Friday, April 26, 2024

Thương lái Trung Quốc thao túng thị trường thanh long ở Bình Thuận

BÌNH THUẬN, Việt Nam (NV) – Thương lái ngoại quốc đã trực tiếp thu mua và thao túng thị trường xuất cảng trái thanh long, khiến giá loại trái cây chủ lực này của tỉnh Bình Thuận trồi sụt bất thường, gây khó khăn cho người trồng.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Hiệp Hội Thanh Long Bình Thuận, từ năm 2017 tỉnh này đã có khoảng 100 thương lái người Trung Quốc và Đài Loan tham gia mua bán trái thanh long tại hơn 140 cơ sở, doanh nghiệp.

Thương lái thu mua thanh long ở Bình Thuận xuất sang Trung Quốc. (Hình: Nguyễn Tiến/Sài Gòn Giải Phóng)

Con số này đến nay có giảm do dịch COVID-19, nhưng vẫn còn khoảng hơn 60 người. Những người ngoại quốc này trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của các cơ sở, doanh nghiệp thu mua.

Báo Người Lao Động ngày 24 Tháng Chín, cho biết họ không chỉ tham gia điều hành, nhiều thương lái Trung Quốc còn chèn ép, thâu tóm các doanh nghiệp địa phương dưới danh nghĩa “thuê nhà xưởng” rồi nhờ người dân địa phương đứng tên pháp nhân để hoạt động.

Ông Võ Huy Hoàng, chủ tịch Hiệp Hội Thanh Long tỉnh Bình Thuận, cho rằng tình trạng thương lái ngoại quốc núp bóng doanh nghiệp để thu mua, chế biến và xuất cảng trực tiếp qua Trung Quốc đã tác động lớn về giá cả trái thanh long. Thậm chí, họ còn liên kết với nhau tạo sức ép khống chế giá thu mua, không để cho giá lên hay xuống theo cung-cầu của thị trường tự nhiên, khiến nông dân rơi vào cảnh bị ép giá.

Chưa hết, việc phụ thuộc thị trường Trung Quốc càng rõ rệt khi nhiều cơ sở, doanh nghiệp thu mua thanh long của Bình Thuận trở thành ”sân sau” của thương lái Trung Quốc. Khi đó, giá bán loại trái cây này thay vì theo thị trường Việt Nam, thì lại chịu tác động từ một nhóm thương lái Trung Quốc liên kết với nhau.

Trước ảnh hưởng, tác động của thương lái Trung Quốc đến việc thu mua thanh long, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bình Thuận đã từng ra văn bản chỉ đạo “quản lý đối với người ngoại quốc núp bóng kinh doanh thanh long, tăng cường nắm tình hình hoạt động, tập trung phát hiện những phương thức, thủ đoạn kinh doanh trái phép, trốn thuế, cạnh tranh không lành mạnh, thao túng giá, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh tế địa phương…” Thế nhưng, đến nay tình tình vẫn “không mấy khả quan.”

Diện tích trồng thanh long ở Bình Thuận lớn nhất Việt Nam với hơn 30,000 hécta, sản lượng thu hoạch hằng năm trên 550,000 tấn. Thanh long ở đây tiêu thụ trên thị trường chủ yếu ở dạng trái tươi, trong đó nội địa chiếm khoảng 20%, còn lại xuất cảng.

Dù có rất nhiều cơ sở, doanh nghiệp thu mua thanh long đang hoạt động, nhưng Bình Thuận hiện chỉ có 14 doanh nghiệp đủ năng lực xuất cảng vào các hệ thống phân phối trên thế giới. Trong đó, chỉ có ba doanh nghiệp đã xuất cảng sang Châu Âu. Số còn lại tiêu thụ bằng cách mua bán biên mậu với thương nhân Trung Quốc qua các cửa khẩu.

“Nếu thanh long xuất cảng sang Châu Âu còn dư lượng thuốc trừ sâu vượt ngưỡng, họ sẽ hủy hàng. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp chưa dám lấn sang thị trường này, trừ khi trực tiếp trồng. Để vượt rào cản, xuất được sang thị trường khó tính EU thì phải liên kết sản xuất thanh long an toàn theo mô hình VietGAP một cách thực chất,” ông Võ Huy Hoàng giải thích nguyên nhân.

Để giảm thiệt hại cho người trồng thanh long khi quá phụ thuộc vào xuất cảng tiểu ngạch qua Trung Quốc, giữa năm 2020, tỉnh Bình Thuận đã làm việc với các tập đoàn, hệ thống siêu thị… để tìm kiếm khách hàng, kênh phân phối tiêu thụ thanh long.

Thanh long bị thương lái Trung Quốc ép giá rẻ mạt, buộc người trồng phải đổ ra đường cho bò ăn. (Hình: Nguyễn Nam/Tuổi Trẻ)

Bên cạnh đó, một số giải pháp xuất cảng thanh long chính ngạch vào các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Ấn Độ,… và xúc tiến mở thêm thị trường mới như Úc, New Zealand, các quốc gia khu vực Trung Đông… cũng được giới hữu trách đề cập.

Theo thống kê của Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận, kim ngạch xuất cảng chính ngạch thanh long của tỉnh này trong năm 2019 là $6.5 triệu, mục tiêu năm 2020 là $7.8 triệu. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT