Monday, April 29, 2024

Vụ Vạn Thịnh Phát: Trương Mỹ Lan bị tuyên tử hình, chồng 9 năm tù, cháu gái 17 năm

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Bị cáo Trương Mỹ Lan, 68 tuổi, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bị kết án tử hình, do bị ba cáo buộc “tham ô tài sản,” “đưa hối lộ” và “vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.”

Theo báo Thanh Niên hôm 11 Tháng Tư, phán quyết nêu trên được tuyên sau khi Hội Đồng Xét Xử bị cáo Lan là người sở hữu thực sự và chi phối hơn 91.5% cổ phần của ngân hàng SCB, là người thực tế có quyền lực chỉ đạo, điều hành tuyệt đối mọi hoạt động của SCB, cũng như toàn quyền tuyển chọn, bố trí nhân sự chủ chốt tại nhà băng này.

Bị cáo Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tại phiên tòa hôm 11 Tháng Tư. (Hình: ZNews)

Hội Đồng Xét Xử cho rằng không chấp nhận lời bào chữa của bị cáo Lan cũng như các luật sư về việc bà này chỉ có 15% cổ phần, bao gồm của mình và hai người con gái.

Theo kết luận của tòa, những người đứng tên trên 75% cổ phần tại SCB đều thừa nhận đứng tên giùm bị cáo Trương Mỹ Lan.

Cũng theo phán quyết của tòa đăng trên báo Dân Trí, bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Cục Thanh Tra-Giám Sát của Ngân Hàng Nhà Nước, lãnh án chung thân, do nhận hối lộ $5.2 triệu của bị cáo Lan để bỏ qua sai phạm của SCB.

Ba bị cáo khác cùng lãnh án chung thân là Võ Tấn Hoàng Văn (cựu tổng giám đốc SCB), Đinh Văn Thành và Bùi Anh Dũng (đều là cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị SCB).

Bị cáo Trương Huệ Văn, cháu gái của bị cáo Trương Mỹ Lan và là tổng giám đốc tập đoàn Bất Động Sản Winsor, bị kết án 17 năm tù.

Bị cáo Chu Nap Kee Eric (Chu Lập Cơ), quốc tịch Hồng Kông, chồng bị cáo Trương Mỹ Lan và là chủ tịch công ty Times Square, lãnh án chín năm tù.

Đáng lưu ý, có tổng cộng 10 bị cáo được trả tự do ngay tại tòa, trong đó hầu hết là cán bộ của Ngân Hàng Nhà Nước, số còn lại là thuộc cấp của bị cáo Lan tại nhà băng SCB.

Hồi giữa Tháng Mười Hai năm ngoái, người thân của bà Trương Mỹ Lan được ghi nhận nộp 1,000 tỷ đồng ($41.2 triệu) tiền “khắc phục hậu quả.”

Tiền “khắc phục hậu quả” được hiểu là tiền do thân nhân của bị can, bị cáo nộp để đổi lại bản án nhẹ hơn so với mức đề nghị của Viện Kiểm Sát khi phiên tòa diễn ra.

Bị cáo Trương Huệ Vân được ghi nhận nộp 1,063 tỷ đồng ($43.7 triệu) và $3,000.

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Cục Thanh Tra-Giám Sát Ngân Hàng, thuộc Ngân Hàng Nhà Nước. (Hình: ZNews)

Bị cáo Chu Lập Cơ nộp 1 tỷ đồng ($41,194).

Ngoài ra, các bị cáo khác trong vụ này cũng nộp tiền “khắc phục hậu quả” lên đến hàng triệu đô la.

Trong số đó, bị cáo Đỗ Thị Nhàn nộp $4.8 triệu và 10 cuốn sổ tiết kiệm với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng ($411,947). (N.H.K) [qd]

MỚI CẬP NHẬT