Saturday, May 18, 2024

Nga đưa Tổng Thống Ukraine cùng nhiều nhà lãnh đạo vào danh sách truy nã

MOSCOW, Nga (NV) – Nga đưa Tổng Thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy vào danh sách truy nã, truyền thông nhà nước Nga đưa tin hôm Thứ Bảy, 4 Tháng Năm, thông tấn xã AP đưa tin được trích dẫn dữ liệu từ Bộ Nội Vụ Nga.

Tính tới chiều Thứ Bảy, cả Zelenskyy và nhà lãnh đạo tiền nhiệm, Petro Poroshenko, đều có tên trong danh sách những người bị truy nã của Bộ Nội Vụ Nga với các cáo buộc hình sự không rõ ràng. Tư Lệnh các lực lượng bộ binh Ukraine, Tướng Oleksandr Pavlyuk, cũng có tên trong danh sách.

Giới chức Nga chưa lập tức làm rõ các cáo buộc chống lại bất kỳ nhà lãnh đạo nào. Hôm Thứ Bảy, Mediazona, một hãng tin độc lập của Nga, tuyên bố rằng cả Zelenskyy và Poroshenko đều có tên trong danh sách truy nã ít nhất là từ cuối Tháng Hai.

Tổng Thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy ngày 11 Tháng Giêng, 2024 (Hình: RAIGO PAJULA/AFP/Getty Images)

Trong một tuyên bố trực tuyến công bố cùng ngày, Bộ Ngoại Giao Ukraine bác bỏ tin tức liên quan tới việc Tổng Thống Zelenskyy bị Nga truy nã, đó là bằng chứng cho “sự tuyệt vọng của chế độ cũng như hoạt động tuyên truyền của nhà nước Nga.”

Danh sách truy nã của Nga còn có cả nhiều viên chức và nhà lập pháp từ Ukraine và các quốc gia trong khối NATO. Trong số đó có Kaja Kallas, thủ tướng Estonia, một thành viên NATO và Liên Âu, người từng quyết liệt ủng hộ tăng cường quân viện cho Kiev và các biện pháp trừng phạt Moscow quyết liệt hơn.

Hồi Tháng Hai các viên chức Nga cho biết Kallas bị truy nã vì những nỗ lực của Tallinn trong việc dỡ bỏ các tượng đài thời Liên Xô tưởng nhớ các binh sĩ Hồng Quân ở quốc gia vùng Baltic, trong một hành động dù muộn màng nhưng cũng hạ bệ biểu tượng mà nhiều người coi là áp bức trong quá khứ.

Các thành viên NATO là Latvia, Lithuania và Ba Lan cũng giật sập các tượng đài được nhiều người coi là di sản không ai muốn nhìn thấy trong thời kỳ bị Liên Xô chiếm đóng.

Nga ban hành luật định hình sự hóa hành động “khôi phục chủ nghĩa Quốc Xã,” trong đó có trừng phạt hành vi “xúc phạm” các đài tưởng niệm chiến tranh.

Trong danh sách truy nã của Nga còn có các bộ trưởng nội các từ Estonia và Lithuania, cũng như công tố viên Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (ICC), người năm ngoái soạn ra lệnh truy nã Tổng Thống Vladimir Putin về tội ác chiến tranh. Moscow cũng buộc tội người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự Ukraine, Kyrylo Budanov, về những hoạt động mà họ cho là “khủng bố,” gồm có cả các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái Ukraine nhắm vào hạ tầng cơ sở Nga.

Bất chấp mục đích của nhiều người Ukraine là củng cố nền dân chủ, giảm tham nhũng và xích lại gần Tây Phương hơn, Điện Kremlin vẫn nhiều lần tìm cách quy kết các nhà lãnh đạo Ukraine với chủ nghĩa Quốc Xã, mặc dù Ukraine từng có một tổng thống Do Thái dân cử, vốn là nhà lãnh đạo mất thân nhân trong vụ thảm sát Holocaust.

Moscow coi “phi phát xít hóa, phi quân sự hóa và trạng thái trung lập” của Ukraine là mục tiêu chính của thứ mà Nga nhất quyết gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” xâm lược quốc gia láng giềng nằm ở phía Nam. Tuyên bố “phi phát xít hóa” nói tới những khẳng định lệch lạc của Nga rằng chính phủ Ukraine bị các nhóm theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và phát xít mới thao túng nặng nề – một cáo buộc bị Kyiv và các đồng minh Tây Phương của Ukraine nhạo báng.

Holocaust, Đệ Nhị Thế Chiến và Chủ Nghĩa Quốc Xã là những công cụ quan trọng của Putin trong nỗ lực hợp pháp hóa cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine. Đệ Nhị Thế Chiến, trong đó ước tính Liên Xô mất đi khoảng 27 triệu dân, là yếu tố quyết định bản sắc dân tộc của Nga, và các viên chức Nga tỏ ra lồng lộn trước bất kỳ câu hỏi nào về vai trò của Liên Xô.

Một số sử gia cho rằng điều này đi đôi với nỗ lực của Nga nhằm định hướng lại một số sự thật lịch sử trong cuộc chiến. Họ nói rằng Nga cố gắng đề cao vai trò của Liên Xô trong việc đánh bại Đức Quốc Xã nhưng lại hạ thấp sự hợp tác của công dân Liên Xô trong cuộc đàn áp dân Do Thái, cùng với những cáo buộc về tội ác mà binh lính Hồng Quân đối xử với thường dân ở Đông Âu. (TTHN)

MỚI CẬP NHẬT