Friday, March 29, 2024

Sinh viên Phan Kim Khánh bị 6 năm tù vì cáo buộc ‘chống nhà nước’

THÁI NGUYÊN, Việt Nam (NV) – Tòa Án Nhân Dân tỉnh Thái Nguyên hôm 25 Tháng Mười tuyên phạt sinh viên Phan Kim Khánh 6 năm tù và 4 năm quản chế “vì vi phạm Điều 88 Bộ Luật Hình Sự.”

Ông Khánh, 24 tuổi, sinh viên sắp tốt nghiệp Khoa Quốc Tế, Đại Học Thái Nguyên, bị bắt hồi Tháng Ba với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88.

Theo báo điện tử VietNamNet, từ cuối năm 2015 đến khi bị bắt, ông Khánh “lập và quản trị hai blog “Báo Tham Nhũng” và “Tuần Việt Nam,” ba trang trên Facebook “Báo Tham Nhũng,” “Tuần Báo Việt Nam” và “Dân Chủ TV”; hai kênh YouTube “Việt Báo TV” và “Việt Nam Online” và “liên tục đăng nhiều thông tin có nội dung bịa đặt, xuyên tạc nhằm chống nhà nước XHCN Việt Nam, phần lớn được lấy từ các trang mạng phản động khác.”

Luật Sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Khánh trong phiên tòa sơ thẩm, cho hay: “Tòa nhận định Khánh sử dụng Internet để tuyên truyền tư tưởng đa nguyên, đa đảng, phi chính trị quân đội, bầu cử tự do, tự do báo chí… Giám định viên Bộ Thông Tin Truyền Thông kết luận đó là (hành vi) tuyên truyền chống nhà nước XHCN Việt Nam và nói Khánh có liên lạc với người của Việt Tân. Khánh thừa nhận các hành vi của mình và cho rằng nó là kết quả nhận thức.”

“Tòa án hôm nay đã làm trái với tinh thần xét xử của Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự Việt Nam, không khoan dung, thiếu nhận đạo (nếu cho rằng Khánh phạm tội) để tuyên một mức án rất nặng nề cho thanh niên Phan Kim Khánh,” luật sư nói thêm.

Tòa án tỉnh Thái Nguyên hôm xử ông Phan Kim Khánh. (Hình: Facebook Nguyễn Thúy Hạnh)

Hôm 25 Tháng Mười, nhà vận động Lê Văn Sơn, cựu tù nhân lương tâm, nói với Người Việt: “Đối với tôi, ‘bản án bỏ túi’ 6 năm tù giam và 4 năm quản chế đối với sinh viên yêu nước Phan Kim Khánh là một sự thất bại thảm hại về tất cả mọi mặt của nhà cầm quyền CSVN. Nó cho thấy một sự thất bại về lòng tin của nhân dân đối với nhà cầm quyền nhất là trong giới trẻ, sinh viên và tri thức. Mặt khác, với bản án nặng nề này mà (ông) Khánh phải gánh chịu khi nhà cầm quyền cố gắng gởi thông điệp đến giới đấu tranh và nhất là sự tỉnh thức của sinh viên. Họ muốn dập tắt hết mọi ý chí, sự nhiệt huyết của tuổi trẻ bằng bản án nặng nề.”

“Tuy nhiên, tôi lại cho rằng nhà cầm quyền sẽ không ngăn chặn và kiềm tỏa được tư tưởng, suy nghĩ và hành động của giới trẻ, sinh viên Việt Nam dành cho quê hương đất nước. Họ càng xử tù người yêu nước thì họ chỉ đang tự tố cáo trước công luận về những vi phạm quyền con người và những nỗi sợ hiện hữu trong cơ cấu tổ chức của đảng CSVN,” ông Sơn cho biết thêm.

Nhà hoạt động Nguyễn Hồ Nhật Thành nói: “…Có lẽ sau thời gian hoạt động năng nổ tại Đoàn Thanh Niên Đại Học Thái Nguyên với chức chủ tịch Hội Sinh Viên Khoa Quốc Tế, Khánh đã nhận ra sự thối nát của cơ chế Đoàn Thanh Niên, nếu muốn thăng tiến thì phải trở nên hèn hạ và dối trá, còn không thì chỉ làm con rối cho đám con cái quan chức lợi dụng hoạt động để tiến thân nên Khánh đã chọn cách khác. Đó là tham gia vào phong trào ngoài hệ thống đảng để tác động vào sự thay đổi dân chủ thông qua việc điều hành các website ‘Báo Tham Nhũng,’ ‘VietnamWeek,’ ‘Dân Chủ TV’ như báo Nhân Dân đã đưa tin. Bản án này có thể củng cố thêm lý do để chọn thái độ im lặng, bàng quan của những kẻ xu thời và cơ hội. Nhưng nó cũng làm rõ thêm bộ mặt tàn bạo của chế độ bóc lột này, và đó là động lực để những người như Khánh phải tiếp tục đấu tranh.”

Ông Brad Adams, giám đốc Ban Á Châu của Tổ Chức Theo Dõi Nhân quyền (HRW), được dẫn lời trong thông cáo của cơ quan này phát đi hôm 24 Tháng Mười: “Tội duy nhất của sinh viên Phan Kim Khánh là đã thể hiện quan điểm chính trị trái ý chính quyền. Tội danh ngụy tạo tuyên truyền chống nhà nước được thiết kế để dập tắt những tiếng nói ôn hòa phê bình chính quyền Việt Nam. Việt Nam cần hủy bỏ những điều luật này và chấm dứt đàn áp sinh viên cũng như những người dân thường chỉ vì họ nói về những vấn nạn của đất nước trên Internet.”

HRW cũng cho hay, tính đến nay, có hơn 100 nhà hoạt động đang phải thụ án tù vì “thực thi các quyền cơ bản như tự do ngôn luận, tự do nhóm họp, tự do lập hội và tự do tôn giáo.” (T.K.)

Mời độc giả xem phóng sự “Chợ âm phủ Đà Lạt”

MỚI CẬP NHẬT