Friday, April 26, 2024

Vua Bhumibol, ‘Phật vương’ của Thái Lan

Lê Phan

“The King is dead- Long live the king” (Quân vương đã qua đời. Hoàng thượng vạn tuế), cái câu mở đầu cho mọi loan báo một vị vua qua đời ở Anh Quốc và một vị vua mới lên trị vì, tuy vậy không biết có áp dụng cho Thái Lan hay không, bởi Vua Bhumibol Adulyadej đã qua đời nhưng liệu Thái Tử Maha Vajiralongkorn có nối tiếp nổi sự nghiệp của vua cha lại là chuyện khác.

Vua Bhumibol, lên ngôi khi vương quốc này còn được gọi là Siêm ngay sau Đệ Nhị Thế Chiến, đã trị vì hơn 70 năm, tự tạo cho mình trở thành một biểu tượng cho quốc gia Thái, qua đời ở Bangkok hôm 13 Tháng Mười vừa qua, hưởng thọ 88 tuổi và là vị vua trị vì lâu nhất trong lịch sử nhân loại.

Nhà vua là một biểu tượng đoàn kết trong quốc gia phân cực nghiêm trọng này, và cái chết của ngài đã tạo thêm bất định trên toàn đất nước và đặt câu hỏi cho tương lai của Thái Lan và của chính vương quyền.

Chính quyền quân phiệt, vốn dành quyền trong cuộc đảo chánh cách đây hai năm, đã đạt chính nghĩa qua nhà vua. Nhưng Thái Tử Vajiralongkorn, bị nhiều người coi là một cậu playboy, không có được sự kính nể như của Vua cha. Mặc dầu nhà vua trải suốt mấy năm nay trong bệnh viện, hình ảnh của nhà vua hiện diện ở khắp nơi, và với sức khỏe của ngày càng suy yếu, những tấm bảng “Hoàng thượng vạn tuế” đã cho thấy sự lo ngại cho một tương lai không có ông. Ngược lại, nhà vua đã bận tâm vì các thần dân đã cảm thấy bất an đến vậy.

Nhân dân Thái đã coi ông như là một “Phật vương,” một người cha già hoàn toàn dành trọn đời cho sự sống an lành của con dân, và biểu tượng cho ổn định trong một quốc gia mà biểu tình bạo động và đảo chánh thường xuyên xảy ra.

Cái chết của ông chấm dứt một triều đại dài 70 năm và 126 ngày, một triều đại mà khó có nhà vua nào có thể so sánh được, ngoại trừ có lẽ nữ hoàng Anh, nay đã cai trị Anh Quốc hơn 64 năm.

Tình cờ làm vua

Vua Bhumibol tình cờ mới lên làm vua, với ngai vàng truyền sang cho ông vào năm mới có 18 tuổi sau cái chết của người anh lớn vào năm 1946.

Nhà vua không thích những điều mà Tây phương gán cho quốc gia mình. Ông chê vở kịch “The King and I” vốn kể lại triều đình của ông nội của mình. Và như là một vị cha già nghiêm khắc, ông sẵn sàng quở trách con dân khi thấy cần.

Trong một cuốn sách do chính ông viết mang cái tên “Câu chuyện của Tongdaeng” xuất bản năm 2002, về một con chó hoang được nhà vua nuôi, là một thông điệp rằng những người Thái giàu có hơn hãy đừng mua các loại chó mắc tiền nhập cảng trong khi có biết bao chó hoang cần được cứu.

Mặc dầu là một vị vua của nhân dân, vua Bhumibol trầm lặng và hơi xa vời. Là một người tính tình nghiêm nghị, nhà vua sống cô độc trong các cung điện của hoàng gia, bảo vệ bởi những luật khi quân thật khắt khe, vốn thực sự ngăn cản mọi bàn luận công khai về hoàng gia, và đồng thời tạo nên những thì thầm bàn tán và đồn đãi.

Nhưng nhà vua cũng có những thú vui nghệ thuật. Chào đời ở Cambridge, Mass, khi cha đang theo học ở viện đại học Harvard, nhà vua được giáo dục ở Thụy Sĩ, nói thông thạo tiếng Anh và tiếng Pháp, soạn nhạc, chơi nhạc jazz với đàn clarinet và saxophone, viết văn, vẽ, thích chụp hình và trải nhiều giờ trong nhà kiếng của Điện Chitrlada ở Bangkok.

Sau khi lên ngôi, ông trao quyền cho nhiếp chính, và trở lại Thụy Sĩ học tiếp, nhưng một khi rời Âu Châu, nhà vua không đi đâu nữa. Không thích cuộc sống jet set, ông không đi ngoại quốc, nói là còn quá nhiều việc ở nhà. Ông thích đi thăm mùa màng ở các làng xã xa xôi, áo sơ mi hở cổ và một cái sport coat, chăm nom cho nhiều ngàn các dự án phát triển mà nhà vua đã khuyến khích và giám sát: từ các xưởng khử trùng cho sữa, các đập nước dẫn thủy nhập điền, các nhà máy để tái chế cọng mía sau khi lấy hết bã và bông súng thành nhiên liệu và vô số những dự án khác.

Trong các cuộc khủng hoảng chính trị, người Thái thán phục nhà vua cho sự khôn ngoan nhận thấy lúc nào có thể can thiệp – đôi khi chỉ là một cử chỉ – để hạ nhiệt, ngay cả tuy chỉ là một nhà vua quân chủ lập hiến với không có quyền chính trị trực tiếp.

Năm 1982, nhà vua đã phá một cuộc đảo chánh bằng cách đơn giản mời Thủ Tướng Prem Tinsulanonda, đang bị đe dọa, đến ở tại hoàng cung với nhà vua và hoàng hậu. Năm 1992, nhà vua mắng hai chính trị gia đang tranh giành quyền lực đã được mời vào quỳ dưới chân “Chúng ta đang đánh nhau trong nhà. Thật là vô nghĩa lý nếu sống mà chỉ còn đống gạch vụn bị thiêu rụi.” Sự can thiệp này đã giúp cho Thái Lan được một thời gian dài có một chế độ dân chủ ổn định. Nhưng sự xuất hiện của chính trị mỵ dân của ông Thaksin Shinawatra đã kết thúc giai đoạn đó.

Thái Lan đã chuyển đổi trong triều đại của ông, từ một nền kinh tế đa phần là canh nông đến trở thành một nền kinh tế kỹ nghệ hóa và doanh nghiệp phồn thịnh và một dân số trung lưu ngày càng tăng. Nhà vua đã chủ trì sự nới rộng tiến trình dân chủ, nhưng nay thì nó đang bị đình chỉ. Nhà vua đã chứng kiến cả chục cuộc đảo chánh thành công của quân đội và mấy lần dân chúng tìm cách nổi dậy, nhưng trong những năm cuối, với sức khỏe suy yếu, nhà vua đã không làm gì được để chặn biểu tình bạo động và chỉ đưa ra những kêu gọi mơ hồ cho đoàn kết và trao chính nghĩa cho nhiều cuộc đảo chánh.

Trong khi đó sự rạn nứt do nền dân chủ đưa ra khiến đất nước chia hai: một bên là phe đương quyền với hoàng gia là nền tảng, bên kia là những kẻ bị bỏ rơi, đòi hỏi một tiếng nói chính trị nhưng lại đe dọa trật tử cổ truyền.

Đứng giữa hai phe phái này là nhà vua, một biểu tượng trấn an của đoàn kết, đến nỗi mà nhà vua đã muốn tìm cách giảm thiểu sự tôn thờ quá mức chính mình. Hồi năm 2001, trong bài diễn văn Xuân Thu nhị kỳ, Vua Bhumibol nói, “Tiếng Anh có câu nhà vua bao giờ cũng hạnh phúc hay ‘hạnh phúc như một ông vua – điều đó không đúng tí nào cả.’” Một lần khác, trong bài diễn văn nhân ngày sinh nhật hồi năm 2005, nhà vua nói niềm tin là nhà vua không làm cái gì sai là “một sự sỉ nhục cho nhà vua.” Ông hỏi, “Tại sao nhà vua không làm gì sai? Điều này chứng tỏ người ta không coi nhà vua là con người. Nhưng nhà vua có thể có hành động sai trái.”

Cuộc đời

Bhumibol Adulyadej chào đời ở Cambridge, Mass vào ngày 5 Tháng Mười Hai năm 1927, con trai của Hoàng Tử Mahidol của Songkla, người đã sáng lập ra y khoa hiện đại cho Thái Lan. Hoàng tử Mahidol đang học y tế công cộng ở Harvard. Mẹ của ông, Công Chúa Sangwalya Chukramol, là một sinh viên Thái đang đi học về y tá ở trường Simmons College ở Boston khi gặp hoàng tử. Bhumibol có một người anh là Ananda và một người em là Công Chúa Galyani Vadhana.

Vua Bhumibol và cha ông là người thừa kế của một truyền thống vương quyền canh tân bắt đầu bởi Vua Mongkut từ thế kỷ thứ 19 và gia tốc bởi Vua Chulalongkorn, vốn là ông nội của Bhumibol. Mongkut và Chulalongkorn là vua và hoàng tử trong cuốn tiểu thuyết “Anna and the King of Siam” của bà Margaret Landon viết hồi năm 1943, dựa trên tự truyện của bà Anna Loenowens. Đây là cuốn tiểu thuyết đã dẫn đến vở kịch và cuốn phim.

Bhumibol mới lên 2 khi cha qua đời, và bà mẹ, mà ông rất gần, đưa con sang Thụy Sĩ đi học. Cuộc sống ấm áp của gia đình họ bị gián đoạn năm 1935 khi vị vua với quyền tuyệt đối cuối cùng của Thái Lan, Vua Prajadhipok, anh em cùng cha khác mẹ của Hoàng Tử Mahidol từ ngôi sau một cuộc đảo chánh. Ngai vàng truyền sang cho người con trai lớn nhất của Hoàng Tử Mahidol là Hoàng Tử Ananda mới 10 tuổi.

Vua Ananda vừa mới tròn 20 khi vào ngày 9 Tháng Sáu năm 1946, nhà vua được tìm thấy trong phòng riêng với một viên đạn bắn vào đầu. Bhumibol là người cuối cùng trong gia đình gặp vua, nhưng ông không bao giờ lên tiếng về cái chết và đã có những tin đồn là ông vua trẻ, một người thích sưu tập súng, có thể tự tử hay bị tai nạn vì súng. Bhumibol, tuy không nằm trong hàng trực hệ kế tục, được đưa lên làm vua vì Vua Ananda không có con. Nhà vua ngay sau đó trở lại Thụy Sĩ và tiếp tục học chính trị và lịch sử ở viện đại học Lausanne.

Trong một chuyến đi thăm Paris, ông gặp Sirikit Kitiyakara, mà cha cũng là một hoàng thân, đang làm đại sứ Thái Lan ở Pháp. Họ lập gia đình năm 1950, năm mà Vua Bhumibol chính thức lên ngôi với vương hiệu Rama IX của triều đại Chakri.

Hồi năm 1988, trong một cuộc phỏng vấn đầu tiên với báo chí Tây phương trên tờ The New York Times, Vua Bhumibol nói một cách cay đắng về giai đoạn đầu của triều đại mình. Ông cho biết nhiều lần bị các ông tướng ngăn cản khi tìm cách khẳng định vị thế của mình, thành ra quyết định tập trung vào điều có thể làm được tốt nhất trong khuôn khổ quyền hành hạn chế. Ông tập trung vào phát triển kỹ nghệ và canh nông, một khu vực mà quân đội không thách thức được nhà vua mà không làm hại đến sự ủng hộ vốn rất mong manh của dân chúng cho chế độ của họ.

Từ đó, nhà vua bắt đầu đi khắp nước, tạo một cách có hệ thống xây dựng liên hệ với dân chúng từ trên thượng tầng ở thành thị đến các dân làng ở thôn quê. Đó cũng là chiến lược được Vua Norodom Sihanouk ở nước láng giềng Cambodia bắt chước trong cố gắng tạo một vị thế để dìu dắt đất nước mình qua những năm tháng xáo trộn rối ren.

Sử gia David K. Wyatt, tác giả của cuốn sử “Thailand: A Short History” đã nói nhà vua đã biến vương triều thành một định chế mạnh mẽ nhất cả về xã hội lẫn chính trị.

Hoàng Hậu Sirikit, thường đau yếu, có vẻ vì lý do tâm thần, cố theo cho kịp nhà vua khi ông đi thăm khắp nước, chăm sóc cho hơn 1,200 dự án phát triển mà ông đã nuôi dưỡng. Bà tập trung vào việc phục hưng tiểu thủ công nghệ Thái.

Nhà vua và hoàng hậu có bốn người con. Công Chúa Trưởng Ubol Ratana, tốt nghiệp viện đại học MIT và lập gia đình với một người Mỹ, sống nhiều năm ở California cho đến khi ly thân mới trở về Thái năm 2006.

Trẻ nhất, Công Chúa Chulabhorn, học hóa học hữu cơ và lập gia đình với một người Thái thường dân.

Hoàng Tử Vajiralongkorn là con trai độc nhất. Giữa ông vào công chúa út là Công Chúa Sirindhorn, chưa bao giờ lập gia đình, đã để cả cuộc đời giúp vua cha trong các dự án của ông. Trong nhiều năm công chúa được coi như là được dân chúng ưa chuộng nhất nước Thái, một điều khiến đã có lúc có đồn đoán là công chúa có thể lên thay thế ông anh.

Đến cuối triều đại của nhà vua, các ông tướng tìm cách gây một chút thanh thế cho Hoàng Tử Vajiralongkorn và tìm cách lập một liên minh với hoàng tử để củng cố địa vị của họ.

Trong cuộc phỏng vấn hồi năm 1988, Vua Bhumibol giải thích tại sao ông không thích cuốn phim và vở kịch “The King and I.” Ông bảo họ đã đưa ra những huyền thoại láo lếu như “anh em cùng cha khác mẹ với mặt trăng và mặt trời…” Ông bảo ông cảm thấy “khó chịu” khi phải sống theo huyền thoại tạo bởi các nhà văn Tây phương. Ông bảo, “Họ muốn nói chuyện thần tiên để mua vui cho người ta hơn là để nói sự thật.” Nhà vua bảo ông không cần biết lịch sử sẽ nhớ mình như thế nào. Ông nói, “Nếu người ta muốn viết về tôi một cách tốt đẹp họ nên viết về những việc có ích mà tôi đã làm.”

Thật ít có một vị vua có thể tự hào để bảo những sử gia hãy nhìn vào “những việc có ích” mà ông đã làm. Nhưng vương triều của ông, dựa trên cá nhân ông, không biết có thể giữ nổi vị thế một khi ông không còn nữa.

MỚI CẬP NHẬT