Thursday, April 25, 2024

Trung Quốc tập trận 10 ngày tại 4 khu vực trên Biển Đông

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) – Hải Quân Trung Quốc mở cuộc tập trận quy mô đồng loạt tại bốn khu vực khác nhau trên Biển Đông vào cuối năm 2020 sang đầu năm 2021.

Tờ South China Morning Post (SCMP) hôm Thứ Ba, 29 Tháng Mười Hai, dẫn nguồn tin riêng từ Bộ Tư Lệnh Quân Đội Trung Quốc cho biết các cuộc tập trận diễn ra 10 ngày đồng loạt bắt đầu từ ngày 30 Tháng Mười Hai trên các vùng biển quanh đảo Hải Nam. Các cuộc tập trận có sự tham dự của mẫu hạm Sơn Đông và tàu đổ bộ tấn công chở trực thăng, các tàu do Trung Quốc đóng mới.

Máy bay khu trục chuẩn bị cất cánh trên mẫu hạm Sơn Đông của Trung Quốc. (Hình: CCTV)

Bắc Kinh đưa quân tập trận dồn dập trên Biển Đông như để đáp lại các chuyến hải hành, phi hành và các cuộc tập trận của Không Quân và Hải Quân Mỹ ở khu vực.

Hai ngày trước khi Hải Quân Trung Quốc bắt đầu tập trận những ngày cuối cùng của năm 2020, hai chiếc oanh tạc cơ chiến lược của Mỹ B-1B Lancer bay một vòng từ phía trên Biển Nhật Bản xuống Biển Đông. Những chiếc máy bay tác chiến tầm xa này đã nhiều lần tới Biển Đông tập trận với các khu trục của Hải Quân Mỹ, kể cả những lần bay gần với các khu vực của đảo Hải Nam và các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp thành các căn cứ quân sự quy mô trên Biển Đông.

Một tổ chức nghiên cứu và theo dõi tình hình Biển Đông ở Bắc Kinh có tên là Sáng Kiến Nghiên Cứu Tình Hình Chiến Lược Biển Đông (South China Sea Strategic Situation Probing Initiative – SCSPI) kêu rằng trong Tháng Mười Hai, 2020, Mỹ đã đưa máy bay trinh sát không người lái MQ-4C Triton bay qua các vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông chín lần.

Mới ngày 23 Tháng Mười Hai vừa qua, khu trục hạm USS John McCain đi vào phạm vi 12 hải lý của các đảo nhân tạo Trung Quốc ở Trường Sa rồi sau đó còn đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của đảo Côn Sơn, Việt Nam, để biểu diễn quyền tự do hải hành trên các vùng biển quốc tế mà họ gọi là tuyên bố chủ quyền quá đáng, trái với luật hàng hải quốc tế.

Đây là lần thứ chín trong năm 2020 các chiến hạm của Hoa Kỳ đi vào bên trong phạm vi 12 hải lý của các đảo và đảo nhân tạo Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp trên Biển Đông. Từ năm 2002, Trung Quốc đặt bút ký cam kết với các nước ASEAN, giữ nguyên trạng các khu vực tranh chấp ở Biển Đông nhưng cậy sức mạnh quân sự ăn trùm các nước nhỏ, ngang nhiên làm ngược lại.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo hôm 29 Tháng Mười Hai còn khoe rằng mẫu hạm Sơn Đông lần đầu tiên sẽ bắt đầu cho máy bay khu trục tập luyện hoạt động tác chiến ban đêm để có thể phát xuất tác chiến bất cứ lúc nào.

Ba tuần trước, hôm 8 Tháng Mười Hai, tờ Hoàn Cầu Thời Báo cho hay các chiến hạm của Hải Quân Trung Quốc mới đây mở các cuộc tập trận “như đánh nhau thật” trên Biển Đông nhằm mài dũa khả năng tác chiến chỉ một ngày sau khi thấy có hai nhóm tàu tấn công đổ bộ của Hải Quân Mỹ tiến vào khu vực từ hai hướng khác nhau.

Theo đó, các chiến hạm của Trung Quốc đã thực tập đối phó hỏa tiễn tấn công của tàu địch từ phóng trái khói đến hỏa châu trong khi bắn đạn thật vào một số tàu sử dụng làm mục tiêu đối phó, không diễn tập theo một kịch bản đã sắp đặt trước để “bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ trước các khách lạ không thân thiện.”

Bốn khu vực Trung Quốc cấm tàu biển đi qua để tập trận từ ngày 30 Tháng Mười Hai, 2020, đến 7 Tháng Giêng, 2021. (Hình: Twitter/Duan Dang)

Tờ Hoàn Cầu Thời báo dẫn thông tin từ Tổ Chức Nghiên Cứu Tình Hình Chiến Lược Biển Đông (SCSPI) ở Bắc Kinh nói hai nhóm tàu đặc nhiệm Mỹ đều do các tàu đổ bộ tấn công vừa chở Thủy Quân Lục Chiến với các trang bị võ khí, vừa có các máy bay tối tân chở quân và yểm trợ tác chiến như khu trục tàng hình lên thẳng F-35, trực thăng V-22 Osprey, CH-53 Sea Stallion, xe tăng, xe lội nước, đại bác.

Đó là tàu đổ bộ tấn công USS Makin Island (LPD 8) chở trực thăng và khu trục tàng hình lên thẳng F-35, trọng tải 41,000 tấn và tàu USS Somerset (LPD 25) trọng tải 25,000 tấn. Nhóm tàu USS Makin Island đi từ hướng eo biển Bashi (giữa Phi và Đài Loan) xuống Biển Đông. Trong khi đó nhóm thứ hai do tàu USS Somerset dẫn đầu đi từ hướng Biển Philippines, tức từ hướng Đông vào Biển Đông. (TN) [qd]

MỚI CẬP NHẬT