Tuesday, April 23, 2024

Slovakia tiếp tay CSVN bắt cóc Trịnh Xuân Thanh?

BERLIN, Đức (NV) – Chính phủ Slovakia đang phải đối diện với rắc rối ngoại giao với nước Đức liên quan đến vụ tình báo của Bộ Công An CSVN bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hồi Tháng Bảy năm ngoái.

Hãng thông tấn của Slovakia hôm 29 Tháng Tư, 2018, đưa tin Thủ Tướng Peter Pellegrini của Slovakia sẽ phải bay sang Berlin để gặp bà thủ tướng Đức vào ngày 2 Tháng Năm, 2018, này để giải tỏa các nghi vấn liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh với các chứng cớ ông ta bị đưa từ Đức sang Czech rồi sang thủ đô Bratislava của Slovakia trước khi bị đẩy lên máy bay về Việt Nam “đầu thú.”

Theo báo Pravda thuật lại cuộc phỏng vấn truyền hình hôm 28 Tháng Tư, 2018, thủ tướng Slovakia nói rằng chính ông cũng không biết gì về tin tức có một bộ phận trong chính phủ giúp đỡ cho Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Bộ Nội Vụ liên lạc với phía Việt Nam để kiểm chứng phái đoàn của Bộ Công An CSVN đến Bratislava hồi Tháng Bảy năm ngoái, ngoài danh sách được biết, còn có ai khác không.

Theo báo chí tường thuật dựa trên các tài liệu của cảnh sát Đức điều tra, những kẻ tổ chức bắt cóc đã khôn ngoan tổ chức một đoàn cán bộ công an do Bộ Trưởng Tô Lâm cầm đầu đến Bratislava thăm viếng để tăng cường hợp tác nhưng thực ra là để che đậy hành động bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Bộ Trưởng Nội Vụ Slovakia lúc đó là Robert Kalinak đã gặp Bộ Trưởng Công An CSVN Tô Lâm ngày 26 Tháng Bảy, 2017, tại khách sạn Borik (của chính phủ Slovakia), nơi đây có cả cái xe dùng bắt cóc, theo dữ kiện GPS ghi lại. Cuộc gặp diễn ra 3 ngày sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc tại công viên, tức đến ngày này nhiều phần ông ta chưa bị đưa lên máy bay.

Báo chí địa phương hôm 30 Tháng Tư, 2018, nói Bộ Trưởng Nội Vụ Kalinak “bày tỏ quan ngại và nhìn nhận rằng phái đoàn Việt Nam đã vội vã thay đổi hành trình nên đã cung cấp cho phái đoàn một máy bay của chính phủ.” Chính vì vậy mà báo chí Đức, tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, đặt nghi vấn là Slovakia có thể đã tiếp tay với Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.

Khách sạn Borik nơi do Tướng Tô Lâm cầm đầu bắt cóc Trịnh Xuân Thanh thuê phòng. (Hình: Pravda)

Ban đầu, phái đoàn Tướng Tô Lâm không định đến Slovakia mà dự trù đến Vienna, nước Áo. Không biết vì lý do gì, họ lại chuyển hướng sang Prague, Cộng Hòa Czech.

“Vì sự thay đổi này cùng với chương trình (của họ) ở Moscow, chúng tôi đã cung cấp máy bay của chính phủ để bay từ Prague sang Bratislava rồi tới Moscow,” hãng tin SME thuật lời kể lại của cựu Bộ Trưởng Kalinak mà không nói rõ những ai có mặt trên chiếc máy bay.

Dù sao, Bộ Nội Vụ Slovakia cho hay họ hợp tác với cơ quan điều tra của cảnh sát Đức. Có tin nói rằng khi tiếp phái đoàn Tô Lâm thì ông Kalinak “say rượu.”

“Nếu những tin tức do chính quyền Đức cung cấp được xác nhận, chúng tôi coi đó là sự biểu thị không đàng hoàng trầm trọng về phía đối tác Việt Nam, coi như lợi dụng lòng hiếu khách của chúng tôi hơn là mối quan hệ hữu nghị, và đồng thời gây mất ổn định cho mối quan hệ đang rất thuận hảo giữa hai nước.” Hãng tin TASR thuật lời loan báo của Bộ Nội Vụ Slovakia. Cơ quan này cũng nhắc thêm rằng cuộc tiếp xúc được dàn xếp từ chuyến viếng thăm trước đó của phái đoàn Slovakia đến Việt Nam nhằm tăng cường sự hợp tác của hai bên.

Tuần trước báo chí Đức đã mô tả lại toàn bộ hành trình vụ bắt cóc từ thuê xe, những ai tham gia bắt cóc, đi từ đâu tới đâu. Tất cả những chứng cứ thu thập được qua dữ kiện của hệ thống chỉ đường GPS trên các chiếc xe thuê, thẩm vấn các nhân chứng, nghi can và các tài liệu, giup chính phủ Đức đuổi hai viên chức cao cấp của tòa đại sứ CSVN tại Berlin về nước, dẫn độ Nguyễn Hải Long từ Czech về Đức để truy tố.

Một số tướng lãnh công an CSVN bị nêu tên tham gia và chỉ huy trực tiếp vụ bắt cóc gồm Bộ Trưởng Công An Tô Lâm, Tướng Đường Minh Hưng, phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục An Ninh và Tướng Lê Mạnh Cường, phó Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Tình Báo của Bộ Công An, có mặt cả ở nước Đức và Slovakia, cùng trở về Việt Nam trên chiếc “chuyên cơ” dùng cho vụ bắt cóc.

Cuối tuần qua, báo chí Đức có một số bản tin, bài viết liên quan đến vụ xử án Nguyễn Hải Long, chủ công ty dịch vụ chuyển tiền tại chợ Sapa, Prague, Cộng Hòa Czech, thuê xe mang sang Berlin để nhóm mật vụ CSVN gài bẫy bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngày 23 Tháng Bảy, 2017, giữa ban ngày tại công viên.

Tuần báo Der Spiegel, trong ký sự dài 3 trang, cảnh sát đã dựng lại toàn cảnh vụ bắt cóc nhờ hệ thống chỉ đường GPS gắn trên các xe, lời các nhân chứng, hình ảnh lưu lại từ camera giám sát ở công viên, các khách sạn nơi nhóm tình báo CSVN thuê mướn và cả điện thoại di động của Trịnh Xuân Thanh bị bỏ lại tại công viên nơi bị bắt cóc.

Hiện vụ xử Nguyễn Hải Long tại Berlin còn đang tiếp tục. (TN)

MỚI CẬP NHẬT