Sunday, May 5, 2024

Thăm Hà Lam, ‘nơi chiến tranh chưa từng ghé’

Nguyễn Sài Gòn/Người Việt

QUẢNG NAM, Việt Nam (NV) – Thanh bình đến mức xạ thủ trực thăng Anderson sau cuộc chi viện Mậu Thân Huế năm 1968 đã phải ghi lại “Rời khỏi vùng chiến sự trở về căn cứ trong bom đạn mịt mù cùng những lính Mỹ bị thương khi bay qua vòng qua vùng trời Đà Nẵng, phía bên dưới là những cánh đồng mênh mông trong khói lam chiều, tôi chỉ thấy con trâu và người nông dân đang bình thản trên ruộng cày như chưa hề có cuộc chiến tranh nào.”

Nơi người lính Mỹ mô tả là Thị trấn Hà Lam thuộc Huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, cách Đà Nẵng chừng 30km.

Hà Lam như một ốc đảo nằm giữa đồng lúa xanh um bạt ngàn với những mái nhà tranh êm đềm như một bộ phim đồng quê ngập mùi lãng mạn.

Ở đó không bao giờ có chiến tranh, ở đó như thiên đường với những con đường làng thanh bình, ở đó có một cái “bàu nước” nằm ngay trên ngực thị xã như một trái tim, nơi mà nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nói đa số những bối cảnh nhân vật tuổi thơ của anh viết đều có dấu ấn nơi nầy.

Một ngày đầu năm 2018 chúng tôi cùng họa sĩ Huỳnh Lê Nhật Tấn đã đến đây và chết mê chệt mệt nơi nầy, nó như một nỗi buồn mờ ảo của tuổi thơ đã mất. Chúng tôi lang thang nơi đó từ trưa cho tới chiều, rồi cùng bạn bè quần tụ nhau bên “bàu” uống café kháo chuyện.

Trẻ em chơi đùa ở thị trấn Hà Lam. (Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)

Con đường lặng im không có tiếng xe gắn máy, khi buổi chiều buông xuống chỉ có tiếng xe đạp của lũ học trò tan trường chạy vút qua, kèm theo những tiếng cười vang động. Phía bên kia bàu, một vài con trâu đang nhẩn nha gặm cỏ, chú mục đồng đang nằm ngửa nhìn mây bay.

Tôi nói với Tấn, chắc anh em mình phải về đây dài dài quá vì cuộc đời nầy đã quá mệt rồi, cái đất nước nầy mệt quá rồi… Hà Lam là nơi mà chúng ta cần như một cuộc trở về để nhìn lại mình.

Tấn nói “nghe hay lắm nhưng không biết được bao lăm, thôi cứ vui cho hết chiều nay mình lại về Đà Nẵng hỉ.”

Lũ trẻ con vẫn tiếp tục đuổi bắt nhau trên hè phố… kéo dài đến khoảng sân rộng dưới cây đa to tỏa bóng xuống mặt hồ, chúng chơi trò “tạt lon” bằng dép rồi la hét cười vui, buổi chiều cứ thế loang ra cho đến khi hoàng hôn buông xuống.

Một người bạn bỗng hứng lên bê ra một ra một thùng beer và một “mẹt” thịt nướng được xiên lụi bằng những thanh tre vàng óng mỡ màng nóng hổi kèm theo rau xanh húng quế thơm lừng, một bữa nhậu thơ mộng cũng góp mặt là tiếng hát trong veo của chị chủ quán café Guitar bên đường.

Nơi đây chiến tranh chưa từng ghé đến, dù Quảng Nam đã là vùng chiến địa giữa Quốc Gia và Cộng Sản. Bao nhiêu năm rồi nó vẫn vậy, vẫn yên bình như bây giờ đang yên bình, người dân ở đây dù có tản cư đi đâu rồi cũng quay về.

Một góc phố trong thị trấn Hà Lam. (Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)

Vì nó là kỉ niệm, vì nó nuôi nấng một chút thanh bình còn sót lại, vì nó có thật đến mức người lính Mỹ đó cũng phải thốt lên “Vì sao họ lại có thể sống lạc quan đến như vậy giữa chiến tranh?”. Có vẻ khó hiểu, nhưng với người nông dân Việt thì không có gì ghê gớm – cho dù bom đạn có thể đến bất cứ ở đâu trên xứ sở đau thương nầy, nhưng Hà Lam thì chưa bao giờ.

Điều kỳ lạ mà người dân ở đây cũng không giải thích được, họ chỉ biết rằng tiếng đại bác của hai phe vẫn nổ xa xa… Ở đâu đó có một cuộc chiến đang xảy ra, hay ở sát làng kế bên nhưng Hà Lam thì chưa và cho đến tận bây giờ, khi “ kinh tế thị trường XHCN” nổ ra thì Hà Lam cũng không ảnh hưởng.

Cho dù cuộc sống vẫn rất cần tiền bạc để ăn và sống – nhưng hãy nhìn mấy đứa trẻ kìa, chúng đâu có cần điện thoại smartphone, iPhone, iPad -không thời trang – không đoàn, không đảng – sao cuộc đời vẫn hồn nhiên đến thế.

Tấn nói cuộc đời này là một cuộc rượt đuổi bất tận nhưng rồi cũng phải có lúc dừng, có lúc lắng lại rồi ra đi. Hà Lam Thăng Bình là một nơi chốn như vậy – vì nó chỉ làm cho người ta bồi hồi -một – chút chút – rồi lại âm thầm thương nhớ chân đi phố thị – rồi lại thấy đìu hiu trong ký ức mịt mù.

MỚI CẬP NHẬT