Friday, April 26, 2024

Tự do tôn giáo tại Việt Nam chỉ có trên giấy và tùy thuộc ‘xin-cho’

YÊN BÁI, Việt Nam (NV) – Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam vẫn chỉ có trên giấy, còn trên thực tế quyền này hoàn toàn tùy thuộc “xin-cho” của nhà nước.

Mới đây, một giáo dân Công Giáo tại tỉnh Yên Bái phơi bày thực tế tự do tôn giáo tín ngưỡng tại Việt Nam hoàn toàn ngược với sự tuyên truyền của nhà cầm quyền CSVN. Sự thật này càng tệ hại hơn đối với các sắc tộc thiểu số và ở các khu vực dân chúng nghèo khổ, xa thị tứ.

Giáo dân Công Giáo tại giáo họ Bản Lềnh, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn, Yên Bái, tham dự chầu thánh thể bị nhà cầm quyền địa phương kiếm chuyện cản trở. (Hình: UCAN)

Một lãnh đạo giáo dân được biết với tên Peter Nguyễn đưa tin trên trang mạng thông tin Công Giáo Á Châu (UCAN) mới đây về tình hình sinh hoạt tôn giáo rất khó khăn tại một số huyện nghèo miền núi xa xôi trong tỉnh Yên Bái như các huyện Trạm Tấu và Văn Chấn. Tín đồ phần đông là các giáo dân sắc tộc Hmong bị nhà cầm quyền địa phương hạn chế nghiêm ngặt khi nói rằng khu vực này là vùng không có tôn giáo.

Theo ông Peter Nguyễn, nhiều người Hmong đã bị viên chức địa phương cấm theo đạo Công Giáo trong khi một số người đã vào đạo rồi thì bị ép buộc phải bỏ đạo. Đồng thời, họ không được phép tụ tập đọc kinh cầu nguyện tại nhà.

Ông kể rằng năm 2010, viên chức xã Sơn Thịnh đã từng kéo đổ bàn thờ khi Linh Mục Cao Xuân Bằng từ giáo xứ Nghĩa Lộ đến dâng Thánh Lễ tại nhà tín đồ người Hmong tên Lý Thị Nữ. Trước sự phản ứng quyết liệt của giáo dân, họ đã phải dựng lại bàn thờ, nhặt hoa lên, dựng lại cây nến, chén thánh cũng như phải xin lỗi vì đã phạm thánh.

Giáo họ tại thôn Bản Lềnh với 120 tín đồ đã được chấp nhận cho hoạt động từ năm 2011 rồi sau đó, một số linh mục từ các giáo xứ khác tới cử hành Thánh Lễ tại nhà bà Nữ nhưng giáo dân phải đứng bên ngoài nhà. Bà Nữ đã ngoài 80 tuổi, từng bị nhà cầm quyền bắt giữ nhiều lần vì đã mời các bổn đạo khác đến nhà bà để dự Thánh Lễ, bất chấp bị ngăn cấm.

Giáo dân nơi đây đã nhiều lần đã làm đơn xin với nhà cầm quyền địa phương cho xây dựng nhà thờ nhưng đều bị từ chối, lấy cớ không có đất để xây dựng cơ sở tôn giáo. Giáo dân đã quyên góp tiền bạc mua một mảnh đất rồi bắt đầu xây dựng nhà thờ từ năm 2021 vì xin mãi vẫn không được cấp giấy phép xây dựng.

Vì vậy, nhà cầm quyền địa phương đã cáo buộc giáo dân là xây dựng nhà thờ bất hợp pháp rồi buộc phải tháo dỡ ít ra cả chục lần nhưng giáo dân không chấp nhận và cũng không thấy bị phạt. Dù sao, giáo dân cũng đã phải dừng chuyện xây cất một thời gian nhưng sau đó tiếp tục làm hoàn tất. Kết quả là một thánh đường nhỏ, diện tích 300 m2, mái tôn, nền gạch cũng làm xong nhưng lại không có cửa, cũng không được trang bị gì thêm vì thiếu tiền. Theo ông Peter Nguyễn, giáo dân cần thêm khoảng 150 triệu đồng (khoảng $6,380) để hoàn tất.

Hai vị linh mục từ giáo xứ Nghĩa Lộ đã đến dâng Thánh Lễ, ba ngày mỗi tuần, trong ngôi thánh đường chưa hoàn tất từ cửa đến ghế ngồi. Ngoài các Thánh Lễ, nơi đây cũng được dùng làm nơi sinh hoạt cho các đoàn thể giáo dân, các nhóm thanh thiếu niên, và cả những người ân nhân từng đóng góp công của vào việc xây dựng.

Nhờ vậy, đến nay giáo họ đã tăng lên được 180 giáo dân. Hầu hết là người Hmong, còn lại là các sắc tộc thiểu số khác.

Theo ông Peter Nguyễn, dân địa phương đã cố gắng dựng lên bốn nhà thờ “bất hợp pháp” cho khoảng 40,000 người Hmong ở khu vực những năm gần đây thuộc các huyện Văn Chấn và Trạm Tấu. Tốn phí xây dựng nhà thờ cho các giáo họ hết khoảng 500 triệu đồng (khoảng $21,000) để phục vụ nhu cầu tôn giáo cho lối 50 đến 150 giáo dân.

Một nữ cán bộ CSVN ngang nhiên lấy sách lễ của vị linh mục đang dâng thánh lễ ngày 22 Tháng Ba 2023 ở xã Dăk Jăk, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kontum.(Hình: FB)

Vì xin phép thì nhà cầm quyền không cho, giáo dân buộc lòng xây cất bất hợp pháp để có nơi sinh hoạt tôn giáo. Tuy Hiến Pháp của chế độ nói người dân có quyền tự to tín ngưỡng, tôn giáo nhưng năm 2016, Luật Tín Ngưỡng Tôn Giáo ra đời lại cột cái “quyền” này vào trong những thủ tục xin phép phức tạp mà kẻ có quyền cấp giấy phép có toàn quyền cho hay không.

Trên đây chỉ là một trong biết bao nhiêu trường hợp khó khăn mà giáo dân không riêng gì người theo đạo Công Giáo phải đối diện hàng ngày. Thỉnh thoảng, người ta vẫn thấy tin về những chuyện nhà cầm quyền CSVN ngăn cấm các sinh hoạt tôn giáo một cách thô bạo, lấy cớ hoạt động “bất hợp pháp.” (TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT