Friday, April 19, 2024

Tàu Trung Quốc vào vùng biển Việt Nam cản trở khoan tìm dầu khí

BIỂN ĐÔNG, Việt Nam (NV) – Nhiều tàu bán quân sự của Trung Quốc và Việt Nam đeo bám nhau những ngày gần đây trên biển Đông có vẻ như cho thấy Trung Quốc muốn ngăn cản Việt Nam gia tăng khoan tìm dầu khí.

Báo South China Morning Post (SCMP) ở Hồng Kông ngày Chủ Nhật, 14 Tháng Năm, cho hay như vậy khi viết về những gì đang diễn ra trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, khu vực Tư Chính và Nam Côn Sơn, mà Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền dựa trên những vạch “lưỡi bò” tưởng tượng.

Tàu Cảnh Sát Biển Việt Nam (trái) bị tàu Hải Cảnh Trung Quốc chặn đường khi hai bên đối đầu phía Nam quần đảo Hoàng Sa năm 2014. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

SCMP dựa trên những thông tin riêng nói rằng cả hai bên Trung Quốc và Việt Nam đều gửi tàu tới khu vực diễn ra căng thẳng với nỗ lực muốn đẩy tàu của phía bên kia ra khỏi khu vực. Không nước nào xác nhận những gì đang diễn ra trên Biển Đông, nhưng theo giới quan sát Trung Quốc được SCMP viện dẫn, cả hai cố gắng tránh làm căng thẳng gia tăng.

SCMP dẫn thông tin của nhóm South China Sea Wave (SCSW) viết trên WeChat ngày Chủ Nhật rằng hơn chục tàu tham gia trong vụ đối đầu bị kích thích từ một thông báo nội bộ của Việt Nam nói họ sẽ mở rộng khoan tìm dầu khí tại lô 05-1A gần bãi Tư Chính tháng này. Thật ra lô 05-01A thuộc bồn trũng Nam Côn Sơn.

Trang mạng của nhóm “South China Sea Wave” ở Trung Quốc chuyên đưa thông tin về hoạt động quân sự và khảo cứu ở khu vực, kêu rằng hoạt động mở rộng khoan tìm của Việt Nam vừa nói vi phạm Tuyên Bố Ứng Xử Biển Đông mà ASEAN ký với Trung Quốc hơn 20 năm trước. Họ tảng lờ những hoạt động bất hợp pháp của nước họ bao lâu nay hiện vẫn đang tiếp diễn.

Nhóm SCSW kêu lời loan báo của phía Việt Nam đã khiến Bắc Kinh đưa tàu khảo cứu Xiang Yang Hong 10 (Hướng Dương Hồng 10) tới khu vực với sự hộ tống của hai tàu Hải Cảnh và ít nhất bảy tàu đánh cá (dân quân biển) từ hai tỉnh Quảng Đông và Hải Nam.

Tuy khu vực nằm hoàn toàn trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, theo Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS) nhưng Bắc Kinh lại ngang ngược tuyên bố chủ quyền hơn 80% đến 90% Biển Đông theo phạm vi chín vạch tưởng tượng nối lại gióng hình “lưỡi bò.” Nhiều khu vực mấy cái vạch này ăn sâu vào các vùng biển đặc quyền kinh tế các nước khác, đặc biệt là Việt Nam và Phlippines.

Bãi Tư Chính (tên quốc tế là Vanguard Bank) là rạn san hô phía Tây xa nhất của quần đảo Trường Sa, Việt Nam đã từ lâu kiểm soát mà trên đó đã thiết lập một số nhà giàn DK lính Hải Quân trấn giữ để bảo vệ, thêm cả hải đăng. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền theo cái “lưỡi bò” và hai bên đã từng xảy ra căng thẳng ở khu vực này hồi năm 2019. Bắc Kinh cũng đã đưa nhiều tàu tới làm áp lực khi phía Việt Nam muốn mở rộng dò tìm dầu khí.

Ông Đặng Sơn Duân, một nhà báo độc lập ở Hà Nội, dựa trên các thông tin riêng viết trên Twitter ngày 11 Tháng Năm, nhóm tàu Trung Quốc tới vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhằm áp lực Việt Nam dừng kế hoạch khoan tìm tại lô 05-1A.

Theo phía Việt Nam, chương trình mở rộng khoan tìm tại lô 05-1A sẽ bắt đầu từ Tháng Năm này khi giàn khoan PV Drilling VI được kéo tới giếng DHN-4X từ ngày 4 đến ngày 8 Tháng Năm.

Sơ đồ hoạt động của Hướng Dương Hồng từ ngày 7 Tháng Năm, 2023 đến nay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, có tàu Kiểm Ngư 414 bám theo. (Hình: RFA/ MarineTraffic)

Từ ngày 8 Tháng Năm, nhóm tàu Trung Quốc dẫn đầu bởi Hướng Dương Hồng xâm nhập vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam và đến ngày 10 Tháng Năm thì đến gần với khu vực cắm giàn khoan của Việt Nam thuộc mỏ Đại Hùng, đánh dấu bởi tọa độ 8.438423n/108.636361e. Mỏ Đại Hùng với lô 05-1 nằm ở phía Tây Bắc bồn trũng Nam Côn Sơn không thuộc bãi Tư Chính.

Hãng tin Reuters ngày 11 Tháng Năm dựa trên những thông tin từ hai tổ chức độc lập theo dõi hoạt động trên biển nói rằng tàu khảo sát Xiang Yang Hong, 2 tàu Hải Cảnh và 11 tàu dân quân biển đến gần lô dầu khí 04-03 thuộc bồn trũng Nam Côn Sơn hiện đang có hoạt động của liên doanh Vietsovpetro. Nhóm tàu này cũng đến gần các lô 05-01B và 05-01C hiện đang có sự hoạt động của công ty dầu khí Idemitsu, một bộ phận của công ty Nhật Bản Idemitsu Kosan.

Mấy năm qua, người ta đã thấy Trung Quốc cho các tàu Hải Cảnh cỡ lớn hợp với lũ tàu dân quân biển đe dọa hoạt động dầu khí các nước nhỏ ở khu vực.

Theo ông Ray Powell của Đại Học Stanford, những hoạt động nói trên của phía Trung Quốc là “bất thường.” Theo ông này “dường như họ đang gửi thông điệp chủ quyền tới phía hoạt động dầu khí của Việt Nam.” (TN) [kn]

MỚI CẬP NHẬT