Wednesday, May 15, 2024

Gởi bánh phồng qua xứ tuyết

Lê Ðại Trí - Trích Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu

Tôi muốn gởi cho chị hương nếp thơm trong lửa rơm lúa Nàng Thơm chợ Ðào, gởi cho chị âm ba nhịp quết bánh phồng giữa đêm gió chướng, gởi cả ánh nắng vàng đậu trên những vỉ bánh lá dừa tươi… cả bầu trời không gian quê hương gói trong chiếc bánh phồng.

1-Khi mái tóc chỉ còn muối không tiêu, khi biết trầm ngâm trò chuyện với chính mình, tôi mới hiểu chị nhiều hơn, thương chị nhiều hơn dù trong đời số lần hai chị em gặp mặt đếm chưa đầy một bàn tay và lần gần đây nhất đã hơn 40 năm.

Chị là con cậu Mười, anh kế má tôi. Cậu và ba tôi lại là bạn thân thời trung học. Số phận trớ trêu ba tôi đi kháng chiến, cậu theo mộng xuất dương du học. Trong quyển album để lại có lưu hình ảnh buổi ly hương cậu âu yếm bế chị lúc chưa tròn bốn tháng tuổi, còn trang ngày tao ngộ cậu đã dành sẵn lại hững hờ trống rỗng. Cậu qua đời vì tai nạn giao thông ngay sau khi tốt nghiệp.

Chị theo mợ tôi là cô giáo dạy học trên tỉnh, sau đó chuyển lên Sài Gòn học trung học rồi ra Ðà Lạt học Ðại Học Quản Trị Kinh Doanh theo chuyên ngành của cậu đã học ngày xưa. Nhà ngoại tôi thuộc vùng xôi đậu, ngày quốc gia, đêm giải phóng, nên thời chiến các anh chị tôi lớn tuổi hiếm khi dám về thăm. Chỉ có tôi còn ở tuổi thiếu niên nên hằng tuần đạp xe đạp vượt sông Cái về thăm ngoại.

Lần cuối cùng tôi gặp chị là Tết năm 1974. Cái Tết đầu tiên sau Hiệp Ðịnh Paris, chị và mợ cùng về thăm ngoại. Buổi gặp gỡ ngắn ngủi nhưng ấn tượng thật sâu đậm trong tôi, một cậu trai quê mùa có người chị trẻ đẹp học đại học một chuyên ngành có tên xa lạ.

2-Ít gặp chị nhưng chuyện về chị, cái tên chị như phủ bóng suốt cuộc đời tôi theo câu chuyện của ngoại, của ba má tôi. Với ngoại, cậu là con trai mà ngoại thương yêu nhất, trong những đêm mất ngủ, ngoại vẫn tưởng tượng như thật là cậu đang quay về qua tiếng gió đập vào cánh cửa, tiếng con tắc kè kêu vọng trong đêm.

Tình thương đó dây chuyền sang chị, dù thời gian chị sống chung với ngoại cũng không nhiều. Với ngoại đó là tình thương dành cho đứa cháu côi cút, hình dáng, tánh tình lại giống cha như đúc. Trong trí tưởng của ngoại chị vẫn là đứa bé, chị vẫn gần bên nên có làm món bánh ngon như xôi xeo, xôi nước, ngoại vẫn để phần mong đợi chị về. Trong khu vườn nhà ngoại có cây khế xá lỵ trái vàng tươi, ngọt lịm ngoại vẫn xí phần cây khế đó của con Hằng.

3-Trong câu chuyện của ba má tôi, chị là tấm gương học giỏi, chị là đứa cháu xinh đẹp nhất trong các đứa con cháu, chị là chứng nhân lưu dấu ký ức kỷ niệm của ba má tôi về cậu. Nào là từ Pháp cậu đã gởi về cho má tôi những cái lưỡi câu rất bén hay cây dù cán thụt rất tiện và đẹp mà thời ấy ở Việt Nam chưa có. Nào là cậu đã trực tính và bản lĩnh đấu tranh với nhà ăn của khu nội trú, “lãnh đạo” nhóm học sinh giũ khăn bàn ăn vì không đổi thực đơn. Nào là cậu học ban toán nhưng rất giỏi văn đạt giải nhì trong cuộc thi viết của tờ báo ở Nam Kỳ thời đó nhưng tự ái vì người đạt giải nhất là một cô gái nên không nhận giải… Tất cả những câu chuyện ấy đều được kết thúc bằng mẫu số chung là “con Hằng nó giống y hệt anh Mười.”

Khách du lịch nước ngoài thích thú tập nướng bánh phồng. (Hình: Lê Ðại Trí)
Khách du lịch nước ngoài thích thú tập nướng bánh phồng. (Hình: Lê Ðại Trí)

4-Sau năm 1975, ngành nghề học của chị không có chỗ dùng trong cơ chế quản lý kinh tế bao cấp, chị phải theo gia đình bên ngoại đi định cư ở Canada. Trước ngày đi, chị về quê thăm ba má tôi cũng như thăm tất cả họ hàng nhưng lúc đó tôi đi xa nhà nên không gặp chị.

Ðằng đẵng hàng chục năm qua, tôi vẫn nghe những câu chuyện về chị qua ký ức nhớ thương của ba má tôi và hình ảnh lưu dấu cuối cùng lần Tết năm 1974. Dáng người cao dong dỏng, mái tóc dài, nước da trắng sáng và đôi mắt xa xăm. Khoảng cách Việt Nam-Canada nửa vòng trái đất về kinh độ, nửa cực trái đất về vĩ độ, cứ tưởng như là không bao giờ có thể liên hệ với nhau.

Thế rồi tình cờ sau cái chết của người anh họ, thằng con anh đã tìm ra vật quý trong số di sản ít ỏi của anh là địa chỉ email của chị. Từ báu vật ấy, chị em tôi đã kết nối được với nhau bằng những con chữ. Những tín hiệu số vô tri đã bừng sống dậy trong chị, trong tôi những tình cảm sâu lắng hơn.

Tôi đi ngược về ký ức, gởi cho chị hình ảnh ngôi trường cũ thời tiểu học, trung học nhất cấp, hình ngôi nhà và con đường tỉnh lỵ mà chị sống từ thời niên thiếu nhưng tất cả đều đã đổi thay, có còn chăng là một mái ngói cũ rêu phong và khoảng sân trường.

5-Qua những email, tôi hình dung ra cuộc đời chị hình như trừ ngày tốt nghiệp đại học thì chưa có ngày nào là hạnh phúc trọn vẹn. Ngôi nhà ngoại tôi, nội chị ngày xưa rất đẹp, vườn rộng nhiều cây. Mùi hương mai chiếu thủy, ngọc lan, lúc nào cũng thoang thoảng những gốc cây khế, ổi, sapôchê xòe cành trĩu quả, con rạch sau nhà xanh trong tận đáy và có cả đàn cò huyền thoại cứ rủ nhau về làm tổ trong những giai đoạn hưng thịnh của ngôi nhà.

Thế nhưng chị đã rời đi từ rất nhỏ và những lần về thăm ngắn ngủi sau đó không đủ để cảm nhận để thấm đẫm hương hoa, tình người trong không gian ấm áp đó. Tình thương mênh mông và những phần quà ngoại tôi dành tặng và chờ đợi chị về cũng mong manh và xa xôi đến thành hư ảo.

Tôi chạnh lòng thấy mình có phước, mình là chứng nhân và là người thụ hưởng những hạnh phúc lẽ ra phải dành cho chị. Tôi đã được đi trên con đường đẫm sương và đầy trăng ra bến sông xa vòng tay ngoại đón đò ngược về tỉnh lỵ. Tôi rong chơi cút bắt dưới những tàng cây mà ngoại dành phần cho chị.

Có lẽ những thời khắc ấy chị đắm mình trong sách vở, theo ý chí, sự nghiệp của cậu còn dang dở. Ðáng tiếc khi mộng ước tưởng như đắc thành thì những thay đổi thời cuộc làm ước mơ chị vỡ tan như bong bóng nước.

Ðội lân trong lễ hội dừa Bến Tre. (Hình: Facebook bánh phồng, kẹo dừa, kẹo chuối Thiên Long)
Ðội lân trong lễ hội dừa Bến Tre. (Hình: Facebook bánh phồng, kẹo dừa, kẹo chuối Thiên Long)

6-Tôi hình dung cuộc sống lẻ loi của chị trong cộng đồng người Việt thưa thớt ở Montreal, Canada, chừng như còn lạnh lẽo hơn cả mùa Ðông băng giá ở đây. Từ ngày mợ mãn phần và di cốt được hồi hương đoàn viên với cậu ở quê nhà, chừng như mối liên lạc quan trọng nhất còn lại với quê hương của chị là ngày tảo mộ.

Chị cứ khắc khoải gởi mail, gọi điện cho tôi cho các cháu dặn dò nhờ chăm sóc, hương khói phần mộ cậu mợ từ nhiều ngày trước Tháng Chạp. Tôi hình dung chị ngồi bó mình bên khung cửa sổ, ngoài trời đầy tuyết và thèm nghe hơi gió chướng man mát ở quê nhà và lại nhớ đến ngoại tôi cũng sống hàng chục năm trời vò võ đợi chờ những đứa con đi xa không bao giờ trở lại và những đứa cháu xa bận bịu với cuộc sống đời thường.

7-Tôi muốn gởi đến chị cái gì đó thấm đẫm hương vị quê hương làm quà Tết, cái gì đó riêng biệt nhớ thương của quê nhà. Tôi định gởi mắm, khô những món ăn in sâu ký ức người Việt và dò tìm nguồn mắm Thới Bình đệ nhất mắm lóc của miền Nam nhưng hỏi ra bưu điện không chấp nhận chuyển món hàng này. Cái Tết năm rồi đi qua và tôi trắng tay tự thất hẹn với mình.

Năm nay, qua Facebook, tôi tình cờ làm quen với anh Nguyễn Minh Chiếm, một ông anh khả kính. Anh có nghề truyền thống rất dễ thương là làm bánh phồng, kẹo dừa. Trong cuộc đua cạnh tranh thương hiệu bánh kẹo ầm ĩ hào nhoáng ở Bến Tre anh cũng không tham dự. Anh làm bánh kẹo như người giữ lửa, giữ hồn cho hương vị của Bến Tre, cốt ở cái chất, chứ không ở cái danh cái lợi.

Anh vẫn thường chép miệng kể với tôi về nguồn gốc kẹo dừa chính là của bà Ba Mỏ Cày với cách làm thủ công thuần túy. Lựa từng trái dừa, từng hủ mạch nha nguyên liệu, nấu bằng đường thẻ thủ công màu vàng óng như hổ phách.

Tôi đã tìm về Mỏ Cày, bà Ba đã mất, cô giáo Loan thừa kế vẫn giữ nguyên phong cách ấy. Và anh cũng vậy, viên kẹo, cái bánh của anh thuần túy, tinh túy nguyên liệu tự nhiên và như chứa cái tình của người làm thận trọng chăm chút từ việc đun lửa đến khuấy tay đảo kẹo. Khác hơn bà Ba một chút, anh tự tay mình thiết kế nhãn hiệu Thiên Long và đưa lên mạng xã hội giới thiệu sản phẩm mà không chi tiền quảng cáo.

Câu chuyện của anh như lời đáp cho tôi. Chị ơi! Tết này em sẽ gởi cho chị những chiếc bánh phồng. Không chỉ là cái bánh, mà em gởi cho chị hương nếp thơm trong lửa rơm lúa Nàng Thơm chợ Ðào, gởi cho chị âm ba nhịp quết bánh phồng giữa đêm gió chướng, gởi cả ánh nắng vàng đậu trên những vỉ bánh lá dừa tươi… cả bầu trời không gian quê hương gói trong chiếc bánh phồng mỏng mảnh. Mong rằng hương vị giòn tan của nó thấm cho chị chút ấm tình của đứa em xa.


  • Bài được trích từ Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu 2017
    Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu 2017 phát hành rộng khắp miền Nam California. Độc giả có thể mua tại: Nhật báo Người Việt, 14771 Moran Str, Westminster, CA 92683. Hay các điểm bán báo, nhà sách trong vùng Little Saigon.
    Ở xa, quý độc giả có thể đặt mua qua trang mạng www.nguoivietshop.com.
    Chúng tôi có giá đặc biệt cho các đại lý ở các tiểu bang trên nước Mỹ.
    Liên lạc: 714-933-7945 hoặc 714-933-7931. Email: [email protected]

Bấm vào Đây để mua Giai Phẩm Người Việt Xuân Đinh Dậu

 

MỚI CẬP NHẬT