Wednesday, May 8, 2024

Tập đoàn Vinashin ‘chết’ hơn 10 năm nhưng vẫn chưa bị ‘chôn’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tập đoàn đóng tàu đầy tai tiếng Vinashin tuy đã “chết” từ hơn 10 năm trước, bây giờ mới thấy loan báo sẽ cho phá sản vào Quý I, 2024.

Từng được xưng tụng là “quả đấm thép” đưa Việt Nam “đi tắt đón đầu” tiến tới công nghiệp hóa đất nước từ những cánh đồng lúa, nương khoai, hàng tỉ đô la được CSVN, qua nhiều đời thủ tướng, đổ vào đầu tư cho tập đoàn Vinashin, nay chỉ là những khối sắt rỉ sét và bụi bám.

Bên trong nhà máy cán thép bừa bãi, hoang vắng, đủ thứ vật dụng bỏ không từ lâu.(Hình: Vietnamnet)

Hôm Thứ Bảy, 23 Tháng Mười Hai, Vietnemnet cho hay “Chính phủ vừa quyết nghị thông qua kế hoạch thực hiện chủ trương xử lý Tổng Công Ty Công Nghiệp Tàu Thủy (SBIC).”

Tổng công ty này tiền thân là tập đoàn đóng tàu Vinashin có các cơ sở từ miền Bắc tới miền Nam, gồm cả nhà máy cán thép, xưởng đóng tàu và sửa chữa tàu.

Theo loan báo, công ty mẹ SBIC và 7 công ty con (các công ty TNHH một thành viên Đóng Tàu: Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Thịnh Long, Cam Ranh; Công ty TNHH một thành viên Công Nghiệp Tàu Thủy Sài Gòn; công ty TNHH một thành viên Đóng Tàu và Công Nghiệp Hàng Hải Sài Gòn) “được yêu cầu khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo quy định pháp luật để nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.”

Không kể những quan chức bị kết án đến chung thân, chủ tịch và tổng giám đốc của tập đoàn này đã bị kết án tử hình vì “cố ý làm trái” để nuốt hàng triệu đô la qua những trò mua sắm ma mãnh trang bị và vật liệu. Dương Chí Dũng (chủ tịch tập đoàn) và Mai Văn Phúc (tổng giám đốc) bị kết án tử hình cuối năm 2013.

Ngày 20 Tháng Mười Hai, Vietnamnet mô tả nhà máy cán thép nóng Cái Lân, thành phố Hạ Long, cung cấp thép tấm đóng tàu, bị bỏ hoang suốt 13 năm qua, hiện trạng “bị bỏ hoang hơn một thập niên, máy móc ở đây đã hoen gỉ, xuống cấp trầm trọng và không còn khả năng sản xuất trở lại”.

Ngay từ năm 2019, Vietnamnet cho hay nhà máy đóng tàu Dung Quất của tập đoàn Vinashin từng được xây dựng với tham vọng đóng tàu biển có trọng tải tới 300,000 tấn. Nhưng tới lúc đó, sau khi đã đổ vào khoảng $175 triệu thì “hình hài nhà máy là một xưởng sửa chữa tàu cũ, nhiều hạng mục thi công dở dang phải dừng vì càng làm càng lỗ. Còn bản thân Công Ty Công Nghiệp Tàu Thủy Dung Quất cũng phải chuyển sang cho Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN) tiếp quản khi Vinashin sa lầy.”

Cho đến thời điểm này “công ty đóng tàu Dung Quất nằm trong danh sách đen một trong 12 dự án/doanh nghiệp yếu kém của ngành Công Thương.”

Trên đây là hai trong các hình ảnh thực trạng đại công ty Vinashin đã chết vì thua lỗ trong khi hoạt động, hoặc ngay khi xây dựng dở dang, được đề cập trên mặt báo. Quan chức đảng viên cầm đầu, lợi dụng chức vụ và quyền hạn, thông đồng với đối tác nước ngoài để ăn hối lộ hoặc rút ruột công ty khi mua sắm.

Gần chục năm qua, hàng chục đại công ty trong tham vọng công nghiệp hóa đất nước như nhà máy phân đạm Ninh Bình, nhà máy xơ sợi Đình Vũ (Hải Phòng) nhà máy gang thép Thái Nguyên, sinh học ethanol Phú Thọ, nhà máy đóng tàu Dung Quất… đã phải dừng xây dựng hoặc dừng hoạt động vì thua lỗ.

“Chỉ tính riêng 3 dự án là Đạm Ninh Bình, xơ sợi Đình Vũ, gang thép Thái Nguyên, số vốn đầu tư không hiệu quả đã lên đến 27 nghìn tỷ đồng. Chục nghìn tỷ nằm phơi mưa gió trong khi ngân sách từng ngày vẫn trong tình trạng “giật gấu vá vai,” lo chỗ nọ, bù chỗ kia để cân bằng được các khoản chi tiêu thường xuyên. Còn chi đầu tư phát triển đang phải dựa phần lớn vào nguồn vốn vay.” Vietnamnet viết.

Lễ đặt ky tàu chở dầu tại nhà máy đóng tàu Dung Quất. Nhà máy “đắp chiếu” từ 11 năm qua. (Hình: Vietnamnet)

“Nói về thực cảnh này, một chuyên gia ví von, tư duy làm kinh tế kiểu “thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” đang đẩy nhiều dự án có vốn nhà nước vào cảnh khoai chẳng có mà ăn, còn mai thì mất. Những dự án ngàn tỷ đó làm thì lỗ, phá sản không xong… nó trở thành một món nợ, một nỗi đau dai dẳng… và đó là những ‘tượng đài’ nhắc nhở chúng ta về sự lãng phí. Và kể ra thì còn rất nhiều ‘tượng đài’ như thế trên cả nước.” Theo Vietnamnet ngày 23 Tháng Mười Một, 2016.

Ở những nước kỹ nghệ, công ty thua lỗ không thể nào chống đỡ nổi nữa sẽ phải nhanh chóng khai phá sản. Nhưng với CSVN, cái xác Vinashin vẫn chưa đem chôn, dù chết đã hơn chục năm, trong khi còn nhiều cái xác khác tương tự như “quả đấm thép” vẫn đang được “đắp chiếu.” (TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT