Tuesday, May 7, 2024

Cứu hỏa ở Việt Nam: Cháy giả thì có trực thăng, cháy thật thì không

QUẢNG NINH, Việt Nam (NV) – Hơn nửa tháng sau vụ cháy chung cư “mini” chết 56 người, Bộ Công An Việt Nam tổ chức buổi diễn tập cứu hỏa tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, với quy mô 2,000 người, phô trương trực thăng và “robot” tham gia cứu nạn.

Theo hình ảnh do báo VietNamNet hôm 1 Tháng Mười đăng tải, có hai chiếc trực thăng của Trung Đoàn Không Quân 916, Sư Đoàn Không Quân 371 được huy động đến hiện trường tham gia tìm kiếm, cứu hộ trên phần mái của hai cao ốc được giả định xảy ra vụ cháy.

Chiếc trực thăng xuất hiện trong buổi diễn tập cứu hỏa do Bộ Công An Việt Nam tổ chức ở thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. (Hình: VietNamNet)

Buổi diễn tập còn đặt ra tình huống một chiếc xe bồn chở xăng tông vào xe chở hóa chất khiến xăng chảy, chất axit nitric rỉ ra đường…

Lúc này, một “robot” cứu hỏa được đưa đến hiện trường để dập tắt vụ cháy.

Trước buổi diễn tập kể trên, trực thăng và “robot” cứu hỏa là hai phương tiện chưa từng thấy xuất hiện tại những đám cháy chết nhiều người trong thời gian qua tại Việt Nam.

Trong hầu hết các vụ, nhà chức trách tổ chức cứu hỏa nhờ xe bồn chở nước và vòi rồng, nhưng các loại phương tiện này bị hạn chế khi đám cháy xảy ra trong ngõ hẹp, như vụ chung cư “mini” ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, cháy vào đêm 12 Tháng Chín.

Hồi Tháng Bảy, báo VietNamNet dẫn lời ông Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không, tiết lộ rằng trực thăng cứu hỏa ở Việt Nam hiện… “chưa đủ điều kiện cất cánh” do vướng cơ chế và Luật Hàng Không.

Ông Nam cho biết: “Ví dụ, vùng trời khu vực trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội, Sài Gòn… đang được quy định là ‘vùng cấm bay.’ Trong khi các nước khác đều gọi là ‘vùng hạn chế bay’ (được phép bay, nhưng phải xin phép và được cấp phép, đồng thời phải tuân thủ các quy tắc bay được ban hành cho mỗi vùng hạn chế bay).”

Thiết bị được mô tả là “robot” chưa bao giờ thấy xuất hiện trong các vụ cháy tại Việt Nam. (Hình: VietNamNet)

Chuyên gia này nói thêm, trực thăng cứu hỏa muốn hoạt động ở Việt Nam thì bắt buộc phải xin phép bay thì mới được cất cánh, trong khi “không ai biết trước hỏa hoạn sẽ xảy ra khi nào, ở đâu.”

“Đây không phải là việc gì mới, mà thế giới đã làm lâu rồi. Chúng ta chỉ cần đầu tư mọi thứ đồng bộ và tháo gỡ các vướng mắc về quy hoạch vùng trời, quản lý các hoạt động bay là làm được,” ông Lương Hoài Nam nhấn mạnh. (N.H.K) [kn]

MỚI CẬP NHẬT