Monday, March 18, 2024

Đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Chưa xong nhưng ‘phải’ chạy?

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Báo Tiền Phong hôm 24 Tháng Ba cho hay, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông “dự trù chở khách trong Tháng Tư, 2019 nhưng nhiều hạng mục trên tuyến đường vẫn còn ngổn ngang và có dấu hiệu xuống cấp.”

Các ảnh chụp trong bài cho thấy tại các nhà ga, bạt che chắn công trình vẫn còn giăng đầy, những tấm kính bị nứt, các mảng bê tông bị vỡ, thang cuốn chưa được lắp mái che, rác vứt bừa bãi… Hiện trạng nhếch nhác được ghi nhận trong bối cảnh chỉ còn một tuần là bước sang Tháng Tư.

Báo Tiền Phong viết: “Ngày 15 Tháng Ba, Bộ Trưởng Giao Thông-Vận Tải (CSVN) Nguyễn Văn Thể đã thị sát dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông và yêu cầu tổng thầu cùng các đơn vị liên quan nỗ lực để dự án đi vào vận hành thương mại vào cuối Tháng Tư, 2019, đảm bảo chất lượng, an toàn tuyệt đối cho hành khách. Tuy nhiên, sau nhiều lần lỡ hẹn khiến nhiều người dân không khỏi hoài nghi về ngày chính thức được đưa vào hoạt động của tuyến đường.”

Trước đó, mạng xã hội tràn ngập những lời chế giễu về chuyện tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông “lỡ hẹn” và liên tục “đội vốn” từ năm này qua năm khác nhưng lại có bài hát truyền thống “Đoàn Tàu Mùa Xuân” với lời hát ca ngợi công trình “chở niềm tin và ước mơ xanh.”

Ông Trần Đăng Tuấn, cựu phó tổng giám đốc Đài Truyền Hình Việt Nam (VTV) và nay là tổng giám đốc Truyền Hình An Viên (AVG) viết trên trang cá nhân: “Đoạn đầu bài hát nên sửa lại như thế này: Đoàn tàu lỡ mùa nhịp nhàng đi qua phố. Dằng dặc tháng năm tiến độ giãn vô cùng. Mỗi nhà ga nhắc một lần đội giá. Chở niềm tin heo héo chứ không xanh…”

Theo báo Lao Động, đến nay, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông chỉ dài 13 km do Bộ Giao Thông-Vận Tải CSVN làm chủ đầu tư được ghi nhận đã “đội vốn” lên $868 triệu, tức là tăng đến $315 triệu so với dự trù kinh phí ban đầu và trở thành “dự án tiêu biểu về đội vốn và chậm tiến độ.”

Về chuyện tuyến đường sắt nêu trên đã chạy thử một số lần nhưng chưa biết khi nào vận hành này, báo An Ninh Thủ Đô lý giải nguyên do là “còn một số vướng mắc về hoàn thiện hồ sơ để nghiệm thu các hạng mục cũng như toàn bộ dự án.”

Nhà báo Mạnh Quân của báo Dân Trí bình luận trên trang cá nhân: “Việt Nam có lẽ là một trong những nước hứng những rác thải công nghệ, máy móc… lạc hậu nhất của Trung Quốc: Đó là những dây chuyền sản xuất nhiệt điện, sản xuất ethanol, dệt may, xi măng, đường… mà hậu quả chúng ta đều đã thấy ở hàng loạt công trình, dự án đã thua lỗ hoặc phá sản với qui mô cộng lại chắc đã lên tới hàng trăm ngàn tỷ đồng. Đỉnh cao là dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông không biết bao giờ mới vận hành.

“Và trong lúc đó, dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam đang có kế hoạch xây dựng với quy mô hàng tỷ đô la, mà có ông quan chức nào đó nói rằng, rất có khả năng Trung Quốc sẽ lại trúng thầu. Nếu câu chuyện đó xảy ra, đó có nguy cơ là thảm họa – bẫy nợ lớn nhất mà Việt Nam có thể sẽ rơi vào. Mong người ta sẽ nhìn lại hết tất cả các dư án, công trình mà Trung Quốc được làm trên đất Việt Nam và cả nhiều quốc gia khác để mà tỉnh ngộ,” theo Facebook Mạnh Quân. (T.K.)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT