Thursday, March 28, 2024

Y án 9 năm tù, 5 năm quản chế nhà hoạt động Trần Thị Nga

HÀ NAM, Việt Nam (NV) – Ngày 22 Tháng Mười Hai, Tòa Án Nhân Dân tỉnh Hà Nam y án đối với nhà hoạt động Trần Thị Nga, tự Thúy Nga, 9 năm tù, 5 năm quản chế.

Trước đó, bản án này đã được tuyên trong phiên sơ thẩm hồi Tháng Bảy vì tội “Tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự CSVN.

Phiên tòa được thông báo là công khai nhưng lực lượng cảnh phục được bố trí dày đặc, an ninh chìm nổi bố trí khắp mấy khu phố lân cận.

Buổi sáng cùng ngày, ông Lương Dân Lý, chồng bà Nga, cùng các nhà hoạt động khác như Thảo Teresa, Nguyễn Thúy Hạnh,… khi đến gần khu vực trước cổng tòa án thì bị một nhóm khoảng 50 thanh niên nhào vào đánh đập và bắt tất cả lên xe chở đi.

Các nhà hoạt động cáo buộc nhóm thanh niên đó là do công an tỉnh Hà Nam sắp đặt nhằm ngăn việc live stream tình hình trước cổng tòa án trên mạng xã hội. Ông Lý và những người bị câu lưu được ghi nhận đã ra khỏi đồn công an phường Hai Bà Trưng, tỉnh Hà Nam, hồi 5 giờ 30 phút chiều cùng ngày.

Sau khi phiên tòa kết thúc, nhà hoạt động Dương Đại Triều Lâm, thành viên Mạng lưới Blogger Việt Nam nói với Người Việt: “Việc y án chị Thúy Nga 9 năm tù hôm nay, cũng như đã y án 10 năm tù đối với blogger Mẹ Nấm hôm 30 Tháng Mười Một đã chứng minh một điều rằng, nhà cầm quyền CSVN đang mạnh tay đàn áp hơn bao giờ hết đối với những người bất đồng chính kiến, nhà hoạt động dân chủ, dân quyền ở Việt Nam. Những bản án tù giam nặng nề là bằng chứng rõ ràng nhất về việc không chấp nhận sự đóng góp, xây dựng, phản biện của những người nằm ngoài hệ thống đảng CSVN đối với đất nước, dân tộc này.”

Đề cập chuyện Luật Sư Hà Huy Sơn từng công khai “khuyên” hai thân chủ là bà Trần Thị Nga và bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm) nhận tội để được giảm án, ông Lâm nói: “Theo tôi, việc lựa chọn nhận tội hay không nhận tội là quyết định của những người tranh đấu khi họ ở trong ngục tù và họ cũng đã lường hết được những kết quả của lựa chọn đó. Trong các phiên tòa xử những người bất đồng chính kiến, những người tranh đấu cho dân chủ, dân quyền thì tôi nghĩ bản án không nằm ở những tranh tụng tại tòa. Tôi nghĩ Luật Sư Sơn nên tôn trọng lựa chọn của những con người quả cảm đó và thực hiện tốt nhất công việc luật sư của mình trong khả năng có thể.”

Luật Sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho bà Nga, nói trong clip được trang Dân Làm Báo VN công bố hôm 22 Tháng Mười Hai: “Tại phiên tòa, bà Nga yêu cầu được đối chất với những người bị giam cùng, làm nhân chứng tố cáo bà Nga chống nhà nước. Nhưng tòa không đáp ứng yêu cầu này. Đây là vi phạm nghiêm trọng quy định tố tụng về đối chất khi có những lời khai không khớp với nhau. Điều này là bất lợi cho bị cáo. Lẽ ra chứng cứ nào không rõ ràng thì phải xem là không có. Thường thì tòa cứ mặc định những cái không rõ ràng là có trong các vụ án như thế này.”

Trước khi diễn ra phiên phúc thẩm, tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền Quốc Tế (HRW) đã kêu gọi chính phủ Việt Nam hãy “lập tức phóng thích và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với bà Trần Thị Nga.” Thông cáo của HRW viết: “Trần Thị Nga là một trong những mục tiêu mới nhất của đợt gia tăng đàn áp của chính quyền Việt Nam nhắm vào các nhà hoạt động và những người chỉ trích chính phủ. Thay vì xúc tiến đối thoại với những người lên tiếng phê phán, chính quyền lại dùng những bản án nặng nề và các hình thức bạo hành ngày càng thường xuyên hơn.” (T.K.)

Côn đồ Sài Gòn vừa đâm người, vừa hô cướp

MỚI CẬP NHẬT