bẩn như ông Hà Văn Nam, bà Huệ Như. Điều luật này cũng dùng để bỏ tù những dân oan bị cướp đất, những người phản đối sự xâm phạm chủ quyền của Trung Cộng và những nhà hoạt động dân sự khác.”

“Trước đây mình cũng đơn thuần đi biểu tình phản đối Trung Cộng gây hấn. Sự bắt bớ và đàn áp diễn ra sau đó khiến mình dần nhận ra vấn đề thuộc về chế độ hiện tại. Trong một chế độ độc tài và bất công thì ngoài việc lấy mất đi nhiều cơ hội kinh tế, giáo dục của người dân thì nó còn tước luôn cơ hội làm người, là sống theo các giá trị và lương tâm theo đuổi,” theo Facebook Nguyễn Hồ Nhật Thành.

Tại Việt Nam, trên lý thuyết, quyền biểu tình đã được ghi trong Hiến Pháp tại Điều 25, Chương II: “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.” Từ Tháng Năm, 2014, Dự Luật Biểu Tình đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc Hội CSVN nhưng đến nay, đã 5 năm trôi qua mà dự luật này vẫn chưa được trình lên Quốc Hội. (T.K.)

MỚI CẬP NHẬT