Saturday, April 27, 2024

Việt Nam tiếp tục vay nợ nhiều hơn để trả nợ, chi tiêu

HÀ NỘI (NV) – Chế độ Hà Nội vẫn không thoát khỏi cái vòng kim cô nợ công ngày càng lớn hơn trước khi trù tính vay nợ nhiều hơn năm ngoái để “đảo nợ.”

“Ngân khố quốc gia thâm hụt, chi thường xuyên bộ máy ngày càng tăng, nợ bảo hiểm xã hội… buộc năm 2020, chính phủ phải đề xuất Quốc Hội cho vay thêm hơn 495,000 tỉ đồng (khoảng $19 tỉ 678 triệu) để chi tiêu.” Báo Thanh Niên hôm Thứ Hai, 21 Tháng Mười, dẫn một bản báo cáo của nhà cầm quyền trung ương đề nghị xin Quốc Hội thông qua khoản vay mới để đảng và nhà nước CS kéo dài sự sống.

Bản tin của tờ Thanh Niên liệt kê số thâm thủng khổng lồ cần được bù đắp bằng cách phát hành công trái nhiều hơn trước, với “nhiệm vụ huy động vốn vay cân đối ngân sách trung ương năm 2020 là 459,500 tỉ đồng; đáng chú ý một số khoản: bù đắp bội chi ngân sách trung ương là hơn 217,000 tỉ đồng (khoảng $9 tỉ 331 triệu), trả nợ gốc của ngân sách trung ương hơn 217,000 tỉ đồng (khoảng $9 tỉ 331 triệu), vay để nhận nợ bảo hiểm xã hội 9,100 tỉ đồng…”

Trong khóa họp cuối năm ngoái, Quốc Hội của chế độ đã thông qua khoản vay để bù đắp bội chi ngân sách cho năm 2019 là 425,000 tỉ đồng (khoảng $18 tỉ 275 triệu), tức vay nhiều hơn tài khóa trước $1 tỉ 403 triệu. Năm 2019 đã phải bán công trái, tức vay nợ công, 363,000 tỉ đồng, năm 2017 là 240,000 tỉ đồng. Thâm thủng ngân sách CSVN ngày càng phình ra lớn hơn vì không có nhiều khả năng giảm thiểu nợ gốc nên vẫn chỉ vay nhiều hơn để “đảo nợ.”

Những nguy hiểm của chủ trương vay nợ để “đảo nợ,” một cách trì hoãn trả nợ gốc bằng cách vay tiền năm sau nhiều hơn năm trước, từng được các chuyên gia kinh tế tài chính cảnh cáo nhiều lần trong những năm qua. Dù vậy, Hà Nội không làm theo các khuyến cáo.

Tại kỳ họp trước, VietNamNet ngày 17 Tháng Sáu, 2019, thuật lại là “Ủy Ban Tài Chính Ngân Sách của Quốc Hội cho rằng: Ngân sách trung ương vẫn chưa có thặng dư để trả nợ; bên cạnh đó ứng trước dự toán ngân sách trung ương lớn (hết 2017 là 86,339 tỷ đồng) có xu hướng tăng tuy không tính trong nợ công nhưng là nghĩa vụ bố trí của ngân sách nên càng khó khăn cho thu xếp nguồn trả nợ các năm sau…”

Cũng vào dịp Tháng Sáu vừa qua, khi bình luận về nợ công của chế độ Hà Nội ngày một phình ra lớn hơn, ông Lê Đăng Doanh, một kinh tế gia từng là viện trưởng Viện Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, đã khuyến cáo nhà cầm quyền CSVN “phải cắt giảm chi thường xuyên” (nuôi bộ máy cai trị) và phải “tinh giản bộ máy” tức loại bỏ đám cán bộ đảng viên con ông cháu cha ăn bám trong guồng máy cai trị.

Năm nào cũng thấy nhà nước Hà Nội họp hành về “tinh giản biên chế” nhưng không thấy bao nhiêu nhúc nhích. (TN)

MỚI CẬP NHẬT