Friday, April 26, 2024

Việt Nam làm chủ tịch ASEAN, có đối phó tham vọng Trung Quốc trên Biển Đông?

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Việt Nam đã bắt đầu làm chủ tịch luân phiên Hiệp Hội 10 Nước Đông Nam Á (ASEAN), liệu có thể đoàn kết được với nhau để đối phó với tham vọng của Trung Quốc muốn nuốt trọn Biển Đông?

Một số nhà phân tích thời sự đặt câu hỏi như vậy trước thái độ hung hăng của Bắc Kinh ngày càng lộ liễu, cậy sức mạnh quân sự ăn trùm các nước nhỏ phía nam, bất chấp luật lệ quốc tế. Điểm lại tình hình Biển Đông chỉ vài tháng qua, Bắc Kinh cho các nhóm tàu hải cảnh, hải giám, dân quân biển hộ tống các tàu khảo sát địa chất đi ngang đi dọc trên các vùng biển đặc quyền kinh tế thuộc các nước khác ở khu vực.

Philippines trước đây, mới đây là Malaysia và Indonesia tỏ ra quyết liệt. Việt Nam chỉ cho các tàu cảnh sát biển, kiểm ngư bám theo nhóm tàu Trung Quốc trong khi Indonesia đưa cả chiến hạm và máy bay khu trục tới vùng biển đặc quyền kinh tế quanh quần đảo Natoma, cảnh cáo và xua đuổi nhóm tàu Trung Quốc, buộc chúng phải rút đi.

Câu hỏi được đặt ra là, năm 2020 này, liệu các nước ASEAN, khi Việt Nam làm chủ tịch luân phiên, có đoàn kết với nhau chống lại Bắc Kinh hay không. Bản dự thảo Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông (COC) sẽ có đủ đồng thuận để đưa ra những ràng buộc pháp lý hầu ngăn chặn sự lộng hành của Bắc Kinh hay không?

Hà Nội đã nhiều lần nhấn mạnh điều này trong những cuộc họp về COC trước đây nhưng đều bị Bắc Kinh gạt đi. Việt Nam có yếu tố chính trị thuận lợi là năm nay vừa là chủ tịch luận phiên ASEAN, vừa là thành viên không biểu quyết trong Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn lời ông Andrew Chubb, một nhà nghiên cứu Anh quốc chuyên về chính sách hàng hải của Trung Quốc, nói Hà Nội “có thể có khả năng làm Trung Quốc không thoải mái về ngoại giao bằng cách vận động dư luận khu vực chống lại các hành động của Bắc Kinh” trên Biển Đông.

SCMP thuật lời bà Bonnie Glaser, một trong những phân tích gia của tổ chức CSIS ở Washington D.C., nói Việt Nam đồng thời có thể “thúc đẩy việc cho thêm vào những lời lẽ cứng rắn hơn trong các bản tuyên bố chung (của ASEAN), đồng thời cổ động thảo luận về hành vi bất hợp pháp của Trung Quốc trong các vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Malaysia và Indonesia.”

Nhiều khu vực của Biển Đông với tài nguyên thiên nhiên phong phú (dầu khí, hải sản) và cũng là thủy lộ quan trọng hàng đầu thế giới về thương mại, lâu nay tranh chấp chủ quyền giữa các nước ở khu vực. Bắc Kinh ngang ngược nhất khi tuyên bố chủ quyền chiếm hơn 80% Biển Đông theo hình “Lưỡi Bò” mà nhiều chỗ lấn rất sâu vào các vùng biển đặc quyền kinh tế của những nước khác.

Tháng Bảy năm 2016, Tòa Án Hòa Giải Quốc Tế tại The Hague, Hòa Lan, đã phán quyến tuyên bố 9 vạch nối lại giống hình “Lưỡi Bò” của Trung Quốc là vô giá trị. Dù vậy, Bắc Kinh cậy sức mạnh quân sự ăn trùm cả khu vực, tuyên bố không công nhận phán quyết. Bắc Kinh hàng năm tổ chức nhiều cuộc tập trận quy mô trên Biển Đông, đe dọa các nước tranh chấp chủ quyền.

Hải Quân Indonesia đã có hành động quyết liệt đuổi tàu Trung Quốc ra khỏi lãnh hải trên Biển Đông. (Hình: Getty Images)

Mấy năm gần đây, Bắc Kinh áp lực Hà Nội phải từ bỏ các cuộc khảo sát, dò tìm dầu khí trong vùng biển đặc quyền kinh tế của mình, lấy cớ có cái chủ quyền “Lưỡi Bò” ngang ngược. Tướng Phạm Trường Long, phó quân ủy trung ương Trung Quốc hồi năm 2017 từng đến Hà Nội đe dọa nếu Việt Nam không hủy bỏ dò tìm dầu khí tại lô 118 (ngoài khơi Quảng Nam -Quảng Ngãi) và lô 136-3 (đông nam Vũng Tàu 200 hải lý) thì sẽ xua quân đánh chiếm các đảo Trường Sa của Việt Nam.

Sau vụ đối đầu căng thẳng với đám tàu Trung Quốc kéo dài từ đầu Tháng Bảy đến Tháng Mười 2019 ở khu vực bãi Tư Chính, Hà Nội đã nhiều lần lên án Bắc Kinh ngang ngược trên Biển Đông. Tuy vậy, cũng chỉ dám ám chỉ chứ không nêu đích danh Trung Quốc.

Hồi Tháng Mười Một, 2019, Thứ Trưởng Ngoại Giao CSVN Lê Hoài Trung bắn tiếng không chính thức trong một cuộc hội thảo tại Hà Nội rằng Việt Nam có thể tính tới chuyện kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng Hà Nội chỉ coi đó là giải pháp cuối cùng.

Việc Indonesia phải đưa cả chiến hạm và phi cơ khu trục tới khu vực quần đảo Natuna cho thấy các lần phản đối ngoại giao bị Bắc Kinh coi thường. Theo nhà phân tích Derek Grossman tại tổ chức nghiêm cứu Rand Corporation ở Hoa Kỳ, Bắc Kinh có thể “xuống thang trong những tuần lễ tới đây hầu tránh đẩy Indonesia thành một nước thù địch mãi mãi.”

Đồng thời, hành động của Trung Quốc cũng đẩy Indonesia nghiên về phía lập trường của Việt Nam, kêu gọi phải có một bộ COC ràng buộc pháp lý để tránh sự ngang ngược cây sức mạnh quân sự của Bắc Kinh.

Nếu cả Hà Nội, Jakarta và Kuala Lumpur cùng một lập trường và cương quyết chống bành trướng Trung Quốc trên Biển Đông, Bắc Kinh không muốn bị cộng đồng ASEAN liên tay chống lại mình nên đã nhiều lần mua chuộc một số nước để chia rẽ khối này.

Cambodia là thành viên ASEAN được Bắc Kinh tận dụng cho mưu đồ vừa kể. Manila từng quyết liệt chống Bắc Kinh thời tổng thống trước, nhưng khi ông Duterte lên cầm quyền từ 2016 thì đổi chiều ve vãn Bắc Kinh lấy viện trợ và đầu tư kinh tế. Không những vậy, còn bắn tiếng muốn xé Hiệp Ước Phòng Thủ Hỗ Tương (Mỹ-Philippines) ký từ năm 1951.

Nay câu hỏi vẫn còn được đặt ra và chưa ai có thể thấy một câu trả lời rõ rệt là Việt Nam có thể vận động đoàn kết các nước ASEAN chống lại tham vọng bá quyền bành trướng của Bắc Kinh tên Biển Đông hay không. (TN)

MỚI CẬP NHẬT