Friday, April 19, 2024

Sinh viên Việt Nam kể chuyến bay cuối cùng từ Anh về Việt Nam để ‘trốn’ COVID-19

LTS. Hôm Chủ Nhật, 22 Tháng Ba, cô Khuất Tú Anh, sinh viên đại học University College, London, Anh, đáp chuyến bay cuối cùng từ vương quốc này về Việt Nam để “trốn” dịch COVID-19. Kênh YouTube Nửa Vòng Trái Đất TV đã có cuộc phỏng vấn với cô, và đồng ý cho Người Việt TV sử dụng nội dung này.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Hôm nay chúng tôi phỏng vấn cô Khuất Tú Anh, hiện đang du học tại trường đại học University College London, Anh, để tìm hiểu thêm tình hình của người Việt bị COVID-19 ảnh hưởng như thế nào tại đây. Trước tiên thì Tú Anh có thể cho biết là trước khi dịch COVID-19 bùng ra, người Việt sinh sống tại London có nhiều không?

Cô Khuất Tú Anh: Con số chính xác có bao nhiêu người Việt sinh sống tại London thì tôi không biết rõ, tôi chỉ biết có khoảng 13,000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại đây. Còn có nhiều người Việt đã ở đây từ đó đến giờ và bao nhiêu người làm thì tôi không biết con số cụ thể.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Trong thời gian vừa qua, khi dịch COVID-19 bùng phát, đa số những người mà cô quen biết, bao gồm những du học sinh và người lao động, họ có trở về Việt Nam không hay vẫn tiếp tục ở lại?

Cô Khuất Tú Anh: Phần lớn những người mà tôi quen biết đều về lại Việt Nam, và trong số đó có cả tôi. Cũng có một số người cố gắng ở lại, đa phần là do họ bị hợp đồng thuê nhà ràng buộc, vì nếu như họ trở về Việt Nam thì họ sẽ bị mất hết số tiền mà họ đã đóng cho khoản tiền nhà. Bên cạnh đó, một số khác thì lo sợ về lại Việt Nam sẽ bị cách ly rồi sẽ không có thời gian để tập trung học hành.

Những người quyết định ở lại đều cố gắng hạn chế ra ngoài, chỉ ở trong nhà, chịu khó dự trữ thức ăn trong vòng từ hai đến bốn tháng và mong mỏi tình hình sẽ khá lên.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Hiện tại thì tình hình ở Anh như thế nào?

Cô Khuất Tú Anh: Theo như các tin tức mà tôi đọc thì số ca lây nhiễm ngày càng tăng, đến nay thì gần đến 3,000 trường hợp, trong đó có hơn 100 người tử vong. Hôm qua là ngày có số người tử vong tăng cao nhất với 33 trường hợp chết. Hiện nay thì các trường học ở Anh đa phần cũng đóng cửa và nhiều công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà. Đối với các sinh viên quốc tế như tôi thì hôm qua tôi nhận được ba email từ trường thông báo rằng trong trường hợp nếu về lại nước được thì được khuyến cáo là nên về.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Đa số người Việt bảo vệ sức khoẻ bằng cách là đeo khẩu trang ở những nơi công cộng trong khi người bản xứ ở các nước khác thì lại không đeo, làm nhiều người Việt khi ra đường đeo khẩu trang phải đối mặt với những ánh nhìn ái ngại và cảm thấy không tự nhiên. Vậy vấn đề đeo khẩu trang đối với người bản xứ ở Anh như thế nào?

Cô Khuất Tú Anh: Có rất nhiều người hỏi tôi là giờ ra đường có dám đeo khẩu trang hay không. Theo tôi thấy thì đa phần người ở đây không đeo khẩu trang, ngay cả khi dịch đang bùng phát mạnh và căng thẳng những ngày qua. Theo tôi, người bản xứ quan niệm rằng những ai có bệnh thì mới đeo khẩu trang ra ngoài còn không thì tốt nhất là nên ở nhà.

Ở trường tôi có một sinh viên người Singapore năm thứ ba ngành Luật từng bị đánh nứt xương mặt vì đeo khẩu trang ở khu trung tâm ở London. Điều này cũng dấy lên sự lo ngại cho các sinh viên quốc tế đang học tại đây là nếu như mình đeo khẩu trang rồi ra đường như thế thì có gặp trường hợp tương tự như vậy không.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Vậy đối với những sinh viên Việt Nam, hay thậm chí bản thân của Tú Anh, có hay gặp những ánh mắt e ngại từ người bản xứ hay không?

Cô Khuất Tú Anh: Tôi thì chưa bao giờ gặp trường hợp như vậy nhưng một số bạn của tôi thì có. Một số sinh viên chia sẻ rằng do họ là người Á Châu nên nhiều lúc bị đánh đồng là người Trung Quốc. Khi đi tàu điện, người ta ngồi cách mình vài ghế. Mặc dù tôi hiểu tâm lý của những người bản xứ khi họ làm vậy, nhưng nó cũng quá bất công với các bạn sinh viên. Tại một trường, có một sinh viên bản xứ viết thư gửi lên giáo viên cho biết không muốn đi học do trong lớp có sinh viên Á Châu.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Còn tình trạng y tế ở Anh như thế nào khi COVID-19 ngày càng lây lan?

Cô Khuất Tú Anh: Về công việc tuyên truyền thì người dân có thể xem tin tức hằng ngày trên các phương tiện truyền thông như TV và Internet để cập nhật tin tức, trong đó có tin tức từ NHS, tức là National Health Service, là trang mạng chính thức của nước Anh phụ trách về vấn đề sức khoẻ của người dân.

Ngoài ra, chính phủ cũng cho biết những ai đi về từ những vùng dịch thì tự ở nhà và chính phủ cũng cung cấp đường dây nóng để người dân có thể liên lạc. Tuy nhiên, các bạn của tôi cho biết khi gọi điện thoại đến đường dây nóng đó thì lúc nào máy cũng bận, hoặc là khi gọi được thì họ sẽ hỏi han tình hình của mình. Nếu biểu hiện của mình không nặng thì họ sẽ kêu mình tự tiếp tục cách ly ở nhà.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Bà con Việt Nam ở Anh có ai bị dương tính với COVID-19 chưa?

Cô Khuất Tú Anh: Tôi chỉ thấy những người đã về Việt Nam và được xác nhận là nhiễm bệnh là số người Việt bị dương tính mà tôi biết. Còn ở đây thì tôi không thấy ai bị, có thể là do mọi người ở đây không được xét nghiệm. Chính sách trước đây ở Anh là người dân chỉ được xét nghiệm khi cảm thấy bệnh trở nặng và phải đi đến bệnh viện. Tuy nhiên, trong thời gian tới thì chính phủ Anh cam kết là sẽ tăng số lượng xét nghiệm cho nguời dân hàng ngày nhiều hơn với con số là 25,000 người một ngày. Tuy nhiên, tôi nghĩ trong thời điểm hiện tại họ chưa làm được điều này.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Ở Mỹ chúng tôi biết nhiều trường hợp, chẳng hạn trong một viện dưỡng lão có người chết và một vài ca dương tính với COVID-19. Tuy nhiên, số người còn lại sinh sống và làm việc trong viện dưỡng lão đó cũng sẽ không được xét nghiệm liệu có dương tính hay không mà chỉ khi nào có dấu hiệu bệnh thì mới được kiểm tra. Vậy ở Anh có khác với ở Mỹ không?

Cô Khuất Tú Anh: Trước đây một số nhà khoa học nhận định rằng nước Anh theo chính sách cho virus lan nhanh để tạo miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây có thể họ đã thay đổi vì nếu để miễn dịch cộng đồng như vậy thì số người nhiễm sẽ rất lớn và số người tử vong cũng sẽ cao, do dân số Anh là dân số lớn tuổi.

Thành ra, tôi nghĩ, bây giờ chính phủ sẽ cho xét nghiệm nhiều hơn, nhất là bây giờ có thêm tin tức là trường đại học University of Oxford vừa cho ra mắt bộ xét nghiệm và có kết quả trong vòng 30 phút.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Tại Việt Nam, các thông tin về ca nhiễm, số người nhiễm, đều được công bố công khai, thậm chí cả trường hợp F1 gặp F2 ra sao và thông tin cách ly như thế nào. Vậy thì ở bên Anh họ có công bố giống như vậy không?

Cô Khuất Tú Anh: Việc này hoàn toàn không xảy ra ở Anh vì người dân nơi đây coi trọng quyền riêng tư. Các thông tin về người nhiễm, người nhiễm tiếp xúc với ai, hay các thông tin liên quan khác đều không được công bố. Chẳng hạn tại trường của tôi có một sinh viên bị nhiễm thì trường cũng chỉ gửi email thông báo về việc trường có một sinh viên bị nhiễm như vậy. Vì thế, trong vòng 10 ngày qua, sinh viên đó không đến trường. Trường chỉ khuyến cáo sinh viên phải tự chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ của mình chứ hoàn toàn không làm gì hơn như việc công bố danh tính người sinh viên, học ở khoa nào.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Ngay cả việc khoanh vùng tìm xem 14 ngày gần đây người sinh viên mắc bệnh đó đi đâu, làm gì và gặp ai hay sao?

Cô Khuất Tú Anh: Tôi được biết là họ có làm và có xác định những người tiếp xúc với người bị bệnh, thông báo cho họ biết để chủ động cách ly ở nhà. Ngoài ra, sẽ không có thông tin nào khác cho cộng đồng.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Nếu chẳng may có một người Việt nào đó tại Anh có các triệu chứng bị nhiễm bệnh, thì việc liên lạc hay đến bệnh viện trong những ngày vừa qua có gặp khó khăn hay không?

Cô Khuất Tú Anh: Theo tôi biết thì hệ thống y tế ở Anh cũng đang bị “quá tải,” số người liên lạc thông báo có các triệu chứng bệnh cũng nhiều. Cho dù mình nói là mình bị nặng thì cũng có nhiều người khác bị bệnh nặng và đang xếp hàng để được xét nghiệm nên tôi nghĩ sẽ rất khó khăn cho người Việt. Đó cũng là lý do mà nhiều sinh viên trong thời gian qua phải về Việt Nam vì mọi người thấy không an toàn tại đây khi có thể là mình có bệnh nhưng có thể là sẽ không được chữa trị.

Bên cạnh đó, các trường đại học cũng gửi thư cho sinh viên quốc tế, khuyến cáo họ nên quay về nước, thì có nghĩa là họ cũng muốn giảm tải cho hệ thống y tế của họ. Trước đây, chính sách y tế ở Anh cũng rất tốt, chỉ có điều là dịch COVID-19 này khiến mọi người quan ngại là liệu hệ thống y tế có đủ khả năng đáp ứng cho số lượng bệnh nhân bị nhiễm càng lúc càng tăng.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Ở những nơi tụ tập đông người, những khu giải trí, chính phủ có ban bố tình trạng khẩn cấp và khuyến cáo những nơi đây nên đóng cửa và người dân không nên ra đường?

Cô Khuất Tú Anh: Chính phủ Anh khuyến cáo người dân không nên đến những chỗ đông người.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Tại thời điểm dịch mới bùng phát, cô từng chia sẻ là đã chuẩn bị tâm lý cho việc ở đây mà không về Việt Nam?

Cô Khuất Tú Anh: Lúc đó tôi có cảm nhận là tình hình sẽ tốt hơn nên tôi cũng tự chuẩn bị lương thực, thực phẩm để ở lại. Tuy nhiên, sau khi nghe tin Việt Nam sẽ đóng các chuyến bay quốc tế về Việt Nam và tình hình ở London ngày càng tệ hơn và có thể sẽ bị “lock down,” nên tôi quyết định về.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Trường của cô cũng đóng cửa, cụ thể là như thế nào?

Cô Khuất Tú Anh: Đa số là các trường ở đây đều đóng cửa và cũng chưa biết là khi nào mở cửa trở lại.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Chuyến bay về Việt Nam của cô có lẽ là chuyến bay cuối cùng mà Việt Nam cho phép chuyến bay quốc tế nhập cảnh. Gia đình có ủng hộ quyết định này của cô không?

Cô Khuất Tú Anh: Gia đình ủng hộ quyết định của tôi. Trước đây, khi tôi còn quyết định ở lại thì người nhà cũng bảo nếu tình hình tệ đi thì nên về.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Sau khi nhập cảnh vào Việt Nam thì cô sẽ phải cách ly 14 ngày. Như vậy cô có lo sợ không?

Cô Khuất Tú Anh: Tôi không nghĩ là việc cách ly là việc phải lo sợ mà tôi nghĩ Việt Nam đang làm điều đó khá tốt. Mọi người đều được chăm sóc chu đáo và an toàn nên tôi cảm thấy vui khi được về nhà.

Nửa Vòng Trái Đất TV: Cảm ơn cô dành thời gian trả lời phỏng vấn.

MỚI CẬP NHẬT