Friday, April 26, 2024

Vải thiều Việt Nam được khen ‘ngon nhất’ ở Nhật, nay sang Châu Âu

BẮC GIANG, Việt Nam (NV) – Với quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày có hương vị ngon, lạ đã đưa vải thiều Việt Nam trở thành loại vải “ngon nhất” ở thị trường Nhật, vượt qua nguồn nhập trái vải từ các nước khác.

Hôm 8 Tháng Sáu, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bắc Giang đã tổ chức hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều tại 28 điểm cầu trong nước và quốc tế.

Lô vải thiều xuất cảng sang EU tận dụng ưu đãi từ hiệp định EVFTA. (Hình: Tuổi Trẻ)

Theo báo Tuổi Trẻ, tại hội nghị ông Vũ Hồng Nam, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Nhật, cho biết trong năm 2020 mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19, nhưng nhờ sự phối hợp tích cực của các bộ ngành hai nước Việt-Nhật, lần đầu tiên trái vải thiều tươi của Bắc Giang được xuất cảng sang Nhật và được người tiêu thụ ở Nhật đón nhận.

“Năm 2021, năm thứ hai vải thiều có mặt tại thị trường Nhật, nhiều doanh nghiệp tại đây dự kiến nhập cảng nhiều hơn gấp nhiều lần so với năm 2020. Mặc dù thị trường Nhật có nguồn nhập vải thiều từ các nước khác, nhưng với hương vị ngon, lạ đặc biệt quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày đã đưa quả vải Việt Nam trở thành loại vải ngon nhất ở thị trường Nhật. Hiện, người dân Nhật muốn vải thiều Bắc Giang xuất sang sớm hơn, nhiều hơn để được thưởng thức,” ông Nam nói.

Trước đó hôm 7 Tháng Sáu, ông Vũ Bá Phú, cục trưởng Cục Xúc Tiến Thương Mại thuộc Bộ Công Thương, cho biết lô vải thiều Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, lần đầu tiên xuất cảng sang Châu Âu (EU) theo Hiệp Định Thương Mại Tự Do Việt Nam và EU (EVFTA) đã mở đường cho các lô vải thiều Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, sớm được xuất cảng sang thị trường này vào tuần tới.

Theo báo VNExpress, lô vải đầu tiên này sẽ đi bằng đường hàng không đến Cộng Hòa Czech, nơi có dân số đông và cộng đồng người Việt Nam lớn nhất, nhì EU.

Ông Chung Trí Phong, tổng giám đốc Pacific Foods, cho biết vải thiều xuất cảng đều đáp ứng tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP. Sau ba năm tìm hiểu, đàm phán các thủ tục và điều kiện kỹ thuật, việc xuất cảng trái vải sang EU giờ đã sẵn sàng. Sau vải thiều sẽ là các loại nông sản khác như mít, thanh long, gạo.

Tuy vậy, ông Phong cho hay hành trình để trái vải sang được tay người tiêu dùng Châu Âu “không hề đơn giản.” Ngay từ đầu vụ, vùng trồng vải để xuất cảng sang EU phải được các đối tác nhập cảng kiểm tra hệ thống quản lý sản xuất và chấp nhận về nhu liệu giám sát. Vì vậy, doanh nghiệp phải liên kết với nhiều đối tác trong việc đầu tư máy móc để sơ chế, bảo quản từ khi thu hoạch đến khi tới tay người tiêu thụ.

Cùng với hàng chục tấn vải thiều của hai tỉnh Hải Dương và Bắc Giang có mặt trên kệ hàng tại các chuỗi siêu thị ở Nhật, Singapore, tới đây vải thiều Việt Nam sẽ có mặt tại khắp thị trường EU. Đây cũng là thị trường xuất cảng thứ tư của rau, quả Việt Nam.

Vải thiều được đặt trong khoang hành khách của máy bay Boeing 787-9 vận chuyển đi tiêu thụ. (Hình: VNExpress)

Ông Nam cho biết thêm ngoài phẩm chất tuyệt hảo, cộng thêm việc giảm thuế theo cam kết EVFTA sẽ giúp vải thiều Việt Nam tăng khả năng cạnh tranh so với các đối thủ khác chưa có FTA với EU như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia…

Vải thiều Bắc Giang năm nay được mùa, với sản lượng tăng hơn chục ngàn tấn so với năm trước. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đã đặt ra bài toán khó cho việc tiêu thụ nông sản thế mạnh này của tỉnh Bắc Giang. Trong đó, khâu vận chuyển hàng hóa cần phải rất nhanh chóng, với khả năng bảo quản tốt để vải thiều đến tay người tiêu dùng vẫn giữ được phẩm chất tươi mới. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT