Saturday, May 18, 2024

Trung Quốc đã ‘hình thành căn cứ lớn’ ở Gạc Ma, Trường Sa

KHÁNH HÒA, Việt Nam (NV) – Báo Thanh Niên hôm 16 Tháng Giêng đăng một loạt hình chụp mới nhất về bãi đá Gạc Ma, rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa, bị Trung Quốc cướp từ sau cuộc hải chiến Trường Sa, ngày 14 Tháng Ba, 1988.

Tờ báo thừa nhận đến nay Trung Quốc “đã hình thành căn cứ lớn” ở Gạc Ma, với tòa nhà kiên cố cao 26-27 mét gồm tám tầng, bốn góc nhà đều bố trí các lỗ châu mai.

Phóng viên báo Thanh Niên mô tả: “Trên nóc nhà bố trí hai radar hàng hải, hai ăng ten parabol và một thiết bị ‘đảm bảo bay’ cùng một số thiết bị thông tin liên lạc khác. Trên tầng sáu của tòa nhà có lắp radar điều khiển hỏa lực, hệ thống kính ngắm quang học hiện đại. Tầng 5 được lắp hai bệ pháo 30 mm (loại 7 nòng) và tầng một lắp hai bệ pháo 76 mm. Ngoài hệ thống súng pháo trên nhà tám tầng, còn có một vị trí hỏa lực lắp đặt pháo 76 mm, pháo 30 mm quay hướng Đông Bắc luôn có lính trực canh 24/7 trong tư thế sẵn sàng khai hỏa.”

Bãi đá Gạc Ma nằm cách đảo Cô Lin gần 8 km và Len Đao gần 13 km. Hai đảo này do bộ đội thuộc Bộ Tư Lệnh Vùng 4 Hải Quân CSVN kiểm soát.

Bài trên báo Thanh Niên là lần hiếm hoi báo nhà nước thừa nhận uy lực của Trung Quốc tại bãi đá Gạc Ma.

Bãi đá Gạc Ma nhìn từ boong tàu 561 của Bộ Tư Lệnh Vùng 4 Hải Quân CSVN. (Hình: Mai Thanh Hải/Thanh Niên)

Bài báo được đăng trong bối cảnh một tuần trước, hôm 9 Tháng Giêng, bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN nói “đang xác minh” về tin nói tàu Hải Cảnh 35111 của Trung Quốc “đã vào Biển Đông.”

Do hôm 9 Tháng Giêng cũng là ngày diễn ra cuộc tấn công Đồng Tâm, công luận càng thêm bất bình về việc đảng CSVN dồn hết binh lực của quân đội và công an chỉ để trấn áp người dân Đồng Tâm đấu tranh giữ đất, trong lúc ngoài khơi thì tàu Trung Quốc đang xâm phạm lãnh hải.

Facebooker Phạm Minh Vũ post loạt hình mới nhất của bãi đá Gạc Ma và bình luận trên trang cá nhân: “Đem gần cả một sư đoàn đi cướp đất ở Đồng Tâm ra Gạc Ma lấy lại chủ quyền của ta, để trả thù cho 64 chiến sĩ hy sinh ở đó thì hay biết mấy? Giờ đây, 64 chiến sĩ ở Gạc Ma bảo vệ chủ quyền quốc gia chẳng có lãnh đạo nào ký truy phong liệt sĩ chống Trung Cộng cứu nước, chẳng ai phát động học tập làm theo tấm gương vệ quốc như 64 chiến sĩ ấy. Các chiến sĩ ấy đã bị lãng quên, tên tuổi các vị bị bọn cầm quyền hèn với giặc chôn vùi dưới đáy biển.”

Đến nay, các hoạt động của giới xã hội dân sự nhằm tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh ở Gạc Ma diễn ra vào Tháng Ba hàng năm đều bị nhà cầm quyền ngăn cản.

Trong một diễn biến khác, cuốn sách ‘Gạc Ma – vòng Tròn Bất Tử’ đã bị tạm dừng phát hành từ Tháng Bảy, 2018.

Thiếu Tướng Lê Mã Lương, người chủ biên cuốn sách này, sau đó bị Đài Truyền Hình Việt Nam (VTV) bêu riếu là “mắc bệnh công thần” trong một chương trình phát sóng vào trung tuần Tháng Mười, 2019. (N.H.K)

MỚI CẬP NHẬT