Tuesday, April 23, 2024

Viện Nghiên Cứu Hán Nôm mất thêm 110 cuốn sách ‘cổ vật quốc gia’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, thuộc Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam ở Hà Nội, thừa nhận đã để mất 110 cuốn sách cổ quý, đồng thời nhiều sách trong kho bị “hư hỏng nặng.”

Theo báo VNExpress, chiều 20 Tháng Ba, ông Phan Chí Hiếu, chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam, làm việc với Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, yêu cầu làm rõ việc số lượng lớn sách của viện này bị mất.

Trang đầu cuốn “Việt Âm Thi Tập” của Phan Phu Tiên. (Hình: Facebook Nguyễn Xuân Diện/Từ Điển Văn Học bộ mới)

Tối cùng ngày, đại diện Viện Nghiên Cứu Hán Nôm cho biết hồi giữa Tháng Ba, Hội Đồng Kiểm Kê phúc trình việc kho sưu tầm của viện bị thiếu 121 cuốn sách, gồm cả 11 cuốn thuộc danh sách báo mất hồi năm ngoái.

Ngoài ra, có 339 cuốn đã vào số nhưng “lẫn lộn ký hiệu, chưa xác định rõ” có nằm trong 121 sách thiếu hay không. Nhóm kiểm kê cũng rà soát toàn bộ sách trong kho và xác định có 877 quyển (5%) bị “hư hỏng nặng.”

Viện Nghiên Cứu Hán Nôm cho hay đang mời các chuyên gia “tham gia sàng lọc, đồng thời lập hội đồng đánh giá tình trạng hư hại nhằm tìm phương án xử lý.”

Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện, phó trưởng Phòng Văn Bản Học, Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, và là người đưa vụ mất sách này ra ánh sáng, trên trang Facebook cá nhân đã tạm kể tên 10 cuốn trong số sách bị mất bao gồm: “1. Kim Cổ Truyền Lục Di Tập. 2. Tống Trân Tân Truyện. 3. Ức Trai – Phi Khanh. 4. Nam Dược Tư Truyền Thi Thư. 5. Cổ Thi Hợp Tuyển. 6. Lã Đường Di Cảo. 7. Phạm Công Tân Truyện. 8. Hậu Lê Dã Sử. 9. Thanh Hóa Tổ Sư. 10. Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca.”

Theo Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện: “‘Việt Âm Thi Tập’ (tập thơ ghi lại thanh âm nước Việt) là bộ hợp tuyển thơ đầu tiên của dân tộc ta, do nhà sử học Phan Phu Tiên soạn lần đầu vào cuối thời Trần, đầu thời Lê Sơ, sau đó được Thị Ngự Sử Chu Xa tiếp tục bổ sung, các đời sau tiếp tục chỉnh lý. ‘Việt Âm Thi Tập’ được khắc in vào năm Bảo Thái thứ 10 (1729), đến nay đã 293 năm. Đặc biệt cổ – quý – hiếm, xứng đáng liệt hạng bảo vật quốc gia.”

Vẫn theo ông Diện, “trên trang sách có 4 chữ ‘sắc tứ san hành’ (được nhà vua cho phép khắc in lưu hành). Viện Nghiên Cứu Hán Nôm lưu giữ được một bản in của lần in đó, mang ký hiệu A.1925, đó cũng là độc bản, nhưng đã mất. Sách mất khi chưa kịp làm scan. Nay chỉ còn cái ảnh màu này thôi!”

Trụ sở Viện Nghiên Cứu Hán Nôm ở Hà Nội. (Hình: hannom.org.vn)

Trước đó hôm 19 Tháng Mười Hai, 2022, trong phúc trình tổng kết năm của Viện Nghiên Cứu Hán Nôm có đưa tin viện bị mất 25 cuốn sách so với danh mục sách được giao quản lý ghi trong biên bản bàn giao năm 2013. Trong đó, có nhiều cuốn sách cổ quý hiếm như “Toàn Việt Thi Lục” của Lê Quý Đôn; “Việt Âm Thi Tập” do nhà sử học Phan Phu Tiên và Thị Ngự Sử Chu Xa kế tục biên soạn…

Thế nhưng nói với báo Tuổi Trẻ, Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện cho biết việc mất sách đã được phát giác từ hồi Tháng Bảy, 2022, khi kiểm kê. Số sách “thất lạc” lúc đó là 29 cuốn. Sau một tháng tìm kiếm thì lòi ra được bốn cuốn, còn 25 cuốn “chưa tìm thấy.”

Ông Diện cho biết thêm, kho sách mà Viện Nghiên Cứu Hán Nôm được nhà nước giao quản lý là “tài sản quốc gia quý giá.” Kho sách này kế thừa các kho sách cổ mà Viện Viễn Đông Bác Cổ sưu tập được.

Do rất quý giá nên chìa khóa của kho sách cổ chỉ giao cho một người, và chỉ viện trưởng mới có quyền cho phép đưa sách cổ ra khỏi kho hoặc cho phép người nào được tiếp xúc trực tiếp với các bản sách cổ tại phòng đọc.

Một tài liệu Hán Nôm lưu giữ ở Viện Nghiên Cứu Hán Nôm. (Hình: VNExpress)

Đại diện khi đó là Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Đức Minh, phó chủ tịch Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội Việt Nam, cho biết ưu tiên tìm kiếm sách thất lạc, bao gồm việc rà soát trên giá một lần nữa để tránh tình trạng sách bị lẫn. Viện đã có công văn mời cơ quan an ninh điều tra, hiện vẫn chưa có kết quả.

Viện Nghiên Cứu Hán Nôm là nơi “tổ chức nghiên cứu, khai thác và biên dịch, xuất bản di sản Hán Nôm của dân tộc, đào tạo cán bộ nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, phục chế, nhân bản, góp phần phát triển văn hóa của dân tộc.” (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT