Friday, March 29, 2024

Việt Nam được Mỹ giúp, nhưng vẫn ngại Trung Quốc, và đàn áp nhân quyền

WASHINGTON, DC (NV) – Mặc dù được Hoa Kỳ trợ giúp trong nhiều lãnh vực trong 25 năm sau khi bình thường quan hệ ngoại giao, Việt Nam vẫn e ngại quốc gia láng giềng khổng lồ Trung Quốc và tiếp tục đàn áp nhân quyền trong nước.

Đó là những điểm chính trong bản báo cáo của Cơ Quan Nghiên Cứu Quốc Hội Mỹ (Congressional Research Service – CRS) đưa ra hôm 16 Tháng Hai.

Tổng Thống Barack Obama nói chuyện với giới trẻ Sài Gòn trong lần thăm Việt Nam năm 2016. (Hình: Christophe Archambault/AFP via Getty Images)

Theo CRS, kể từ khi thiết lập bang giao năm 1995, quyền lợi chiến lược của Mỹ và Việt Nam làm cho quan hệ song phương gia tăng qua nhiều lãnh vực khác nhau.

Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ nhì của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc, và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ.

Kể từ năm 2010, Hà Nội và Washington trở thành đối tác trong các lãnh vực an ninh khu vực và kinh tế, một phần vì hai bên đều quan tâm đến sự hung hăng ngày càng tăng của Bắc Kinh, và một phần vì Việt Nam ngày càng trở thành một cường quốc cỡ trung bình trong khu vực.

Trong năm 2020, Việt Nam là thành viên không thường trực Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, một vai trò làm gia tăng hợp tác song phương với Mỹ.

Tuy vậy, vẫn theo CRS, nhịp độ và mức độ của sự tiến triển quan hệ song phương vẫn bị giới hạn vì nhiều lý do.

Thứ nhất, Việt Nam thường thực hiện các bước ngoại giao ở mức độ lớn – đặc biệt là với Mỹ – chỉ sau khi tính toán xem phản ứng của Trung Quốc sẽ ra sao.

Thứ nhì, mặc dù các thăm dò ý kiến cho thấy người dân Việt Nam có thiện cảm với Mỹ, nhiều giới chức Việt Nam vẫn còn hoài nghi mục tiêu lâu dài của Washington là chấm dứt độc quyền của đảng Cộng Sản Việt Nam bằng phương thức “diễn tiến hòa bình.”

Thứ ba, quan tâm của Mỹ về hồ sơ nhân quyền Việt Nam, bị xuống dốc trầm trọng trong mấy năm qua, vẫn còn là một trở ngại trong việc gia tăng hơn nữa quan hệ giữa Hà Nội và Washington.

Quan hệ Việt-Trung và căng thẳng Biển Đông

Vẫn theo CRS, đối với Việt Nam, quan hệ song phương với Trung Quốc là quan trọng nhất.

Hai quốc gia đều do hai đảng Cộng Sản lãnh đạo, từ đó, có sự liên lạc cùng “tần số” và phần nào có quan điểm về thế giới giống nhau.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Tuy nhiên, mối quan hệ song phương này luôn căng thẳng, liên quan đến chủ quyền biển đảo trên Biển Đông, nhất là Trung Quốc tuyên bố chủ quyền tại vùng biển này, bao gồm nhiều khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam, buộc Hà Nội phải gia tăng khả năng bảo vệ biển đảo và đẩy mạnh quan hệ với Washington và các cường quốc khác.

Kể từ năm 2007, Trung Quốc thực hiện một số hành động thể hiện chủ quyền, ví dụ thường xuyên bắt giữ ngư dân Việt Nam đánh cá trên Biển Đông, cảnh cáo các công ty năng lượng phương Tây không nên hợp tác khai thác dầu trên biển với Việt Nam, và gia tăng xây dựng và quân sự hóa các quần đảo họ chiếm được.

Trong khi đó, Việt Nam cũng gia tăng sự hiện diện của mình trên các vùng biển tranh chấp, qua việc xây dựng và bồi đắp các hòn đảo, nhưng với quy mô nhỏ hơn.

Những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông làm cho Việt Nam và Mỹ gia tăng hợp tác an ninh.

Trong năm 2016, chính quyền Barack Obama hủy bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.

Mỹ cũng ưu tiên viện trợ hàng hải cho Việt Nam, bao gồm 24 xuồng tuần tiễu trên biển, máy bay do thám không người lái, radar, và hai chiếc tàu lớp Hamilton của Tuần Duyên Hoa Kỳ, được coi là hai tàu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.

Dưới thời Tổng Thống Donald Trump, trong khoảng thời gian từ 2017 đến 2021, quan hệ song phương giữa Washington và Hà Nội còn gia tăng trong nhiều lãnh vực khác, một phần là để Mỹ giúp quân đội Việt Nam “phát triển khả năng đối với các thách thức của Trung Quốc.”

Nhân quyền

Đảng Cộng Sản Việt Nam duy trì chính sách kiểm soát và theo dõi hoạt động hàng ngày của người dân. Trong ba thập niên qua, có vẻ Việt Nam theo đuổi chiến lược cho phép người dân được phát biểu cá nhân và thực hành niềm tin tôn giáo, trong khi vẫn tiếp tục gia tăng đàn áp những cá nhân và tổ chức bị coi là de dọa cho quyền độc đảng của họ trong việc nắm giữ quyền lực.

Trong khi cho phép người dân làm ăn và thờ phượng một cách tự do, chính quyền ngăn chặn các hoạt động bị coi là chống lại họ cũng như cấm các tổ chức tôn giáo không nằm dưới quyền kiểm soát của họ.

Luật Việt Nam bắt buộc các tổ chức tôn giáo phải ghi danh hoạt động với chính quyền.

CRS cho biết, trong nhiều năm qua, theo nhiều giới quan sát, tình trạng đàn áp người bất đồng chính kiến và người biểu tình ngày càng tệ hại, và chính quyền gia tăng theo dõi các hoạt động của cư dân trên mạng xã hội bằng các đạo luật do họ ban hành. Chính quyền cũng nhắm mục tiêu vào một số blogger và luật sư đại diện cho các nhà hoạt động nhân quyền và tự do tôn giáo, đặc biệt những người mà chính quyền tố cáo là có liên hệ với các tổ chức ủng hộ dân chủ, hoặc những người chỉ trích chính sách của Hà Nội trong quan hệ với Bắc Kinh.

Mặc dù chính quyền Donald Trump tiếp tục đối thoại nhân quyền hàng năm với Việt Nam và chỉ trích chính sách nhân quyền của Hà Nội qua các bản báo cáo hàng năm, cũng như qua một số tuyên bố, Hoa Kỳ có vẻ vẫn chưa coi đây là ưu tiên hàng đầu trong quan hệ song phương toàn diện với quốc gia Đông Nam Á này.

Tại Quốc Hội Hoa Kỳ, các nhà lập pháp chỉ thông qua hai nghị quyết, S.1369 và H.R. 1383, chỉ trích tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.

Tổng Thống Donald Trump duyệt hàng quân danh dự tại Phủ Chủ Tịch ở Hà Nội trong lần thăm chính thức Việt Nam năm 2017. (Hình: Luong Thai Linh/POOL/AFP via Getty Images)

Kinh tế và thương mại

Vẫn theo CRS, trong 10 năm qua, Việt Nam là một trung tâm sản xuất chính yếu tại Châu Á và trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ.

Điều này được tiếp tục thực hiện một phần do di chuyển của các dây chuyền sản xuất trong khu vực, do chi phí sản xuất cao tại Trung Quốc và các hiệp định thương mại trong vùng, cũng như chiến tranh thương mại giữa Bắc Kinh và Washington.

Theo thống kê của thương mại Mỹ, giao thương hai chiều giữa Việt Nam và Mỹ đạt gần $90 tỷ trong năm 2020, tăng 17% so với một năm trước đó.

Thâm thủng mậu dịch của Mỹ đối với Việt Nam trong năm 2020 là $69.7 tỷ, lớn thứ ba so với các đối tác khác của Hoa Kỳ.

Trong năm 2020, Việt Nam là quốc gia xuất cảng hàng may mặc lớn thứ nhì vào Mỹ, chỉ sau Trung Quốc, và là quốc gia chính cung cấp máy móc điện tử, giày dép, và đồ gỗ cho Hoa Kỳ.

Một số công ty Mỹ tố cáo các công ty Việt Nam cạnh tranh không công bằng, và chính quyền Donald Trump mở cuộc điều tra đối với ngành xuất cảng gỗ của Việt Nam và xếp Việt Nam vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ.

Các công ty Việt Nam tố cáo Hoa Kỳ kỳ thị trong buôn bán và tìm cách cản trở hàng hóa Việt Nam vào Mỹ. Điều lệ nhập cảng cá tra Việt Nam vào Mỹ là nguyên do gây mâu thuẫn đôi bên.

Theo Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), Việt Nam là một trong 26 nền kinh tế có tăng trưởng trong năm 2020.

Việt Nam cho biết GDP trong năm 2020 tăng 2.9%, so với 7% của hai năm trước đó.

Viện trợ của Mỹ cho Việt Nam

Trong tài khóa 2021, Quốc Hội Mỹ viện trợ cho Việt Nam $170 triệu, so với $141 triệu mà chính quyền Trump đề nghị, có nghĩa là tăng 20%.

Đối với tài khóa 2020, Quốc Hội Mỹ chuẩn thuận $165 triệu, hơn khoảng 6% so với yêu cầu của chính quyền Trump.

Cho tài khóa 2018, Việt Nam được viện trợ $149 triệu, và cho tài khóa 2019, Việt Nam được $154 triệu. Cả hai con số này gần như gấp đôi so với con số chính quyền Trump yêu cầu.

Ngoài ra, hậu quả của cuộc chiến Việt Nam vẫn còn là nỗi ám ảnh trong qua hệ Việt-Mỹ, nhất là chất độc màu da cam đối với người dân và môi trường tại Việt Nam, được quân đội Mỹ rải trong thời gian từ năm 1961 đến năm 1971, theo CRS.

Hiệp Hội Nạn Nhân Chất Độc Màu Da Cam (VAVA) ước tính có từ 2.1 triệu đến 4.8 triệu người bị chất độc này ảnh hưởng.

Kể từ năm 2007, Quốc Hội Mỹ viện trợ $380 triệu để tẩy chất độc này cũng như chữa trị cho những người bị ảnh hưởng.

Trong số tiền này, khoảng 70% được dùng vào công tác tẩy chất độc, và vào năm 2017, hai bên đã hoàn thành việc tẩy chất độc này tại phi trường Đà Nẵng.

Trong năm 2020, chính phủ hai nước phát triển một kế hoạch 10 năm tẩy chất độc này tại phi trường quân sự Biên Hòa cũ ở tỉnh Đồng Nai, với chi phí khoảng $450 triệu.

Cho tới nay, chính quyền Việt Nam vẫn đẩy mạnh việc yêu cầu Hoa Kỳ làm nhiều hơn nữa để giúp nạn nhân chất độc màu da cam. (Đ.D.)

MỚI CẬP NHẬT