Wednesday, April 24, 2024

Sài Gòn nắng ‘đổ lửa,’ hàng ngàn trẻ em nhập viện

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Nắng nóng kèm theo sự thay đổi nhiệt độ đột ngột trong những ngày gần đây ở Sài Gòn, khiến hàng ngàn trẻ em nhập viện điều trị vì sốc nhiệt sinh nhiều bệnh.

Báo Tuổi Trẻ ngày 29 Tháng Ba, 2019, dẫn tin từ bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết mỗi ngày nơi này tiếp nhận gần 5,000 bệnh nhi đến khám, phần lớn liên quan đến các bệnh do sốc nhiệt như viêm đường hô hấp trên, viêm đường hô hấp dưới, viêm phổi và tiểu phế quản.

Nguyên nhân được các bác sĩ giải thích là do dưới tác động của nắng nóng và tia cực tím. Đài Khí Tượng Thủy Văn Khu Vực Nam Bộ hôm 28 Tháng Ba phát đi bản tin khuyến cáo nắng nóng trên khu vực Nam Bộ khi nhiệt độ được dự báo có thể lên đến 38 độ C. Riêng tại Sài Gòn, nhiệt độ từ 35 đến 36 độ C, với chỉ số tia cực tím (UV) ở mức 12 (quá cao) với thời gian gây bỏng là 10 phút.

Theo báo Zing, người dân Sài Gòn khi ra đường trong những ngày này thường mang kính mát, áo khoác hoặc áo chống nắng, khẩu trang dày choàng cả đầu, găng tay, quần dài, váy chống nắng, tất chống nắng, giày cao cổ… Có người thậm chí còn trang bị thêm khăn choàng cổ, phụ kiện vốn chỉ dành cho thời tiết mùa Đông ở những vùng có khí hậu lạnh.

Đối với nam giới, hình thức chống nắng có phần đơn giản hơn. Nhiều người chỉ đơn thuần mang khẩu trang, mặc áo khoác, quần dài là đủ để ra đường. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng khó chịu, dễ bị mất nước, nhiều người phải tiếp nước ngay trên đường di chuyển. Nhu cầu chống nắng không chỉ từ người chạy xe môtô phân khối lớn… mà còn ở cả người đẩy hàng buôn bán phế liệu.

“Trước tình trạng này, các bác sĩ khuyến cáo người dân nên hạn chế ra đường trong khoảng thời gian 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều (thời điểm bức xạ UV ở mức cao nhất). Với hàm lượng tia UV như hiện nay, ánh nắng sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe của con người, đặc biệt trẻ em,” báo Zing cho hay.

Ngoài ra, thời tiết nắng nóng có thể làm thực phẩm dễ ôi thiu, vi trùng phát triển nhanh gây ra bệnh lý về đường ruột như tiêu chảy cấp, đi tiêu ra đàm máu ở trẻ.

Vẻ mặt âu lo, chị Lê Thị Minh Anh (ngụ quận 8) đang chăm sóc con nhỏ điều trị tại khoa Hô Hấp bệnh viện Nhi Đồng 1, Sài Gòn, kể với báo Tuổi Trẻ: “Hai ngày đầu thấy cháu bị ho, tôi cho uống thuốc nhưng càng nặng thêm. Ngày thứ ba cháu sốt cao, thở mạnh, đưa đi bệnh viện khám mới biết bé bị viêm phổi. Thời tiết cả ngày lẫn đêm đều nóng như lửa thế này khiến bé cứ sốt hoài, tôi lo quá.”

Tương tự, tại bệnh viện Nhi Đồng 2, số trẻ đến khám và nhập viện trong những ngày qua cũng tăng lên đáng kể. Đặc biệt, trẻ mắc bệnh về đường tiêu hóa như tiêu chảy, nôn ói tăng nhiều, từ 10-15% so với tháng trước.

Bên cạnh đó còn có hàng ngàn trường hợp điều trị ngoại trú do liên quan đến các bệnh như viêm họng, viêm phế quản do nhiễm siêu vi…

Hình ảnh những người mặc áo chống nắng trùm kín từ đầu tới chân trở nên phổ biến trên đường phố Sài Gòn. (Hình: Zing)

Bác Sĩ Đặng Thị Kim Huyên, trưởng Khoa Khám Bệnh bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết có nhiều trẻ rơi vào tình trạng sốc nhiệt do thay đổi nhiệt độ đột ngột.

“Các bé thường chạy từ ngoài trời nắng vào thẳng nơi có máy lạnh hoặc nhảy xuống hồ bơi ngay rồi ngâm mình trong bể bơi quá lâu nên rất dễ bị sốc nhiệt. Ngoài ra, việc thời tiết quá nóng bức trong khi bé mặc quần áo bí bức dễ đổ mồ hôi gây mẩn ngứa viêm da,” Bác Sĩ Huyên nói và cho rằng các bậc cha mẹ không nên chủ quan với các biểu hiện của trẻ như ho, sốt, sổ mũi… bởi vì sẽ khiến bệnh tình bé nặng hơn dẫn đến nhập viện.

Theo các bác sĩ, nắng nóng khiến trẻ dễ mất nước, do đó các bậc phụ huynh thường cho trẻ uống nhiều nước. Tuy nhiên, cần lưu ý không nên để trẻ uống quá nhiều nước ngọt có gas kèm theo đá lạnh.

“Tốt nhất nên cho trẻ uống nước ép từ các loại trái cây tươi. Bên cạnh đó, người lớn cần phải chú ý dung hòa nhiệt độ các phương tiện làm mát phù hợp với cơ thể trẻ, hướng dẫn trẻ hạn chế thay đổi nhiệt độ đột ngột dễ bị sốc nhiệt,” Bác Sĩ Huyên khuyến cáo.

Báo Thanh Niên dẫn số liệu của Trung Tâm Quan Trắc Môi Trường Sài Gòn, các thông số bụi, CO, NO2, tiếng ồn,… ở thành phố này trong nhiều năm qua luôn ở vượt quy chuẩn gấp nhiều lần. Người dân ra đường cần đeo khẩu trang.

Theo trung tâm này, NO2 được tạo ra từ việc đốt nhiên liệu (khi chạy xe), là khí có thể làm giảm tầm nhìn, có độ hấp thụ mạnh đối với các tia cực tím tạo nên ô nhiễm quang hóa học. Và đặc biệt đây là một trong số những loại chất độc được chú ý nhất vì khi trộn với hơi nước sẽ tạo thành HNO3 có thể gây hại cho phổi. (Tr.N)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT