Thursday, March 28, 2024

Sau chiến thắng, ông Trump bắt đầu dịu giọng

Nguyễn Văn Khanh

Trong thời gian vận động tranh cử, ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump chẳng ngần ngại đưa ra những lời tuyên bố thật hùng hổ để làm “hài lòng” một nửa nước Mỹ, chẳng đếm xỉa gì đến nửa còn lại “kinh ngạc” khi nghe những điều ông nói. Sau ngày thành công, tổng thống đắc cử Donald Trump hé lộ một số điều về chính sách ông sẽ thực hiện sau ngày tuyên thệ nhậm chức, khiến nửa nước Mỹ ủng hộ ông “thắc mắc” không biết ông có giữ đúng lời hứa với họ hay không, nửa còn lại “phân vân,” không rõ ông sẽ làm những gì sau khi đặt chân vào Tòa Bạch Ốc.

Chỉ 48 giờ đồng hồ sau khi chiến thắng, ông Trump bắt đầu hạ giọng, khéo léo cho biết vẫn giữ nguyên những điều đã cam kết với cử tri khi còn vận động kiếm phiếu, nhưng cách làm thì khác những gì ông đã nói trước đây. Lúc tranh cử, ông nhắc đi nhắc lại “sẽ xây bức tường ngăn chia biên giới với Mexico” để ngăn chận làn sóng người từ quốc gia láng giềng trốn vào Mỹ sinh sống, bảo thêm “có cách buộc bên Mexico sẽ phải trả chi phí xây bức tường tuyệt đẹp này.”

Ông còn cam kết sẽ ký sắc lệnh không cho người Hồi Giáo vào Mỹ định cư, cũng như “tôi sẽ yêu cầu Quốc Hội mở phiên nhóm đặc biệt để hủy bỏ hẳn Obamacare,” rồi khoe thêm “tôi đã có cả một kế hoạch, vẫn giúp mọi người có bảo hiểm y tế vừa tốt hơn vừa rẻ hơn,” chưa kể đến lời hứa sẽ lập ủy ban điều tra đặc biệt để xét tội đối thủ chính trị Hillary Clinton, người được ông đặt tên là “người đàn bà gian xảo,” nở nụ cười thật tươi khi thấy những người ủng hộ cùng nhau hò hét câu “nhốt bà ấy vào tù.”

Tổng thống đắc cử Donald Trump hạ giọng ở những điểm nào?

Trong cuộc phỏng vấn dành cho nhật báo The Wall Street Journal, ông cho biết sau buổi gặp gỡ và bàn luận đầu tiên với Tổng Thống Barack Obama, ông đồng ý giữ lại một số điều khoản quan trọng của đạo luật Obamacare như quy định buộc các công ty bảo hiểm phải bán bảo hiểm cho người đang mắc bệnh, hay quy định cho con cái hưởng bảo hiểm chung với bố mẹ cho đến năm 26 tuổi. Theo ông Trump, ông “rất thích những điều khoản này,” và còn tỏ ý cho thấy có thể ông chỉ đề nghị Quốc Hội sửa đổi Obamacare sao cho tốt hơn, hữu hiệu hơn, không đòi hỏi lập pháp phải hủy bỏ hẳn đạo luật này như ông từng hứa.

Cũng trong cuộc phỏng vấn, ông tránh né trả lời câu hỏi còn giữ ý định lập ủy ban điều tra để hạch tội bà Clinton hay không, cho hay “đó không phải là điều tôi (bỏ thì giờ) suy nghĩ, vì tôi muốn (dành thì giờ) giải quyết chuyện bảo hiểm y tế, tạo việc làm, an ninh biên giới, cải tổ thuế (để giảm thuế cho người dân).” Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình “60 Minutes” của đài CBS, ông còn ngợi khen bà Clinton là “người phụ nữ (có ý chí) mạnh mẽ và thông minh.”

Vị tổng thống đắc cử của nước Mỹ không nhắc tới những điều khác mà ông đã hứa với cử tri, nhưng phát biểu của các nhân vật thân cận nhất với ông cũng cho thấy ông quả đã dịu giọng hơn trước. Chẳng hạn như về chuyện xây tường và bắt chính phủ Mexico phải trả tiền, ông cựu Chủ Tịch Hạ Viện Newt Gingrich tiết lộ: “Tổng Thống Trump sẽ dành nhiều thì giờ để giải quyết chuyện an ninh biên giới, nhưng ông có thể không bỏ nhiều thì giờ vào chuyện làm sao bắt chính phủ Mexico phải trả chi phí xây bức tường.”

Trong cuộc phỏng vấn trên đài CNN, ông cố vấn Rudy Giuliani, người được dự đoán sẽ giữ chức bộ trưởng Bộ Tư Pháp hoặc bộ trưởng Bộ Nội An, cũng nói “trong 100 ngày đầu tiên, Tổng Thống Trump sẽ đặt trọng tâm vào chương trình giảm thuế cho dân,” không vội vã bàn tính đến kế hoạch xây tường ngăn chia biên giới Hoa Kỳ-Mexico. Theo ông Giuliani, “chắc chắn Tổng Thống Trump sẽ làm. Đây là lời hứa với cử tri, Tổng Thống Trump sẽ giữ đúng lời đã hứa,” nhưng không cho biết bao giờ bức tường sẽ được xây.

Nếu chưa vội xây bức tường, liệu ông Trump có bắt đầu thực hiện cam kết trục xuất 11 triệu di dân bất hợp pháp về nguyên quán và không cho người Hồi Giáo vào Mỹ định cư hay không? Cho đến chiều Thứ Bảy, 12 Tháng Mười Một, tin được những người quen biết với cánh ông Trump tung ra cho hay “vẫn đang bàn cãi xem nên thực hiện như thế nào, và bao giờ sẽ thực hiện.” Nhiều lý do được đưa ra, từ chuyện “ban tham mưu của ông Trump không muốn làm mất lòng tập thể cử tri Latino đã bỏ phiếu ủng hộ,” cho tới việc “phải cân nhắc xem ý kiến cấm cửa người tị nạn Hồi Giáo có vi hiến, đi ngược lại với căn bản đạo đức của nước Mỹ hay không.”

Một yếu tố khác nữa cũng được ban tham mưu của ông Trump nói tới: “bên Clinton” có sẵn các nước đồng minh Hồi Giáo ở Trung Đông, Châu Á và Châu Phi, “Tổng Thống Trump muốn bắt tay làm việc với mọi quốc gia, vì thế trong thời gian sát ngày bầu cử, ông có nói chỉ cấm cửa những người đến từ các nước đang có khủng bố mà thôi.” Theo The Wall Street Journal, điều đó có nghĩa là có thể chính phủ Trump vẫn chào đón tị nạn di dân Hồi Giáo “nhưng với điều kiện phải điều tra thật kỹ trước khi cho họ vào Mỹ.”

Cũng liên quan đến ngoại giao và an ninh, ứng cử viên Donald Trump từng lên tiếng chỉ trích bản hiệp ước “ngu xuẩn chưa từng thấy” mà Tổng Thống Obama đã ký kết với Iran hồi năm ngoái, kể tội “ngu xuẩn tới mức giao cho họ (Iran) cả tỷ bạc tiền mặt để họ tiếp tục chế tạo võ khí nguyên tử và nuôi bọn khủng bố” dọa “sẽ bắt Iran điều đình lại, bắt họ phải tuân theo những điều kiện tôi đặt ra để bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ.” Cam kết này được ông phó Mike Pence phụ họa, nói một trong những điều “Tổng Thống Trump sẽ làm là xé bỏ bản hiệp ước” chính quyền Obama đã ký với Iran.

“Sự thật không hẳn đúng như thế” là nội dung những điều được ông cố vấn ngoại giao Walid Phares trình bày trong cuộc phỏng vấn dành cho BBC hôm Thứ Năm tuần này. Trước hết, ông Phares nói rõ “đương nhiên chính phủ Trump không chấp nhận bản hiệp ước,” nhưng “nếu bảo rằng Tổng Thống Trump sẽ xé bỏ bản hiệp ước này thì hơi quá.”

Ông Phares, một chuyên gia về Trung Đông từng đứng trong dàn tham mưu của ứng cử viên Cộng Hòa Mitt Romney, tiết lộ sau ngày vào Tòa Bạch Ốc “Tổng Thống Trump sẽ duyệt xét lại toàn bộ bản hiệp ước, sau đó gửi thư sang Quốc Hội yêu cầu được sửa đổi một vài điều hoặc bắt buộc Iran phải thi hành thêm một vài điều (không có trong bản hiệp ước hiện giờ).” Ông Phares cũng báo trước “cuộc tranh luận (giữa hành pháp và lập pháp) sẽ rất sôi nổi,” trước khi hai bên đồng ý “những điều khoản nào phải sửa đổi và buộc Iran phải làm thêm những gì.”

Điều cũng cần phải nói tới, đó là chưa có lời giải thích nào được đưa ra để trả lời câu hỏi tại sao ông Trump lại dịu giọng, nhưng theo quan sát viên Aaron Blackman, “trong quá khứ, ông Trump đã nhiều lần dịu giọng, vài ngày sau lại chứng nào tật nấy.” Lần này, “tôi hy vọng ông điềm tĩnh hơn, vì chẳng bao lâu nữa, ông sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ.”

MỚI CẬP NHẬT