Friday, April 19, 2024

Xe lửa Việt Nam có thể ngưng chạy do cả vạn nhân viên bị nợ lương

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Một chuyện khá hy hữu đang xảy ra với ngành đường sắt Việt Nam khi toàn bộ tuyến xe lửa có thể ngưng chạy vào Tháng Ba, 2020, do cả vạn nhân viên tuần đường, gác chắn hiện đang bị nợ lương và sống nhờ tiền tạm ứng.

Các báo đảng giải thích rằng chuyện hy hữu này xảy ra là do Tổng Công Ty Đường Sắt Việt Nam nay không còn trực thuộc Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN mà được chuyển về Ủy Ban Quản Lý Vốn Nhà Nước Tại Doanh Nghiệp trong lúc cơ chế chính sách giữa hai bên “chưa đồng bộ.”

Theo báo Tiền Phong hôm 20 Tháng Hai, ông Vũ Anh Minh, chủ tịch Hội Đồng Thành Viên Tổng Công Ty Đường Sắt Việt Nam, nói rằng khoảng 11,000 nhân viên tuần đường, gác chắn hiện không được trả lương là do doanh nghiệp này “chưa được giao ngân sách.”

“Nếu bất cứ nhân viên tuần đường, gác chắn nào bị tai nạn thì lãnh đạo đơn vị đường sắt có thể bị khởi tố, bởi có ai giao nhiệm vụ đâu mà làm. Nhưng chẳng lẽ lại dừng hoạt động chạy tàu? Để đỡ trách nhiệm cho cấp dưới, tôi đã ra văn bản chỉ đạo làm, nếu sai thì tôi chịu. Tôi ra văn bản cũng sai, vì có ai giao cho tôi đâu, chạy tàu cũng sai, không chạy tàu cũng sai,” tờ báo dẫn lời ông Minh.

Hiện tại, được biết, cả vạn nhân viên ngành đường sắt đang sống nhờ “giải pháp tình thế” là nhận tiền tạm ứng nhưng việc này “chỉ là tạm thời, không thể duy trì mãi được.”

Ông Minh cũng nói thêm rằng việc nợ lương cả vạn nhân viên “là vấn đề rất cấp bách” và “đã báo cáo rất nhiều lần rồi.”

Vị giới chức này cũng ra tối hậu thư rằng nếu đến Tháng Ba mà vấn đề trả lương không được giải quyết thì “có khả năng phải dừng hoạt động chạy tàu trên toàn quốc vì không có ai làm tuần đường, gác chắn.”

Hành khách tại ga Nha Trang. (Hình: Văn Kiên/Tiền Phong)

Theo luật, ngành đường sắt được giao cho Bộ Giao Thông Vận Tải CSVN quyết định việc chi ngân sách, nhưng từ khi Tổng Công Ty Đường Sắt Việt Nam được chuyển qua Ủy Ban Quản Lý Vốn Nhà Nước Tại Doanh Nghiệp thì doanh nghiệp này không còn thuộc mục “chi” của bộ nữa.

Nhưng theo luật về đầu tư và quản lý vốn đầu tư thì lại không có mô hình Ủy Ban Quản Lý Vốn Nhà Nước Tại Doanh Nghiệp. Do vậy ủy ban này không thể quyết toán chi phí ngành đường sắt.

Facebooker Phạm Minh Vũ bình luận trên trang cá nhân: “Sự nhập nhằng, vòng vo rắc rối này tưởng của những bạn sinh viên mới lập nghiệp chưa hiểu biết gì lắm về luật doanh nghiệp cũng như các điều khoản khác, nó lại xảy ra ngay chính phủ kiến tạo của [ông] Nguyễn Xuân Phúc, quả thực không thể hiểu!”

Đáng lưu ý, các báo đảng cho biết một diễn biến khác cũng liên quan đến Ủy Ban Quản Lý Vốn Nhà Nước Tại Doanh Nghiệp: Vụ nợ lương 11,000 nhân viên đường sắt diễn ra trong lúc hai gói thầu của tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành có tổng chiều dài 57.1 km được ghi nhận “tạm dừng thi công” do thiếu vốn. Hệ lụy của vụ này là chủ đầu tư tuyến cao tốc đang phải đối mặt với nguy cơ phải bồi thường khoảng $70 triệu cho nhà thầu. Tuyến cao tốc dự trù hoàn thành vào năm 2018 nhưng nay được ghi nhận mới đạt 75% tiến độ, và đang trong tình trạng “chưa được giao kế hoạch vốn đầu tư công, dẫn đến việc trậm trễ giải ngân, phát sinh nhiều khiếu kiện từ các nhà thầu.”

Theo báo Tuổi Trẻ hôm 21 Tháng Hai, trách nhiệm trong vụ này là Tổng Công Ty Đầu Tư Phát Triển Đường Cao Tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư tuyến cao tốc nêu trên và là công ty trực thuộc Ủy Ban Quản Lý Vốn Nhà Nước Tại Doanh Nghiệp. (N.H.K)

MỚI CẬP NHẬT