Friday, April 19, 2024

Gia đình tôi

LGT: Trong cuộc sống có nhiều chuyện mình muốn nói với ai đó, nhưng lại không thể nói trực tiếp được. Không nói được với nhau thì hãy viết cho nhau. Âu đó cũng là cơ hội để giải tỏa những tâm tư, những nỗi niềm. Mục “Viết Cho Nhau” do phóng viên Ngọc Lan phụ trách. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Viết Cho Nhau), 14771 Moran St., Westminster, CA 92683, hay email: [email protected]

Lâm Túy Mĩ

Quyển tiểu thuyết đầu đời tôi được đọc là quyển “Gia Đình Tôi” của nhà văn Duy Lam, ông là hậu duệ của gia đình Nguyễn Tường . Ông thuộc nhóm “Tự Lực Văn Đoàn nối tiếp”, mẹ ông là em gái của nhà văn Nhất Linh, Hoàng Đạo và chị gái nhà văn Thạch Lam.

Mùa Hè 1960, ba tôi lấy quyển tiểu thuyết “Gia Đình Tôi” của Duy Lam, một loại tuyển tập truyện ngắn, ông bắt tôi đọc, và nói rằng ba nghĩ con sẽ thích. Má và anh chị em tôi người nào cũng có thú vui đọc tiểu thuyết, trừ tôi. Tánh tôi không chịu khó, nghe cả nhà bàn tán về cốt truyện trong tiểu thuyết tôi chỉ đọc sơ qua phần nhập đầu và xem những trang cuối phần kết thúc câu chuyện. Thế nhưng tôi lại thích sắp xếp, phân loại sách theo chủ đề, hoặc theo nhóm sách hay theo tên tác giả… Vì tôi cũng thường đến thư viện của trường để mượn bản đồ hoặc sách cho lớp nên để ý cách sắp xếp. Tôi tưởng tượng tủ sách trong nhà sẽ là thư viện bé nhỏ của gia đình. Chị em tôi có ước mơ sau nầy dùng phòng xem mạch hốt thuốc của ông nội trở thành thư viện gia đình, vì phòng đó có rất nhiều ngăn dùng trưng sách, và phòng của bịnh nhân ngồi đợi, sẽ là phòng đọc sách. Ba tôi dạy rằng muốn giỏi môn Việt văn thì phải đọc sách nhiều, ghi chép các câu văn, lời hay, ý đẹp, thu lượm các danh từ, tĩnh từ gợi hình, tả cảnh, tả người của tác giả để khi làm luận thì mình mới có ý tưởng diễn đạt. Sau khi đọc truyện “Gia Đình Tôi” thì quả nhiên tôi thích đọc sách hơn thuở trước, vì nội dung truyện dí dỏm, bao quanh các nhân vật là ba, mẹ và các em của tác giả.

Sáng nay chuẩn bị chiên hột gà ăn sáng, tôi chợt nhớ chuyện ngày còn thơ rồi tự mình cười một mình. Lúc đó, chúng tôi thường hay giỡn, nhất là anh và em trai tôi. Trứng gà chiên ăn sáng, thì nói là “la” thay vì ốp la (oeuf sur plat) hay “lết” tức trứng đánh omelette. Dì Tư bếp hỏi muốn ăn gì, thì nói Mĩ “la”, Diệu “lết”, còn Khải “một la, một lết”.

Thỉnh thoảng ba tôi “khoái ăn sang” (cũng có khi sáng ăn khoai), ông đi Sài Gòn ghé tiệm Thái Thạch mua fromage Suisse, mỗi đứa cầm một thỏi ăn với bánh mì nóng rất ngon, các bạn người Tàu cùng xóm cho là chúng tôi ăn “xà bông”.  Có hôm thì được ăn đồ lạnh như thịt jambon hay xúc xích.

Bà cố, bà nội thì gọi tủ lạnh là cái “fiđe” tức Frigidaire là hiệu tủ lạnh đầu tiên mà đa số những người Việt thời đó gọi sai.  Anh chị em chúng tôi thường gọi nhau là “mụ”.  Hoặc cười lén bà nội hay nói cái “fumi” mình (famille tiếng Pháp nghĩa là gia đình), dì tư bếp hỏi là ăn “laxét”món gì (dessert tráng miệng), dì mua lêghim (legume) về nấu súp. Chai thuốc ho siro hiệu Benadryl thì chúng tôi gọi là Bernadine (tên phim ca nhạc do ca sĩ tài tử Pat Boone thủ vai chánh). Còn thuốc trị ngứa mề đai hiệu Phenergan thì chúng tôi đổi tên là Fernandel tức tên của anh hề nổi tiếng người Pháp có khuôn mặt dài quá cỡ. Chocolat thì chúng tôi gọi là “chó có lác”, dì Tư bếp tưởng chúng tôi nói chó Bambi có “lát”, dì vội “thanh minh thanh nga” là dì tắm chó mỗi ngày làm sao có lác, vì Bambi là nguồn sống của dì.

Lúc mới học tiếng Pháp ông thầy giảng nghĩa và nói nếu thầy hỏi “compris?” tức là hỏi các em có hiểu không thì các em phải trả lời là “oui” hoặc “non”. Về nhà chúng tôi lại giỡn là nếu hỏi “compris?” thì trả lời là “com tức không hiểu” còn trả lời “pris nghĩa là hiểu”.  Em tôi lúc lên 10 tuổi nó thích chơi chữ, có lần nó nói: “ba ghét ‘lơ’, ưa ‘la’,  cả nhà cười quá xá, ba tôi khen trò chơi chữ hay vì ý em muốn nói ba không ưa giống đực (‘le’ tiếng pháp là masculine, còn “lơ” tiếng Việt là chú lơ xe vận tải, chữ ‘la’ tiếng Pháp chỉ là  feminin phái đẹp, cũng có nghĩa tiếng Việt là la rầy vì chú nhậu say ngủ li bì bị ba tôi rầy la). Còn chữ “ngu” thì nói là “ngao”, anh bạn đến nhà chơi, hỏi “ngao” là gì? Má tôi bèn chọc anh là “không hiểu ngao là ngao quá ngao”, thế là cả bọn cười ồ lên.

Bạn thân của ba tôi rất hiền, mỗi lần ba tôi đi Sài Gòn chở bác ngồi kế bên, khi chạy qua các cô gái, bác quay qua ngó, rồi bác lại quay sang ba tôi, bác chỉ nói hai chữ “lỗ” hay “lời”, thì ba tôi hiểu ngay là “xấu” hay “đẹp”. Từ đó chúng tôi có thêm danh từ “lời, lỗ” trong kho lưu trữ tiếng cười của gia đình.

Tôi còn nhớ hồi nhỏ tôi rất thích các cô giáo người Bắc. Trong bữa cơm tôi mới nói là nhà ông bác có nuôi lợn, ba tôi không nghe nên hỏi lại, “nuôi con gì?”, “dạ nuôi con lợn.” Ông hỏi thêm lần nữa, em tôi liền trả lời thay là “nuôi heo.” Thế là ba tôi rầy một phen “nuôi heo thì nói heo sao nói lợn, mê Bắc kỳ, ba gả cho mấy anh cạo mủ cao su trên sở bây giờ.” Thời đó người lớn tuổi trong Nam không hiểu những chữ người Bắc dùng nên họ sợ con cái gia đình người Bắc.  Bạn của má tôi nói má tôi có phước vì 2 chàng rể người Việt, còn bà than 2 chàng rể của bà không phải người Việt mà người Bắc, từ đó anh em chúng tôi giỡn hỏi người Bắc có phải người Việt không? Vì thế thời còn sinh viên các anh người Bắc, Trung đến nhà chơi, chị em tôi phải làm “thông dịch viên” trả lời ông bà nội mệt nghỉ, nên đành phải cho các anh cài số “de”.

Có lần bác Tư, bạn của ba tôi, đến nhà chơi. Ba tôi hỏi thăm con trai bác thi cử thế nào. Bác trả lời: “người thi, hỏi một người.” Từ đó gia đình chúng tôi ưa giỡn với nhau là nếu không muốn trả lời ai thì dùng câu đó, rồi cùng nhau cười ngất.

Viết một vài chuyện vui nho nhỏ để nhớ lại thời gia đình êm ấm vì cha mẹ luôn gần gũi với con cái. Thời nay dường như chiếc điện thoại cầm tay, máy điện toán mới là người bạn thân của trẻ con. Tôi ngại rằng sau nầy các cháu không còn tình cảm gia đình nữa, hy vọng điều tôi lo âu sẽ không xảy ra. (Lâm Túy Mĩ)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT