Thursday, April 25, 2024

Trung Quốc chặn hết phù sa, nước sông Hồng biến sắc

LÀO CAI, Việt Nam (NV) – Nước sông Hồng dần chuyển màu trong xanh, mà nếu ở gần bờ có thể thấy rõ tận đáy sông khác với bình thường.

Khoảng một tuần qua, từ hai bên bờ ai cũng có thể thấy rõ nước sông Hồng đoạn chảy qua tỉnh Lào Cai chuyển thành màu xanh ngọc. Nước trong đến nỗi mà khi lại gần nhìn được cảnh rong, rêu mọc xen giữa các hòn đá cuội dưới lòng sông. Nhiều người dân cho rằng hiện tượng trên là do phía Trung Quốc xả nước thủy điện vào mùa khô và chặn hết lượng phù sa ở thượng nguồn.

Nước sông Hồng chuyển màu trong xanh cả tuần qua. (Hình: Phạm Ngọc Hiển/Gia Đình và Xã Hội)

Bà Nguyễn Thị Lan (ở thành phố Lào Cai) cho hay bình thường nước sông Hồng màu nâu đục hoặc màu hồng khi nhìn từ xa, song gần đây nước sông chuyển dần màu xanh trong.

“Ít mưa nên mực nước rất thấp và chúng tôi thấy rất lạ khi nước sông Hồng thay đổi màu như vậy,” bà Lan nói với báo VNExpress.

Trong khi đó ông Vũ Đình Thủy, phó giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi Trường tỉnh Lào Cai, cho biết đây không phải là lần đầu nước sông Hồng bị chuyển màu.

“Khoảng năm năm gần đây, cứ vào dịp sau Tết lại xuất hiện tình trạng này. Nguyên nhân có thể phù sa vốn làm nên màu nước sông Hồng không còn đổ về nhiều và lượng mưa giảm. Chúng tôi đã lấy mẫu nước sông để xét nghiệm, tìm nguyên nhân,” ông Thủy cho biết.

Theo Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Đào Trọng Tứ, chủ tịch Mạng Lưới Sông Ngòi Việt Nam, có thể hai nguyên nhân dẫn đến hiện tượng nước sông Hồng không còn “hồng” là do số lượng lớn nhà máy thủy điện, hồ chứa ở phía thượng nguồn sông Hồng nằm trên lãnh thổ Trung Quốc hoạt động mạnh đã khiến phù sa bị giữ lại, không chảy về Việt Nam.

“Ngoài ra, một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến màu nước sông là chất ô nhiễm từ hoạt động của các nhà máy ở thượng nguồn và hai bên bờ. Tuy nhiên, để khẳng định nguyên nhân chính xác thì cần phải nghiên cứu, quan trắc cụ thể,” ông Tứ nói.

Nói với báo Gia Đình và Xã Hội về vấn đề này, ông Vũ Trọng Hồng, cựu thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, khẳng định hiện tượng đó liên quan đến lượng phù sa trong nước bị mất đi.

Ông Hồng phân tích, sông Hồng bao gồm nhánh chính là sông Thao và hai nhánh phụ là sông Lô và sông Đà. Thượng nguồn sông Thao nằm ở đất Trung Quốc được gọi là sông Nguyên, bắt nguồn từ địa phận Mao Thảo Tiêu thuộc huyện Ngụy Sơn, châu Đại Lý, tỉnh Vân Nam.

Sông Hồng nhìn từ cầu Cốc Lếu, thành phố Lào Cai, đậm màu phù sa hồi Tháng Hai, 2019. (Hình: Thái Mạc/VNExpress)

“Sông Hồng đi qua nhiều huyện, thị của tỉnh Vân Nam, rồi chảy vào xã A Ma Sung, huyện Bát Sát, tỉnh Lào Cai. Do sông Nguyên đi qua những vùng đất hoàng thổ, nên phù sa của nó có màu đỏ và chúng ta gọi là sông Hồng,” ông Hồng giải thích.

Theo Viện Quy Hoạch và Thiết Kế Nông Nghiệp, sông Hồng dài 1,149 cây số, song chảy trên đất Việt Nam chỉ 510 cây số. Tổng lượng phù sa sông Hồng qua trạm tại Sơn Tây trong giai đoạn 1958-1990 là 115,000 tấn mỗi năm. Lượng phù sa này lớn gấp năm lần lượng của sông Mê Kông ở lãnh thổ Việt Nam. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT