Friday, April 26, 2024

Chuyện thủy táng tro cốt thân nhân ở cầu Bình Lợi

Trần Tiến Dũng/Người Việt

SÀI GÒN (NV) – Một ngày trung tuần Tháng Chín, 2016, chúng tôi theo chân người đi thủy táng hài cốt thân nhân đến địa điểm thủy táng ở cầu Bình Lợi. Buổi trưa hôm đó trời không có nắng nên cái xóm nhà nằm ép dưới chân cầu Bình Lợi cũ trông càng hiu hắt.

Thật không ai dám nghĩ giữa một thành phố đang được chế độ “tự sướng” xếp vào hàng tầm cỡ khu vực Đông Nam Á mà lại có một xóm chài ven sông với phương tiện kiếm sống và cuộc sống rách nát đến như vậy.

Người bạn có nhu cầu thủy táng hài cốt thân nhân nói: “Phải biết cảnh sống ở đây như vầy, tôi đâu có nghe lời mấy tay hốt cốt trên Bình Hưng Hòa đem tro cốt xuống đây thủy táng.” Chúng tôi hiểu cảm giác của anh và cố trấn an anh.

Khi vừa vào sâu trong con hẻm hướng ra sông, trước mắt chúng tôi là ánh lửa củi hừng hực từ một cái lò lộ thiên đang nấu đậu phộng bỏ mối cho người bán rong, kề bên là cái quán lụp xụp đang có một bàn nhậu gồm cả đàn ông và đàn bà.

Khi chúng tôi lên tiếng hỏi thăm ông Ba Chúc, cả bàn nhậu nhìn chúng tôi, có vẻ như họ đều đoán biết việc tìm ông Ba Chúc để làm gì.

Một trong số người đàn ông trên bàn nhậu nhanh miệng, đưa tay chỉ ra hướng bờ đê nói: “Ổng ở dưới đó, cứ đứng trên bờ đê kêu tên là biết ghe nào là ghe của ổng; để xe gắn máy ở đây chúng tôi coi cho.”

Khi người bạn còn ngập ngừng thì một người khác trong bàn nhậu nói: “Đậu xe xa cái nồi nấu đậu cho an toàn, sợ mất xe thì để người lại mà giữ!”

Cảnh xóm dân chày nghèo bên chân cầu Bình Lợi. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Cảnh xóm dân chày nghèo bên chân cầu Bình Lợi. (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Đi ngang qua cái nồi nấu đậu phộng lớn hơn cái thùng phi đang rực lửa, chúng tôi leo lên bờ đê. Các dòng thủy lưu trên sông chỗ thì chảy xuôi chỗ thì chảy ngược không biết là nước lớn hay nước ròng. Cặp theo bờ đê có khoảng chừng năm, sáu chiếc ghe nhỏ đang neo đậu; có thể nói mỗi chiếc ghe với mui ghe vá đắp bằng các chất liệu phế thải hỗn độn sắc màu nhưng đó cũng là một căn nhà tạm cư của chủ nhân nghèo khó.

Người bạn cầm cái túi có hủ cốt thân nhân đứng trên bờ đê gọi: “Bác Ba Chúc ơi, bác có nhà không?” Phía xa, có một người đàn ông chui ra khỏi mui ghe, trả lời bằng giọng dân miền Bắc mới nhập cư: “Ông í đi vắng, đến đây nào, tôi giúp cho.”

Bây giờ thì chúng tôi hiểu là với dân xóm chài thì hầu hết người lạ mặt bước chân vào xóm, họ đều biết là đến để nhờ họ làm phúc thủy táng tro cốt thân nhân hoặc tìm người tự tử hay bị chết trôi không tìm được xác.

Dù không được gặp ông Ba Chúc nhưng thông tin về ông mà chúng tôi được biết, từ năm 1977 vợ chồng ông xuôi ngược các đoạn sông từ cầu Bình Triệu đến Cầu Bình Lợi để giúp vớt xác người. Vợ chồng ông đã có ba mươi năm âm thầm làm việc vớt xác người, mỗi năm vợ chồng ông vớt trên dưới cả chục xác người còn việc giúp thân nhân người chết thủy táng tro cốt thì đếm không xuể.

Người đàn ông nhận phần việc của ông Ba Chúc, anh khoảng bốn mươi tuổi, đón chúng tôi ở đầu cây cầu gỗ làm bằng các thứ gỗ lạc chợ trôi sông ẩm mục.

Sau khi nghe chúng tôi trình bày việc muốn anh giúp thủy táng tro cốt thân nhân, anh hỏi. “Thế các bác muốn đi cùng hay để cháu đi một mình, đi ở đoạn sông này hay xa tít dưới kia?”

Sau một thoáng lo ngại, người bạn có nhu cầu thủy táng tro cốt thân nhân hỏi lại: “Nhờ anh cho biết giá cả ra sao?”

Anh dân chài bình thản trả lời: “Việc này chúng cháu không nhận tiền các bác đừng lo. Có bác Ba Chúc ở nhà hay không có cũng thế, người ở đây ai cũng thế.”

Người dân chài này nói: “Việc này không nhận tiền, người ở đây ai cũng thế.” (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)
Người dân chài này nói: “Việc này không nhận tiền, người ở đây ai cũng thế.” (Hình: Trần Tiến Dũng/Người Việt)

Chúng tôi theo chân anh xuống chiếc ghe mà người miền Tây gọi là vỏ lãi, chiếc ghe còn khá mới, duy chỉ có máy ghe là cũ. Theo yêu cầu của thân nhân có tro cốt muốn thủy táng, anh hướng mũi ghe chạy về phía mạn phải cầu Bình Lợi mới, nơi có đoạn sông rộng và dòng nước ít bị ô nhiễm. Đi trên dòng sông này, nhìn những cuộn nước xoáy đến chóng mặt, người ta sực nhớ giới bình dân Sài Gòn từ xưa đã truyền miệng nhau là đã ra cầu Bình Lợi mà tự tử thì khó cứu.

Trên đường ra đến giữa dòng sông, anh dân chài và người thủy táng thân nhân không chuyện trò gì, những giây phút tôn trọng cảm xúc riêng tư kéo dài giữa tiếng ồn của dòng xe qua cầu và tiếng nước chảy xiết.

Đến một đoạn sông trống trải, anh dân chài nói: “Bác thủy táng người thân ở đây là đẹp nhất đấy, hay bác muốn đi xa hơn?” Người bạn chúng tôi gật đầu với anh rồi lấy hủ tro cốt ra, tay run run gỡ lớp băng keo. Thấy anh bối rối, người dân chài từ phía đuôi đi tới mũi ghe, tay cầm theo cái kéo và cái bù lon loại lớn. Anh nói: “Bác cắt nhanh không khéo lại rơi cả hũ, cắt xong bác từ từ rải tro cốt, bác nhớ cầu kinh cho người thân, rồi đập vỡ cái hủ cốt cho luôn xuống sông, đấy cháu thấy các ông sư đưa cốt đi thủy táng đều làm vậy!”

Mời độc giả xem video: Dân Việt Nam tức giận vì hàng ngàn ngôi mộ bị đóng đinh

Lòng tốt và sự chu đáo của anh dân chài khiến câu chuyện trên đường lui ghe thêm phần thân mật. Anh cho biết là từ khi lưu lạc tha hương từ miền Bắc vào đây làm đủ thứ nghề mà vẫn sống tuyệt vọng lắm, nhưng từ ngày về xóm chài này theo gương bác Ba Chúc phụ giúp cứu người chết trôi, vớt xác người bị nạn thấy cuộc sống tuy còn nghèo nhưng đáng sống hơn.

Với nhiều người có việc nhờ cậy người dân xóm chài nghèo dưới chân cầu Bình Lợi như chúng tôi, bài học nhận được về lòng tốt của người Sài Gòn dù là người cố cựu hay dân mới nhập cư luôn là bài học sâu sắc. Dù chế độ hiện hành có đầu độc thế nào đi nữa. Các giá trị văn hóa, nhân đạo của người Sài Gòn không bao giờ ngừng chảy.

MỚI CẬP NHẬT