Friday, April 26, 2024

Một bài thơ cũ: Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn

Hoàng Anh Tuấn

Hoàng Anh Tuấn sinh ngày 7 Tháng Năm, 1932, tại Hà Nội. Thuở nhỏ ông theo học tại trường dòng Puginier ở Hà Nội, một trường đạo nổi tiếng là kỷ luật và nghiêm khắc.

Trong phong trào kháng Pháp, Hoàng Anh Tuấn tuy còn nhỏ cũng ra khu và học trường trung học Nguyễn Huệ, và tham gia toán du kích Đống Đa. Được một thời gian do có tư tưởng tự do nên bị trù dập, ông bỏ mộng đi kháng chiến, trốn về Hà Nội. Vào trường Dũng Lạc, Hoàng Anh Tuấn gặp họa sĩ Duy Thanh, có bạn bè bắt đầu làm thơ văn. Năm 14 tuổi, Hoàng Anh Tuấn có bài thơ lần đầu tiên đăng trên báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy của nhà xuất bản Tân Dân, Hà Nội.

Năm 16 tuổi Hoàng Anh Tuấn được gia đình gửi sang Pháp du học tại một trường tư thục ở Nice. Được một năm, ông tình cờ gặp Nguyên Sa Trần Bích Lan từ Paris về nghỉ Hè ở Nice và theo Nguyên Sa bỏ nhà đi Paris. Sau đó Hoàng Anh Tuấn theo học tiếp tại Provence, nửa chừng lại bỏ vào IDHEC, một trường điện ảnh khá nổi tiếng ở Paris.

Năm 1958, Hoàng Anh Tuấn về Sài Gòn, làm đạo diễn cho hãng phim Alpha của Thái Thúc Nha. Ít lâu sau ông chuyển sang làm báo cho các tờ nhật báo Hiện Đại, Đồng Nai và Tiền Tuyến.

Hoàng Anh Tuấn được coi như người nghệ sĩ “bá nghệ.” Về kịch, ông là tác giả nhiều vở được trình diễn tại sân khấu miền Nam trong đó hai vở kịch nổi tiếng nhất của ông là “Hà Nội 48” và “Ly Nước Lọc.” Về điện ảnh, ông là đạo diễn của hai phim “Xa Lộ Không Đèn” và “Nghìn Năm Mây Bay.”

Sau ngày 30 Tháng Tư, 1975, ông bị tập trung “cải tạo” trong “diện văn nghệ sĩ phản động” tại trại Phan Đăng Lưu, cùng với các nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh, Hoàng Hải Thủy… Hai năm sau, Hoàng Anh Tuấn ra tù và sống ở Sài Gòn hai năm nữa với tình trạng rất khó khăn, đen tối trong khi toàn miền Nam còn đi “cải tạo” chưa về, nhưng may mắn sau đó chính phủ Pháp đã can thiệp cho ông cùng gia đình sang Paris. Sau đó ông sang Hoa Kỳ năm 1981.

Mười năm cuối đời Hoàng Anh Tuấn sống tại San Jose, California, vẫn làm thơ dù sức khỏe suy giảm nhiều. Đầu năm 2004, ông ra mắt tập thơ “Yêu Em, Hà Nội” và những bài thơ khác do con gái thứ là Thu Thuyền dày công sưu tập lại. Sau thời gian này, ông nằm hẳn trong bệnh viện cho tới khi mất vào ngày 1 Tháng Chín, 2006, hưởng thọ 75 tuổi.

 

Tranh Bùi Xuân Phái.

 

Mưa Sài Gòn, mưa Hà Nội

Mưa hoàng hôn
Trên thành phố buồn gió heo may vào hồn
Thoảng hương tóc em ngày qua
Ôi người em Hồ Gươm về nương chiều tà
Liễu sầu úa thềm cũ nằm mơ hiền hoà
Thương mầu áo ngà
Thương mắt kiêu sa
Hiền ngoan thiết tha
Thơ ngây đôi má nhung hường
Hà thành trước kia thường thường
Về cùng lối đường
Khi mưa buốt, lạnh mình ướt
Chung nón dìu bước
Thơm phố phường

Mưa ngày nay
Như lệ khóc phần đất quê hương tù đày
Em ngoài ấy còn nhớ hẹn xưa miệt mài
Giăng mắc heo may
Sầu rơi ướt vai
Hồn quê tê tái
Mưa mùa thu
Năm cửa ô sầu hắt hiu trong ngục tù
Tủi thân nhớ bao ngày qua
Mưa ngùi thương nhòa trên dòng sông Hồng Hà
Liễu sầu úa thềm cũ nằm mơ hiền hoà
Đau lòng Tháp Rùa
Thê Húc bơ vơ
Thành đô xác xơ
Cô liêu trong nỗi u hoài
Lòng người sống lạc loài
Thê lương mềm vai gầy
Bao oan trái
Dâng tê tái
Cho kiếp người héo mòn tháng ngày

Mưa còn rơi
Ta còn ước rồi nắng yêu thương về đời
Vang trời tiếng cười
Ấm niềm tin hồn người
Mây trắng vui tươi
Tình quê ngút khơi
Tự do phơi phới

 

*Thả Thơ:

Vườn Thơ Người Việt mở thêm mục “Thả Thơ.” Đây là một trò chơi tao nhã, tương truyền có từ đời Vua Minh Mạng. Thoạt tiên người “cầm cái” đưa ra một câu thơ và giấu đi một chữ, thí dụ câu thơ: “Chữ tài chữ mệnh khéo là ___ nhau.” Người “cầm cái” cũng đưa thêm bốn chữ, thí dụ: Liền, Khắc, Thích, Ghét. Và người tham dự sẽ chọn một trong bốn chữ đã có, để điền vào chỗ trống của câu thơ cho đúng với nguyên bản của tác giả: “Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.”

Vườn Thơ Người Việt muốn “khó” hơn cho độc giả Người Việt một tí, bằng cách không cho biết trước chữ điền vào, và giấu đi nhiều hơn một chữ.

Xin mời độc giả tham gia cùng với Vườn Thơ Người Việt trong trò chơi tao nhã này, bằng cách tìm các chữ điền vào cho đúng với câu thơ nguyên tác của tác giả.

Kỳ này sẽ là câu thơ của Hoàng Cầm:

“Nếu anh còn trẻ như năm cũ
Quyết đón em về sống với anh
______ chiều ____ phơ phất lại
Anh đàn, em hát níu xuân xanh.”

 


LTS: Nhằm mục đích tạo thêm tình thân ái giữa bạn đọc và tòa soạn, nhật báo Người Việt trân trọng kính mời quý bạn đọc, thân hữu tham gia “Vườn Thơ Người Việt,” bằng tất cả mọi thể loại thơ.
Xin gửi về địa chỉ email: [email protected] hoặc “Vườn Thơ Người Việt,” 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683.

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT