Monday, April 29, 2024

Tử tù Hồ Duy Hải bị tuyên ‘y án’ sau 12 năm người mẹ ròng rã kêu oan

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hôm 8 Tháng Năm, phiên tòa “giám đốc thẩm” xét xử tử tù Hồ Duy Hải, 35 tuổi, khép lại khi Hội Đồng Thẩm Phán Tòa Án Nhân Dân Tối Cao không chấp nhận kháng nghị của viện trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao, với phán quyết “Giữ nguyên bản án đã có hiệu lực pháp luật.”

Cụ thể, bản án bao gồm tử hình với cáo buộc “Giết người,” 5 năm tù vì “Cướp tài sản.”

Theo tường thuật của báo Pháp Luật TP.HCM, Hội Đồng Thẩm Phán cho rằng việc tòa án cấp sơ thẩm kết án Hồ Duy Hải về tội cướp tài sản, giết người “là đúng tội, không oan.”

“Hội Đồng Thẩm Phán cho rằng ở những thời điểm quan trọng, Hồ Duy Hải luôn nhận tội. Lời nhận tội của bị cáo đã được các cơ quan tiến hành tố tụng từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm và các đoàn liên ngành thẩm định, đánh giá,” tờ báo của Sở Tư Pháp ở Sài Gòn cho biết thêm.

Báo này cũng cho hay, 17/17 thành viên Hội Đồng Thẩm Phán biểu quyết rằng quá trình điều tra vụ án “tuy có những sai sót về tố tụng nhưng không thay đổi bản chất vụ án.”

Báo Tuổi Trẻ tường thuật, Hội Đồng Thẩm Phán “thống nhất quan điểm rằng Hồ Duy Hải không bị ép cung, mớm cung, lời khai tổng cung phù hợp với chứng cứ khác như lời khai của các nhân chứng, biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi… nên xác định Hải phạm tội ‘Giết người, cướp tài sản’ là đúng.”

Ngay lập tức, trang Luật Khoa Tạp Chí công khai danh tánh của 17 vị thẩm phán “sẽ mãi mãi lưu danh trong sử sách cùng với cái tên Hồ Duy Hải.”

Trang này bình luận thêm: “Phiên tòa ‘giám đốc thẩm’ hôm nay không mở ra bất kỳ lối thoát nào cho vụ án nhiều dấu hiệu oan sai nghiêm trọng của công dân Hồ Duy Hải.”

Facebooker Trọng Hiền, admin của trang “Ngụy Biện – Fallacy,” bình luận trên trang cá nhân: “Lần này báo chí, dư luận đã tác động rất mạnh, thông tin việc xử lý điều tra sai tè le ra vậy nhưng rồi vẫn thua nền tư pháp Cộng Sản bất nhân này. Chúng không thể tha Hải, vì điều đó dẫn đến quá nhiều hệ lụy như phải xin lỗi, bồi thường và xử lý những quan chức sai lầm trong điều tra và tố tụng, trong đó có cả Nguyễn Hòa Bình, chủ tọa giám đốc thẩm hôm nay. Bình chính là kẻ khi còn là viện trưởng Viện Kiểm Sát năm 2011 đã khép tội tử cho Hải.”

Trước đó, tạp chí Tòa Án Nhân Dân nói phiên “giám đốc thẩm” vụ án Hồ Duy Hải bảo đảm “Công tâm, khách quan, toàn diện và đúng pháp luật.”

Phó Chánh Án Nguyễn Trí Tuệ (giữa) đọc quyết định “giám đốc thẩm.” (Hình: Thông Tấn Xã Việt Nam)

Luật Sư Lê Công Định bình luận trên trang cá nhân rằng đây là “một vụ án hình sự thông thường, nhưng đã trở thành vụ án chính trị, dưới áp lực của công luận và của cả các phe phái trong đảng cầm quyền trước thềm Đại Hội 13.”

Phiên tòa được cho là hy vọng cuối cùng của bà Nguyễn Thị Loan, 57 tuổi, mẹ anh Hải, sau 12 năm ròng rã đi nộp hàng ngàn lá đơn kêu oan cho con trai mình. Tờ Thanh Niên hôm 8 Tháng Năm mô tả bà Loan cùng con gái đã có mặt từ sớm trước cổng tòa “để chờ mong một phán quyết công minh.”

Trong ngày xử cuối, Luật Sư Trần Hồng Phong, người trợ giúp pháp lý cho anh Hồ Duy Hải, được tòa chấp thuận cho quay lại tranh tụng sau khi các đồng nghiệp của ông làm đơn kiến nghị khẩn “nhằm lấy lại niềm tin của nhân dân và giới luật sư đối với cơ quan tư pháp tối cao Việt Nam.”

Luật Sư Phong được ghi nhận cung cấp một số chứng cứ mới từ hai lá đơn trình bày của bà Nguyễn Thị Rưỡi, dì ruột của anh Hải, từ năm 2008 sau phiên tòa sơ thẩm.

Bà Nguyễn Thị Loan, 57 tuổi, mẹ anh Hồ Duy Hải, trong hình chụp hôm 8 Tháng Năm. (Hình: Danh Trọng/Tuổi Trẻ)

Cáo trạng được các báo nhà nước dẫn lại cho hay, năm 2007, anh Hồ Duy Hải quen biết hai nữ nhân viên bưu điện Cầu Voi ở ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Sáng 14 Tháng Giêng, 2008, hai nữ nhân viên này được ghi nhận bị sát hại dã man ngay tại nơi làm việc.

Hơn hai tháng sau, ngày 21 Tháng Ba, 2008, anh Hải bị bắt giữ. Trong 12 năm qua, anh đã hai lần bị tuyên án tử hình.

Sau hành trình ròng rã kêu oan cho con trai của bà Loan, ngày 22 Tháng Mười Một, 2019, Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao ban hành quyết định kháng nghị “giám đốc thẩm,” đề nghị xét xử theo thủ tục “giám đốc thẩm,” hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại. (N.H.K) [qd]

MỚI CẬP NHẬT