Friday, April 26, 2024

Vương Nghị không đến Việt Nam vì ‘cơm không lành, canh không ngọt?’

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ông Vương Nghị, ngoại trưởng Trung Quốc, đã không đến Việt Nam trong chuyến công du Đông Nam Á gần đây.

Báo South China Morning Post xuất bản ở Hồng Kông hôm 17 Tháng Giêng cho hay, căng thẳng với Bắc Kinh khiến Hà Nội bỗng nhiên trở thành khu vực không khuyến khích lui tới.


Ngoại Trưởng CSVN Phạm Bình Minh (phải) đón Vương Nghị khi ông này đến Hà Nội hồi Tháng Mười Một, 2017. (Hình: Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images)

Ông Vương Nghị vừa kết thúc chuyến đi mới nhất đến ASEAN (Myanmar, Indonesia, Brunei và Philippines) hôm 16 Tháng Giêng với mục tiêu tìm cách ổn định quan hệ trong khu vực trước lễ nhậm chức của ông Joe Biden.

Theo giới quan sát, Bắc Kinh xem ASEAN là một trong các ưu tiên chính sách đối ngoại những tháng gần đây trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gia tăng với Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Do vậy, việc Vương Nghị bỏ qua Việt Nam cho thấy sự đối kháng và căng thẳng ngày càng tăng giữa hai nước về tranh chấp Biển Đông, vốn bị tác động thêm bởi yếu tố Hoa Kỳ và những bất ổn bên trong đảng CSVN.

Theo ông Zhang Mingliang, chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại Đại Học Tế Nam ở Quảng Châu, Việt Nam là quốc gia ASEAN đầu tiên dám có hành động từ chối tập đoàn viễn thông khổng lồ Huawei Technologies của và đóng cửa biên giới Trung Quốc trong đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, không giống như nhiều nước ASEAN tỏ ra hào hứng với vaccine ngừa COVID-19 do Trung Quốc sản xuất để lấy lòng Vương Nghị, Việt Nam được ghi nhận áp dụng chiến lược đa dạng hơn trong đàm phán mua vaccine từ Anh Quốc, Mỹ, Nga, và Trung Quốc.

Ông Zhang được báo South China Morning Post dẫn lời: “Trong khi Trung Quốc cần kiểm soát mối quan hệ với Việt Nam, họ phải thận trọng để tránh bị vướng vào cuộc tranh giành quyền lực tại Hà Nội, vì các phe phái khác nhau có thể chơi lá bài Trung Quốc để giành ghế.”

Tờ báo ghi nhận “có rất ít trao đổi cấp cao giữa Bắc Kinh và Hà Nội trong những tháng gần đây,” đặc biệt là các cuộc gặp trực tiếp giữa chính phủ và các nhà lãnh đạo đảng, vốn là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì quan hệ.

Cũng theo vị học giả nêu trên, quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc phần lớn sẽ được quyết định bởi lập trường của Hà Nội đối với chính quyền Biden.

Nhà chức trách Việt Nam trao trả người Trung Quốc nhập cảnh trái phép qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Quảng Ninh hồi Tháng Bảy, 2020. (Hình: Thanh Niên)

Là quốc gia Đông Nam Á có tranh chấp với Trung Quốc cả về Biển Đông và quản lý sông Mê Kông, Việt Nam trở thành tâm điểm trong cuộc tranh giành giữa Mỹ và Trung Quốc.

Washington trong những tháng gần đây tỏ ý lôi kéo Hà Nội đến gần quỹ đạo của mình khi một loạt quan chức cấp cao, gồm Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Robert O’Brien và Ngoại Trưởng Mike Pompeo thực hiện các chuyến thăm cấp tập Hà Nội trước khi chính quyền Trump kết thúc.

Theo tờ báo của Hồng Kông, ông Zhang dự báo rằng chính quyền Biden có vẻ như được thiết lập để thúc đẩy quan hệ kinh tế và an ninh với Hà Nội trong cách tiếp cận đa phương nhằm kiềm chế Trung Quốc.

“Nguy cơ đối đầu đang tăng lên. Ông Vương Nghị đã nhắc lại tầm quan trọng của sự ổn định khu vực trong các chuyến công du Đông Nam Á,” theo South China Morning Post.

Trong một diễn biến khác, tờ Hoàn Cầu Thời Báo hôm 10 Tháng Giêng đăng lời cảnh cáo Việt Nam và Malaysia “hãy ngừng nhảy múa với Mỹ và kích động rắc rối, nếu không, sau cùng sẽ tự làm hại mình.”

Lời đe dọa vừa kể tuy mượn lời “các nhà phân tích” nhưng chỉ là cách viết ném đá giấu tay của Bắc Kinh khi đưa tin Ngoại Trưởng Vương Nghị đi thăm bốn nước ASEAN (Myanmar, Indonesia, Brunei và Philippines) “nhằm củng cố tình hữu nghị với các nước sau khi đã trải qua một số xáo trộn và thụt lùi những năm gần đây.” (N.H.K) [kn]

MỚI CẬP NHẬT