Thursday, April 18, 2024

Sông, hồ Hà Nội bị hủy diệt từng ngày, không khí ở mức ‘nguy hại’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ngoài không khí ô nhiễm luôn ở mức “cảnh báo cao nhất” ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân hằng ngày, hệ thống sông hồ ở Hà Nội cũng đang bị đầu độc nghiêm trọng và đều ở mức ô nhiễm rất nặng.

Báo VNExpress dẫn thống kê năm 2019 của công ty Thoát Nước Hà Nội cho biết “chỉ có 22% nước thải ở thành phố Hà Nội được gom qua nhà máy xử lý, trong khi 78% còn lại xả thẳng ra sông hồ, kênh mương.”

Với hệ thống thoát nước do “lịch sử để lại,” nước thải và nước mưa của Hà Nội hiện chung một đường ống. Trước thực trạng này, Giáo Sư Vũ Trọng Hồng, hiệu phó trường Đại Học Thủy Lợi, lo ngại: “Những tích tụ của đô thị hóa lẫn công nghiệp như những đợt sóng ngầm, len lỏi dần vào đời sống cư dân thành phố. Cho đến một thời điểm nào đó, nó có thể bùng nổ thành thảm họa không xử lý được nữa.”

Ông Hồng phân tích, kim loại hoặc một số chất trong nước thải không qua xử lý ngấm vào đất, nước ngầm lâu năm có thể tích tụ thành chất độc. Chúng quay trở lại đời sống dân cư qua thức ăn, nước uống hằng ngày. “Lúc bùng phát là đại dịch bệnh, hoặc gây ra những căn bệnh quái ác, không đơn thuần là hôi và bẩn nữa,” ông cảnh báo.

Cùng lo lắng tương tự, ông Bùi Ngọc Uyên, đại diện công ty Thoát Nước Hà Nội, cho biết: “Nước thải, nước mưa không được phân tách thành hệ thống riêng biệt dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Không chỉ các loại chất thải hữu cơ, bùn đất, nước mưa trộn lẫn nhau gây tắc cống, chảy xuống ao hồ gây ô nhiễm mà ảnh hưởng đến hệ thống thủy sinh.”

Với kết quả quan trắc liên tục từ năm 2014 đến 2018, Trung Tâm Nghiên Cứu Môi Trường và Cộng Đồng CECR đã khảo sát 30 hồ ở Hà Nội, cho thấy 25 hồ “có dấu hiệu ô nhiễm đến ô nhiễm rất nặng.” Quanh các miệng hồ Giảng Võ, Nghĩa Tân, Thủ Lệ… nhóm khảo sát đều tìm được 3-6 cống xả thải trực tiếp nước sinh hoạt xuống hồ. Chỉ số phẩm chất nước (WQI) của các dòng sông trong nội thành đều dưới mức 25, tương ứng ký hiệu màu đỏ. Riêng sông Tô Lịch, có năm chỉ số chỉ xấp xỉ 0, đồng nghĩa với nguồn nước đã bị ô nhiễm rất nặng.

Bầu trời Hà Nội mịt mù bụi ô nhiễm sáng 12 Tháng Mười Một, 2019. (Hình: VNExpress)

Điều đáng nói là hồi năm 2016, chính quyền thành phố Hà Nội đã cho khởi công xây dựng nhà máy Xử Lý Nước Thải Yên Xá (huyện Thanh Trì) với tổng vốn đầu tư 16,200 tỷ đồng ($698.48 triệu) để “nhằm thu gom, xử lý nước thải cho bảy quận, huyện, kỳ vọng ‘hồi sinh’ các dòng sông chết.’” Nhà máy dự kiến năm 2019 hoàn thành, thế nhưng đến Tháng Chín vừa qua chỉ mới đạt khoảng 10% khối lượng.

Không chỉ sông, hồ đang bị hủy diệt từng ngày, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội cũng đang ở mức ô nhiễm “chưa từng thấy.

Báo Tuổi Trẻ dẫn tin từ Tổng Cục Môi Trường cho biết chỉ số phẩm chất không khí AQI (Air Quality Index) tại các điểm đo ở khắp nơi trong thành phố Hà Nội sáng ngày 12 Tháng Mười Một, luôn ở ngưỡng từ 270- 344, tương đương với mức cảnh báo khẩn cấp về sức khỏe: “Toàn bộ dân số trong khu vực điểm đo bị ảnh hưởng sức khỏe tới mức nghiêm trọng.”

Ông Hoàng Dương Tùng, chủ tịch Mạng Lưới Không Khí Sạch Việt Nam, cho hay trong nhiều năm nghiên cứu về phẩm chất không khí, đây là lần đầu tiên ông chứng kiến chỉ số không khí ô nhiễm cao như vậy. Tuy nhiên điều nguy hại hơn, theo ông Tùng, chính là vấn đề chưa thấy chính quyền có những biện pháp làm giảm ô nhiễm quyết liệt như các nước, trong khi tình hình ngày càng đáng lo ngại.

“Ô nhiễm tới mức này là gay go lắm rồi. Với mức ô nhiễm này, có thể một nguồn ô nhiễm lớn đang phát ra ở Hà Nội hoặc các tỉnh lân cận. Tôi cho rằng Hà Nội cần ngay lập tức cảnh báo để người dân có cách bảo vệ sức khỏe của mình,” ông Tùng lo lắng nói. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT