Friday, May 3, 2024

Việt Nam lo kênh đào Funan Techo của Cambodia sẽ ‘đảo lộn hệ sinh thái miền Tây’

CẦN THƠ, Việt Nam (NV) – Ủy Ban Sông Mekong Việt Nam hôm 23 Tháng Tư tổ chức cuộc họp tham vấn về dự án kênh đào Funan Techo (dự án thủy lộ Phù Nam) của Cambodia, với sự tham dự của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực, theo báo VNExpress.

Tại cuộc họp, Tiến Sĩ Lê Anh Tuấn, giảng viên chính Khoa Môi Trường và Tài Nguyên, Đại Học Cần Thơ, khẳng định kênh đào Funan Techo khi hình thành chắc chắn tác động tiêu cực đến Đồng Bằng Sông Cửu Long. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng thế nào còn phụ thuộc vào quy mô và mục đích sử dụng của phía hình thành, xây dựng dòng kênh.

Người dân ở huyện Gò Công Đông, Tiền Giang, thức suốt đêm chờ lấy nước ngọt từ thiện trong mùa khô hạn hồi Tháng Tư, 2024. (Hình: Thanh Tùng/VNExpress)

Cụ thể, theo ông Tuấn, điều đáng quan tâm là đoạn một của kênh kết nối sông Mekong (sông Tiền) đến sông Hậu, sau đó mới tiếp tục đào ra hướng Vịnh Thái Lan. Cambodia lấy lý do “phát triển giao thông, nhưng rất có thể sẽ sử dụng nguồn nhiều nước cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp. Trong cơ cấu lượng nước sông Mekong, sông Tiền chiếm 90%, sông Hậu 10%. Vì thế lượng nước từ sông Hậu không đủ nên dự án mới có đoạn kênh đào nối thông với sông Tiền.”

Điều này sẽ dẫn đến việc chia lại nguồn nước giữa hai dòng sông nói trên trước khi chảy vào lãnh thổ Việt Nam. Tùy lượng nước đổ về sông Hậu nhiều hay ít khi vào tỉnh An Giang, sẽ có những tác động gây nên sạt lở từ địa phận Châu Đốc đến huyện Châu Phú (ngã ba với sông Vàm Nao) vì đoạn sông này nhỏ, bề ngang chỉ vài trăm mét. Từ đó vai trò điều tiết nước của sông Vàm Nao (nối sông Tiền và sông Hậu) bị ảnh hưởng, kéo theo nhiều vấn đề liên quan…

“Kênh Funan Techo khi vận hành, miền Tây Việt Nam sẽ gia tăng tình trạng thiếu nước ngọt trong sinh hoạt, canh tác, sản xuất; mặn xâm nhập sâu và nhiều hơn; các hệ sinh thái sẽ bị đảo lộn,” ông Tuấn nhận định.

Tương tự, Phó Giáo Sư Tiến Sĩ Văn Phạm Đăng Trí, viện trưởng Nghiên Cứu Biến Đổi Khí Hậu (DRAGON – Mekong), Đại Học Cần Thơ, phân tích những năm gần đây, dòng Mekong đối mặt thách thức rõ rệt từ các đợt hạn hán nghiêm trọng vào mùa khô trong năm El Nino 2015-2016 và 2019-2020. Tức là, thời tiết sẽ ngày càng trở nên cực đoan hơn, dẫn đến tăng tần suất hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn…

Trong khi đó, kênh đào Funan Techo sẽ chi phối nguồn nước, làm thay đổi dòng thủy văn, dẫn đến các vấn đề môi trường nước và hệ sinh thái càng trầm trọng hơn. Việc này không chỉ tác động Việt Nam mà cả người dân Cambodia ở hạ nguồn của kênh này cũng bị ảnh hưởng. Cụ thể là bất lợi cho nông nghiệp như sản xuất lúa, nuôi trồng thủy sản, công nghiệp, và cả đời sống người dân.

“Đồng bằng [sông Cửu Long] đã và đang bị định hình lại bởi các thay đổi trên. Trong bối cảnh này, Cambodia khởi công dự án thủy lộ Phù Nam sẽ làm gia tăng các quan ngại về hạn và xâm nhập mặn trên đồng bằng,” ông Nguyễn Nghĩa Hùng, viện phó Khoa Học Thủy Lợi Miền Nam (SIWRR), nhận định.

Đồng Bằng Sông Cửu Long có diện tích khoảng 40,000 cây số vuông, là nơi sinh sống của hơn 17.4 triệu người. Nơi đây chiếm 50% sản lượng lúa gạo, 65% thủy sản nuôi trồng và đóng góp 17% GDP cho Việt Nam…

Hiện vùng đất này đang chịu ảnh hưởng hạn mặn nghiêm trọng, được đánh giá là một trong ba đồng bằng trên thế giới “chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu…”

“Vấn đề của Mekong đã được minh chứng qua nhiều sự việc. Ví dụ như khi những con đập được xây dựng trên dòng chính, nhưng Ủy Hội Sông Mekong (MRC) không quyết định được bởi họ chỉ là đơn vị tạo sân chơi cho các bên trao đổi,” ông Đăng Trí lo lắng nói.

Sơ đồ dự án kênh đào Funan Techo của Cambodia sắp thực hiện. (Hình: Mekong River Commission)

Theo bản tin trên Khmer Times hôm 15 Tháng Mười Hai, 2023, ông Hun Manet, thủ tướng Cambodia, đã thông qua Ủy Ban Sông Mekong Cambodia công bố kế hoạch dự án kênh đào Funan Techo.

Kênh dự kiến dài 180 km, nối từ Prek Takeo trên sông Mekong đến Prek Ta Ek và Prek Ta Hing trên sông Bassac, sau đó đổ ra Vịnh Thái Lan ở Tây Nam Cambodia. Kênh chảy qua bốn tỉnh gồm Kandal, Takeo, Kampot và Kep, hai bên có khoảng 1.6 triệu người sinh sống…

Dự án có tổng chi phí ước tính $1.7 tỷ, gồm ba đập đường thủy, 11 cầu và 208 km đường hai bên, dự kiến do công ty Trung Quốc CRBC thực hiện theo hình thức xây dựng – vận hành – chuyển giao.

Theo kế hoạch, kênh đào được khởi công cuối năm nay, hoạt động năm 2028. (Tr.N) [qd]

MỚI CẬP NHẬT