Friday, May 17, 2024

Tân Sơn Nhất đông nghẹt ngày giáp Tết: Một Việt kiều về quê, 10 người đón

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – “Một người thân là Việt kiều về nước, 10 người đón, chờ đợi cả ngày lẫn đêm. Nhiều người quá mệt, nằm ngủ đủ kiểu ngay sảnh nhà ga phi trường, người thì mang nước, bánh trái ngồi lê lết đợi vì không biết giờ máy bay hạ cánh.”

Cảnh tượng này được báo Tuổi Trẻ tường thuật từ nhà ga phi trường Tân Sơn Nhất đêm và rạng sáng ngày 18 Tháng Giêng, 2020. Đây là chuyện mới so với những ngày trước, nhưng không lạ mà chỉ là “đến hẹn lại lên” mỗi dịp Tết tới, Xuân về.

Và hầu như mỗi năm, các nhà chức trách hàng không, giao thông đường bộ, hải quan, công an của Việt Nam đều “mất ăn mất ngủ” để phòng ngừa, ứng phó và giải quyết những tình huống phát sinh cả bên trong và ngoài phi trường.

Những năm gần đây giới chức hàng không phi trường Tân Sơn Nhất luôn khuyến cáo người dân có thân nhân là Việt kiều về quê ăn Tết chỉ nên cử đại diện thay vì kéo cả “bầu đoàn thê tử” ra đón để giảm lưu lượng xe cộ vào ra phi trường và nhất là giảm lượng người chờ đợi ở bên trong nhà ga.

Tuy nhiên, thực tế thì “ai lo cứ lo, ai đón cứ đón” nên tình trạng chen chúc vật vã đón Việt kiều không hề thuyên giảm. Thậm chí, điều kiện kinh tế tốt hơn, đường bay mở ra nhiều hơn, số chuyến bay quốc tế tăng thêm Việt kiều về thăm quê ăn Tết càng đông khiến câu chuyện “kẹt cứng” ở phi trường những ngày giáp Tết càng trở nên nghiêm trọng.

Sau Tết, cảnh tượng chen chúc ở phi trường lặp lại khi nhà nhà cùng nhau đi tiễn Việt Kiều. Vì sao như vậy?

Người đón thường có câu trả lời giống nhau rằng mỗi năm, có trường hợp là nhiều năm, người thân mới về Tết một lần nên mừng quá, lên tận phi trường đón cho… bớt nôn nao. Người được đón thì giả lả: “Có sao đâu, đông vui mà!”

Cũng có người “ngoài cuộc” cho rằng việc kéo cả nhà đi đón Việt kiều quá tốn kém trong khi hiện nay xe cộ, dịch vụ đưa rước từ phi trường về tận làng quê không hiếm, “ới một tiếng là có.” Có người thì cho rằng việc “một Việt kiều về chơi, cả nhà đi đón là phô trương thái quá, cần tiết chế lại.”

Nụ cười hạnh phúc được gặp lại nhau trên phi trường vào đêm cuối năm. (Hình: N.Hiển/Tuổi Trẻ)

Nhiều người đặt câu hỏi vì sao như vậy?

Trả lời câu hỏi này, độc giả Hoàng Anh Thơ bày tỏ trên báo Tuổi Trẻ: “Không cần dài dòng tôi xin phép hỏi lại những người phản bác có giá đình không? Đi đón đông người là phô trương? Người trong gia đình họ thương mến nhau họ có quyền biểu lộ tình cảm có thể khác nhau xin đừng ngồi đó ném đá ? Theo tôi biết đã số người Việt về quê ăn Tết là cả một sự hy sinh cho gia đình. Bình quân khoảng từ 4-5 năm họ mới dám về quê. Cuộc sống của người Việt xa xứ thường cũng là đủ ăn cho đến dự giả một chút. Do vậy chỉ phí về quê họ phải tính toán cho các sinh hoạt rất nhiều. Vì yêu gia đình họ về quê như vậy có phải là phô trương không? Và người thân vì sau những năm xa cách họ đi đón như vậy có gì sai không?”

Còn độc giả tên Việt thì châm biếm: “Dòng họ nhà tui Việt kiều đông như… cái chợ, có cả dâu, rể ‘tóc vàng, mắt xanh, mũi lõ.’ Mỗi năm, lúc thì Noel và Tết Tây, lúc thì Tết ta, lúc thì tới mùa Hè của mấy đứa nhỏ ở ‘bển’…, tụi nó về Việt Nam chơi rần rần, tới nỗi ông cố tui vui nhưng… phát mệt. Nhưng có bao giờ ra phi trường đón ‘thấy ghê’ như báo nói đâu. Chỉ có lúc thì bác Hai, lúc thì chú Năm, cô Bảy… được gia đình ‘ủy thác’ thuê hai chiếc xe 16 chỗ, chiếc chở người, chiếc chở vali, ra phi trường đón. Vậy thôi! Mà cũng vui thấu trời khi xe về tới nhà, mấy đứa cháu xuống xe, ùa vô chào bằng thứ tiếng Việt… ‘ba rọi’ (cách nói vui của ông cố). Khi tả cảnh chen lấn khổ sở ngoài phi trường để đón Việt kiều về, ông cố tui cười khẩy ‘ối, đi cho đông để Việt kiều thấy, nhớ mặt và chia quà ở ‘bển’ đem dìa, hay cho vài ba chục đô, rồi họ bỏ tiền ra nhậu rượu Tây. Nói thiệt đó, ai giận thì chịu.”

Trong khi đó độc giả Thanh Nghi thẳng thắn: “Trời ạ, chủ yếu gặp trước giành quà thôi ạ, nói ra thì xấu hổ,… không cho được nhiều thì trách móc, chê keo kiệt đủ thứ. Việt kiều về nước mà không nhiều tiền cũng khổ lắm mấy anh chị ơi. Còn cha mẹ ở Việt Nam thì còn về nhiều, chứ cha mẹ mất rồi có khi cả chục năm mới về một lần. Chúng ta nên suy nghĩ tại sao Việt kiều ngại về hơn?”

Độc giả Ha giải thích: “Có lẽ thói quen bầu đoàn thê tử đi đón Việt kiều có lịch sử từ thời đất nước mới mở cửa, còn nhiều khó khăn. Khi ấy, đúng là Việt kiều nhiều năm mới về thăm quê được một lần, đâm thành sự kiện mong chờ của cả họ. Mặt khác, có rất nhiều gia đình lệ thuộc tài chính vào người thân ở nước ngoài. Chẳng phải nhà ai có ‘Việt kiều’ từng là một niềm hãnh diện đó thôi? Nên lại càng có lý do để ngóng chờ và đi đón ‘Việt kiều’ về nước! Giờ Việt Nam tuy có khấm khá hơn nhưng đó vẫn còn là thực tế. Thí dụ, giờ có nhiều gia đình ở nông thôn có người nhà đi “xuất khẩu lao động”” là trụ cột kinh tế, thì hẳn là thấy ‘Việt kiều’ về là thấy Tết rồi, đâm ra càng háo hức, càng chờ đợi. Thú vị là, giờ khái niệm Việt kiều có khác so với ngày trước. Trước kia thì Việt kiều là những người Việt định cư ở hải ngoại, giờ thì ‘Việt kiều’ có vẻ chỉ chung những người Việt đang đi làm ăn,đi học dài hạn ở ngoại quốc.”

“Các Việt kiều ở các tỉnh miền Đông, miền Tây, miền Trung nên đặt vé nối chuyến về gần nhà mình hơn, đỡ vất vả cho người đi đón cũng đỡ nặng tâm lý phải quà cáp cho những người đi đón vì họ quý mình. Thí dụ, khi xuống phi trường Tân Sơn Nhất thì nối chuyến đi phi trường Cần Thơ, Rạch Giá, phi trường Phú Quốc cho người ở miền Tây. Còn về miền Đông và miền Trung thì các bạn có thể nghĩ đến phi trường Liên Khương-Đà Đạt, phi trường Cam Ranh-Nha Trang, phi trường ở Quy Nhơn-Bình Định… Không nhất thiết là cứ ‘rồng rắn’ lên phi trường Tân Sơn Nhất làm gì,” độc giả Nguyen Hoang Lan gợi ý. (Tr.N)

MỚI CẬP NHẬT