Friday, April 26, 2024

Trần Đăng Khoa nay ‘chống Trung Cộng,’ kêu oan vì bị vu cáo ‘tự diễn biến’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 16 Tháng Tám, nhà thơ Trần Đăng Khoa, người có nhiều tác phẩm ca ngợi chế độ và chống Mỹ được in trong sách giáo khoa phổ thông, có lời trần tình trên trang cá nhân: “Gần đây, Trung Quốc lại nhảy vào bãi Tư Chính. Tôi thấy đây là vấn đề nghiêm trọng chứ không phải là sự quấy phá thông thường nên đã có đến ba bài liền: ‘Nhắc lại: Biển Đông không phải ao nhà của Trung Quốc’; ‘Nói thêm về ông bạn láng giềng xấu bụng’ và ‘Một căn bệnh nguy hiểm mà người Việt phải đề phòng.’ Trong loạt bài này, tôi liệt kê tất cả những tội ác của Trung Quốc đã gây ra cho nhân dân ta, bộ đội ta ở biên giới và hải đảo, tôi đặc biệt nhấn mạnh bãi Tư Chính và dự đoán Trung Quốc sẽ cướp bãi Tư Chính, lý do vì sao tôi đã phân tích rất kỹ ở trong loạt này rồi. Đây không phải tiên đoán vu vơ mà tôi có tư liệu từ báo chí Trung Quốc.”

“Tôi rất ngạc nhiên là khi vừa đưa mấy bài viết lên trang, có kẻ đã nhắn vào điện thoại tôi: ‘Câm mồm đi thằng già!’ ‘Muốn ăn bánh ô tô không?’ Trên mạng xã hội, xuất hiện một số người xuyên tạc, thóa mạ, cho là tôi kích động chiến tranh, kêu gọi đánh Trung Quốc và tôi đang bay màu, đổi mầu, tự diễn biến. Thật nực cười!…,” theo Facebook Trần Đăng Khoa.

Trần Đăng Khoa là một trong nhiều văn nghệ sĩ phụng sự chế độ CSVN, được báo chí nhà nước trong nhiều thập kỷ ca ngợi là “thần đồng thi ca.”

Hồi Tháng Tư, 2019, mạng xã hội lan truyền hình chụp những trang sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 2 ở Việt Nam có in một bài thơ với lời lẽ được cho là “ngô nghê, sặc mùi tuyên truyền” ký tên Trần Đăng Khoa: ‘Bệnh viện em vừa truy điệu bác (Hồ Chí Minh) chiều nay. Nhưng bác chỉ yên nghỉ ban ngày. Chứ ban đêm là bác rời linh cữu. Bác chào chú lính gác…’”

Thời điểm đó, nhạc sĩ Tuấn Khanh ở Sài Gòn bình luận trên trang cá nhân: “Những câu văn tuyên truyền vặt và nhảm nhí như vậy được đưa vào sách giáo khoa, khiến tôi cảm thấy quá đau đớn cho các thế hệ sau của Việt Nam, những đứa trẻ bị tù đày trong cái gọi là ‘trí tuệ xã hội chủ nghĩa’ như vậy. Đáng thương. Bên cạnh đó, lại dấy lên trong tôi một niềm tin rằng không hề có một Trần Đăng Khoa ‘thần đồng’ thơ nào cả, mà đó chỉ là một vụ lobby tinh thần chính trị, được dựng lên để mê mị người dân miền Bắc trong những ngày tháng bị dẫn dắt vào cuộc chiến tranh thống khổ. ‘Thần đồng’ có thể là một nghi án về văn chương, cần được thảo luận rộng rãi để làm rõ hơn. Một nền giáo dục nát, và cả những con người nhân danh giá trị giáo dục, cũng nát!” (T.K.)

MỚI CẬP NHẬT