Thursday, March 28, 2024

Tổng Cục Du Lịch CSVN ra luật ‘bịt miệng du khách’ về dịch COVID-19

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Tưởng mình là “vua,” ông tổng cục trưởng Tổng Cục Du Lịch CSVN đã ban hành “luật” cấm du khách “không được chia sẻ, đưa tin trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông về dịch COVID-19 tại cơ sở dịch vụ du lịch…” khiến công luận tức giận.

Báo Tiền Phong cho biết, hôm 29 Tháng Tư, ông Nguyễn Trùng Khánh, tổng cục trưởng Tổng Cục Du Lịch thuộc Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch CSVN, ký “Quyết Định 473/QĐ-TCDL” về việc “Hướng dẫn các biện pháp chống COVID-19 tại các cơ sở du lịch,” ban hành ngày 1 Tháng Năm.

Theo đó, “Quyết Định” của ông Khánh có điều khoản cấm du khách “không chia sẻ, đưa tin, đăng bài trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông về tình hình dịch (COVID-19) tại cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch.”

Nội dung trên đã bị công luận phản ứng cho rằng “không hợp lý, xâm phạm quyền thông tin của người dân.”

Trả lời báo VNExpress về sự việc trên, đại diện Tổng Cục Du Lịch biện minh cho biết việc đưa ra các quy định cấm trong văn bản là “do sơ suất trong quá trình soạn thảo.”

Facebooker Hà Phan bất bình bày tỏ trên trang cá nhân: “Ông tổng cục trưởng Du Lịch nghĩ mình quyền như vua chúa nên mới dám ra văn bản cấm khách không được chia sẻ, đăng tin, đăng bài về cơ sở kinh doanh du lịch lên mạng xã hội, truyền thông!? Không chỉ bịt mồm, tước quyền của khách mà ông ấy còn ‘ngáo’ quyền lực. Giờ đây các khách sạn, resort mong từng khách một chứ ở đó mà làm cha thiên hạ!”

“Quyết Định” gây tranh cãi của Tổng Cục Du Lịch CSVN. (Hình: Facebook Hà Phan)

Phản ứng trên báo Người Lao Động, ông Dương Minh Bình, chủ tịch CBT Travel, bày tỏ: “Du lịch là ngành tổn thương đầu tiên, nặng nề nhất và phục hồi chậm nhất [sau dịch COVID-19]. Trong lúc các doanh nghiệp đã khốn khổ vì COVID-19, giờ lại thêm ‘váng đầu’ vì những quy định của các ngành khi bắt đầu hoạt động trở lại. Quy định nào cũng chi li, có khi chỏi nhau và thiếu tính khả thi.”

“Có doanh nghiệp ngao ngán ‘chưa hết sợ Cô Vi, nay sợ thêm Cô Quy,’ tức là những quy định máy móc, hành doanh nghiệp. Bằng chứng là Quyết Định 473 đọc xong là toát mồ hôi, hoa mắt vì chi tiết đến máy móc. Các cơ sở không phải là robot. Chẳng lẽ Tổng Cục Du Lịch có thể ra ‘luật’ riêng, trái với quyền tự do thông tin và được thông tin đã mặc định trong Hiến Pháp Việt Nam 2013 và Luật Tiếp Cận Thông Tin (có hiệu lực từ 1 Tháng Bảy, 2018)? Tổng Cục Du Lịch không thể và không có quyền ra luật riêng,” ông Bình viết trên báo Người Lao Động.

Độc giả Đặng Huy Quang yêu cầu: “Quyết định này mà báo chí quốc tế biết được thì họ có coi Việt Nam là che giấu thông tin [dịch bệnh] không? Đề nghị các cơ quan Tư Pháp, Pháp Chế, luật sư,… xem xét và công bố công khai chi tiết tính hợp pháp, tính khả thi… của các nội dung trong quyết định trên.” (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT