Friday, April 19, 2024

USS Carl Vinson, biểu tượng quân sự lớn nhất của Mỹ, cập cảng Đà Nẵng

ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Hôm 5 Tháng Ba, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson cập cảng Đà Nẵng, đánh dấu sự hiện diện quân sự quy mô nhất của Hoa Kỳ tại Việt Nam kể từ năm 1975.

Hàng không mẫu hạm này sẽ neo đậu tại Đà Nẵng trong 5 ngày.

Theo tờ Nikkei Asian Review, USS Carl Vinson là một trong số chiến hạm lớn nhất thế giới, có chiều cao bằng tháp truyền hình Tokyo, chở theo 72 phi cơ, gồm các chiến đấu cơ F/A-18 Super Hornet.

Theo lịch trình, các thủy thủ, binh sĩ trên hàng không mẫu hạm USS Carl Vinso sẽ tham dự các hoạt động trao đổi văn hóa, ẩm thực và thể thao cùng phía Việt Nam. Một số thủy thủ Mỹ cũng sẽ đến thăm Hội Nạn Nhân Chất Độc Da Cam Dioxin Đà Nẵng.

Tin cho hay, Sở Du Lịch Đà Nẵng cùng Hội Khách Sạn Đà Nẵng tổ chức buổi tiếp đón, quảng bá ẩm thực Việt Nam với các đầu bếp của USS Carl Vinson vào ngày 6 Tháng Ba tại nhà hàng Madame Lân ở quận Hải Châu, Đà Nẵng. Trong số các món ăn được giới thiệu có chả giò, mì Quảng và bánh xèo. Bếp trưởng của nhà hàng Madame Lân và đầu bếp chuyên món Việt của Khách Sạn Furama Resort sẽ tham gia sự kiện này.

Hôm 4 Tháng Ba, trả lời nhật báo Người Việt, ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu viên cộng tác của Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Tế Sài Gòn (SCIS) bình luận: “Đúng là chuyến viếng thăm của nhóm hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson có thể được gọi là ‘sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ ở Việt Nam, kể từ khi chiến tranh kết thúc vào năm 1975.’ Dễ hiểu thôi vì đây là chuyến thăm đầu tiên của một hàng không mẫu hạm Mỹ kể từ năm 1975, mà ai cũng biết hàng không mẫu hạm là biểu tượng sức mạnh của Hải Quân Mỹ và niềm tự hào của sức mạnh trên biển của nước Mỹ.”

“Đây là chuyến thăm mang ý nghĩa biểu tượng cao, tuy nhiên nếu xem xét xu hướng của quan hệ Việt-Mỹ nói chung và quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ nói riêng thì chuyến thăm này là một sự phát triển hết sức tự nhiên theo chiều hướng có thể dự đoán trước được. Không có gì phải quá ngạc nhiên và cũng không nên đề cao quá mức chuyến thăm, nhưng xin nhắc lại là chuyến thăm vẫn là quan trọng và mang tính biểu tượng.”

“Biểu tượng thì như đã nói ở trên (hàng không mẫu hạm đầu tiên tới thăm Việt Nam từ sau 1975), còn quan trọng thì đặt trong bối cảnh an ninh khu vực. Việt Nam từ lâu nay vẫn nổi tiếng với chính sách cân bằng mềm, điều chỉnh một cách thực dụng quan hệ của mình với các cường quốc lớn xung quanh (Mỹ và Trung Quốc là tiêu biểu) trong tương quan với lợi ích quốc gia và đặt lợi ích quốc gia là trên hết.

“Trong bối cảnh từ năm 2009 cho tới nay Trung Quốc nổi lên như một cường quốc xét lại (ở đây là xét lại về trật tự khu vực), Việt Nam cần phải tranh thủ sự ủng hộ và trợ giúp về cả kinh tế, ngoại giao và quân sự từ các cường quốc khác để đối trọng. Trung Quốc trỗi dậy một cách quá hung hăng và chỉ một mình Việt Nam là không thể bảo vệ một cách hiệu quả bản thân mình, nên ‘tận dụng’ tất cả các mối quan hệ khác, triết lý đơn giản là thế. Quan trọng ở đây vẫn là như thế nào.”

Ông Nguyễn Thế Phương cho biết thêm: “Nói là Việt Nam đang xích lại gần Mỹ cũng có ý đúng, nhưng có vẻ là chưa được đầy đủ lắm. Nói đúng hơn là Việt Nam đang chủ động ‘kéo’ Mỹ và nhóm các nước bạn bè đồng minh thân thiết của Mỹ lại gần mình hơn (nhóm nay có Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, Úc, với Mỹ đứng đầu) để giảm các áp lực an ninh gây ra từ phía Trung Quốc. Quan hệ quân sự là một lực kéo cần thiết trong nhiều các lực kéo khác nhau (kinh tế chẳng hạn, nhưng dưới thời Tổng Thống Donald Trump thì lực kéo này yếu hơn thời người tiền nhiệm Obama). Quan hệ quân sự đang lên giữa Việt Nam và Nhật Bản, Nam Hàn, Ấn Độ và Úc cũng đang theo xu hướng tương tự. Với Mỹ thì mức độ quan hệ và độ chú ý của giới chính sách và cả truyền thông cao hơn đơn giản vì Mỹ là cường quốc đứng đầu Châu Á – Thái Bình Dương và vốn từng là một cựu thù của Việt Nam.”

“Trong tương lai thì các hoạt động tương tự như thế này nếu xảy ra cũng là điều hiển nhiên. Chuyến thăm của Hàng không mẫu hạm Carl Vinson chỉ là khởi đầu thôi, lần sau các hàng không mẫu hạm Mỹ có thể sẽ tới Cam Ranh. Lưu ý là tầm mức quan trọng của cảng Tiên Sa khác với Cam Ranh, Cam Ranh quan trọng hơn rất nhiều về mặt chiến lược. Cần nhớ là với ‘cân bằng mềm’ ở hiện tại thì nếu như các cảng của Việt Nam có đón tàu của Trung Quốc cũng là chuyện bình thường. Điều quan trọng hơn vẫn là đón loại tàu nào và đón ở đâu. Định hướng chung vẫn là chính sách ba không làm nền tảng và Hà Nội không muốn gây ra ấn tượng rằng họ hoàn toàn ngả về bên nào trong cân bằng chiến lược,” ông Nguyễn Thế Phương nói với Người Việt.

Trong một diễn biến khác, Reuters hôm 4 Tháng Ba tường thuật rằng, từ nhiều tháng trước khi hàng không mẫu hạm Mỹ cập cảng Đà Nẵng, các phái viên Việt Nam đã có những hoạt động liên tiếp nhằm giảm bớt lo ngại của Bắc Kinh về khả năng Hà Nội và Washington đang tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng. (T.K.) 


Mời độc giả xem phóng sự “Còn cần lắm những tấm lòng vàng ở trại phong Di Linh”

MỚI CẬP NHẬT