Thursday, April 25, 2024

Vụ bé 6 tuổi trường Gateway chết trên xe: Nhiều uẩn khúc

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Sau gần một tuần xảy ra cái chết của học sinh Lê Hoàng Long, 6 tuổi, trường Tiểu Học Quốc Tế Gateway, người phụ trách xe buýt đưa đón học sinh lên tiếng về buổi sáng cuối cùng của cậu bé.

Bà Nguyễn Bích Quy, 55 tuổi, người có nhiệm vụ cùng với tài xế Doãn Quý Phiến đưa học sinh đến trường Gateway kể lại với báo VNExpress, khi đến đón học sinh Lê Hoàng Long, cậu bé cười nói vui vẻ cùng người giúp việc của gia đình bước tới xe. Học sinh Long mặc bộ đồng phục của trường Gateway gồm áo phông đỏ, quần màu tối. Long ngồi vào góc trong, cạnh cửa sổ của hàng ghế sát cuối xe.

Nhân viên đưa đón trẻ lên tiếng

Khoảng 7 giờ 30 phút, xe dừng trước cổng trường Gateway. Theo bà Quy, không ai để ý cậu bé thức hay ngủ.

Bà Quy nói lúc đó có hai học sinh khóc nhiều nên bà phải dỗ và bà chỉ nhìn lướt vào trong xe và nghĩ không còn ai nên đóng cửa xe. Khi vào trường, bà ký sổ điểm danh, bàn giao học sinh cho cô giáo. Bà hoàn toàn không biết khi lên xe có bao nhiêu học sinh và khi xuống xe có bao nhiêu học sinh.

Lúc 3 giờ 45 phút chiều cùng ngày, bà Quy quay lại trường để đón học sinh. Khi đếm số học sinh chuẩn bị vào xe, bà thấy thiếu Long nên báo cho người quản lý rồi đưa chín học sinh ra xe, ba học sinh còn lại được gia đình tự đến đón.

“Khi vừa mở cửa ôtô, tôi thấy Long nằm bất động dưới sàn phía sau ghế lái. Bé nằm ngửa, đầu hướng ra phía cửa. Tôi sợ quá hét toáng lên. Một người từ phía sau chạy đến bế Long vào trường cấp cứu,” bà Quy kể với phóng viên.

Sau đó bà vẫn cùng tài xế Phiến đưa chín học sinh về nhà rồi quay lại trường, lúc đó bà nhận được tin đã chết trong chiếc áo màu xám trước khi đến bệnh viện.

Những hình ảnh được lan truyền trên mạng xã hội đã chứng minh điều bà Quy nói. Khi em Lê Hoàng Long được đưa vào phòng y tế của trường từ trong chiếc xe buýt, chiếc áo em mặc không phải màu đỏ.

Chính bà Quy cũng không lý giải được tại sao buổi sáng Long đi học mặc áo màu đỏ đồng phục của trường, nhưng khi phát hiện bất tỉnh lại mặc áo xám màu.

“Tôi cũng tự đặt ra nhiều câu hỏi và cảm thấy nghi ngờ về chi tiết này, nhưng cũng không lý giải được,” bà Bích Quy trả lời báo VietNamNet. “Tôi chưa được qua trường lớp đào tạo nào về những điều này.”

Đáng nói ở đây, bà Quy từng làm nghề dọn vệ sinh, được người quen là giám đốc Công Ty Vận Tải Ngân Hà, đơn vị có hợp đồng đưa đón học sinh trường tiểu học Gateway, gọi đi làm nhân viên phụ trách xe buýt chở học sinh với mức lương 120,000 đồng ($5.2) một ngày. Dù chưa được đào tạo về trông giữ trẻ, bà vẫn đồng ý vì nghĩ “chỉ là công việc thời vụ.”

Ngày 6 Tháng Tám đó là ngày thứ hai bà làm công việc này, chưa ký hợp đồng với công ty Ngân Hà.

Nói chuyện với báo VietNamNet lúc 11 giờ 30 phút tối 9 Tháng Tám, bà Bích Quy cho biết đã hai lần làm việc cho trường, nhưng chưa ký hợp đồng lao động lần nào.

Một nguồn tin khác từ trang mạng Kênh 14 trích lời người dân sống gần nhà bà Quy nói: “Bà Quy là người gốc Hà Nội, tính tình hiền lành, chân chất. Trước bà làm tạp vụ tại khu chung cư, sau đưa đón trẻ cho các trường trên địa bàn quận nhiều năm. Bà ấy mới làm nhân viên monitor cho trường Gateway hai ngày nay thì xảy ra sự việc. Người dân khu phố hết sức bất ngờ, ai ai cũng bàn tán xôn xao.”

Bà Quy nhìn nhận lỗi của mình và tài xế Doãn Quý Phiến đã không kiểm tra trước khi đóng cửa xe. Tuy nhiên, theo bà, chính trường Gateway cũng không có trách nhiệm khi học sinh không đến lớp mà không thông báo cho phụ huynh hoặc người đưa đón.

Ngày 7 Tháng Tám, sau cuộc họp báp chớp nhoáng, Công An quận Cầu Giấy quyết định khởi tố vụ án về tội “Vô ý làm chết người, theo Điều 125 Bộ Luật Hình Sự 2015.”

Lời của ông phó trưởng công an quận nói: “Trách nhiệm chắc chắn liên quan bà Quy.”

Sau cái chết bất thường của cậu bé 6 tuổi, nhiều phụ huynh chọn đưa con tới trường thay vì dùng xe đưa đón của nhà trường. (Hình: Người Lao Động)

Trách nhiệm của ai?

Sau khi sự việc xảy ra, bà Quy cho biết nhà xe thì đã yêu cầu gia đình bà nộp sơ yếu lý lịch để làm hợp đồng. Tuy nhiên gia đình bà từ chối.

Có rất nhiều vấn đề được cho là uẩn khúc về cái chết thương tâm của nam sinh Lê Hoàng Long. Báo trong nước thuật lại lời người cậu của bé Long: “Theo lời kể của mẹ và dì thì lúc đi học cháu mặc áo màu đỏ nhưng khi trích xuất camera lúc cháu được bế từ xe vào trường thì lại mặc áo trắng, không biết cháu bị làm sao. Một đứa trẻ không thể chết ngạt trên một chiếc xe Transit tận 16 chỗ được.”

Uẩn khúc thứ hai, nhà trường nói khi sơ cứu cháu vẫn còn mạch đập, thở yếu, tuy nhiên, theo cậu của học sinh Long, phòng cấp cứu bệnh viện cho biết em Long qua đời ngoại viện.

Ông  Lê Văn Sơn, cha cháu bé, cũng nói lúc đến viện, bác sĩ nói cháu chết trước khi đến viện.

Uẩn khúc thứ ba, là vấn đề được mạng xã hội đang lan truyền nhau với tốc độc chóng mặt những ngày qua, đó là con gái Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc sở hữu 14.3% cổ phần trong trường quốc tế Gateway. Bà Trần Thị Hồng Vân, con gái ông Trần Văn Vệ, trung tướng, phó thủ trưởng thường trực Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra, chánh văn phòng Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Bộ Công An, có 35.7% cổ phần. Bà Trần Thị Huyền là con gái của Trần Văn Đình, chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Ngân Hàng Thương Mại Cổ Phần Đông Á. Ông Đình là anh trai của Trần Văn Vệ.

Báo Đầu Tư đã đăng tải thông tin này nhưng khi được mạng xã hội chia sẽ thì đã lấy tên của bà Xuân Trang ra khỏi bài viết.

Theo lời kể của Facebooker Thái Văn Đường với nhật báo Người Việt, ký giả Nguyễn Đức, phụ trách mảng nội chính của báo Pháp Luật TP.HCM, đưa thông tin này lên trang cá nhân thì ngay sau đó, ông Nguyễn Duy Hưng, phó chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ, gọi điện thoại cho ông Đức đề nghị lấy xuống, nhưng ông Đức từ chối.

Theo tất cả những chi tiết, dự kiện mà truyền thông trong nước có thể khai thác được cho đến lúc này, đều dừng ở quyết định khởi tố vụ án về tội “Vô ý làm chết người.”

Còn những câu hỏi đầy uẩn khúc và trách nhiệm lớn nhất, ở một cấp lớn nhất thì vẫn còn bỏ ngỏ.

“Chúng tôi cần minh bạch trong kết quả điều tra về cái chết của con. Các cơ quan chức năng hẹn chúng tôi 20 ngày mới có kết quả điều tra. Gia đình tôi mong mỏi công lý sớm được thực thi để con ra đi thanh thản.”

Lời mong mỏi đầy nước mắt của ông Lê Văn Sơn, cha của cậu bé xấu số, có làm vỡ tung tảng băng vô cảm của một quyền lực đang ngự trị trong nền giáo dục Việt Nam hay không? (C.Lynh)

MỚI CẬP NHẬT