Wednesday, April 24, 2024

Gia đình thủ tướng Singapore tranh chấp căn nhà của Lý Quang Diệu

Hà Tường Cát/Người Việt (tổng hợp)

Sau hai tuần lễ im lặng, Thủ Tướng Singapore Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) hôm Thứ Hai lên tiếng trước Quốc Hội, nói về việc hai người em ruột tố cáo ông lạm dụng quyền lực trong ý định giữ lại căn nhà cũ của người cha, cố Thủ Tướng Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew), qua đời năm 2015.

Ðây là một trường hợp hiếm thấy ở mọi quốc gia chứ không chỉ riêng Singapore, một nước nhỏ có diện tích 720 km2, dân số 5.5 triệu, nhưng có nền chính trị ổn định và kinh tế phát triển nhất trong khối ASEAN.

Thủ Tướng Lý Hiển Long cho biết năm 2011 cựu Thủ Tướng Lý Quang Diệu nói với gia đình rằng cách tốt nhất là tân trang lại căn nhà số 38 đường Oxley như đề nghị của ông và bà vợ Hà Tinh (Ho Ching). Ông Lý Quang Diệu đã sống và từng hội họp với các chính trị gia tranh đấu cho nền độc lập Singapore từ buổi đầu trong thập niên 1950 ở đây, một căn nhà gỗ kiểu “bungalow” nằm gần khu thương mại Orchard Road nổi tiếng của Singapore.

Thủ Tướng Lý Hiển Long nói rằng theo dự định của vợ chồng ông, di tích lịch sử này cần được bảo vệ nhưng sẽ được tân trang toàn bộ ngoại trừ phòng ăn, nơi các nhà lãnh đạo đã họp hơn nửa thế kỷ trước, sẽ được gìn giữ nguyên vẹn.

Hai người em của Thủ Tướng Lý Hiển Long, 65 tuổi, là bà Lý Vĩnh Linh (Lee Wei Ling), 63 ruổi, và ông Lý Hiển Dương (Lee Hsien Yang), 59 tuổi, không đồng ý với kế hoạch ấy, họ muốn phá bỏ hoàn toàn căn nhà để xây dựng mới. Trong một thông cáo đưa ra hơn hai tuần lễ trước, ngày 14 Tháng Sáu, họ cho rằng ông Lý Hiển Long lạm dụng quyền hành trong việc này vì muốn củng cố vị thế chính trị cho cá nhân mình. Họ tố cáo thủ tướng triệu tập một ủy ban đặc biệt cấp bộ trưởng để ngăn cản việc phá bỏ căn nhà như ý nguyện cuối cùng của ông Lý Quang Diệu. Bà Linh và ông Dương dùng các mạng xã hội để tấn công ông thủ tướng và đưa vấn đề ra trước công chúng.

Hiện nay, hai người không giữ chức vụ chính thức nào trong chính quyền, nhưng cùng với ông Lý Hiển Long đã đóng góp rất nhiều cho thân phụ trong việc xây dựng đảng Hành Ðộng Nhân Dân (People ‘s Action Party-PAP), nắm chính quyền từ năm 1959 và hiện nay vẫn chiếm 83 trong 89 ghế nghị sĩ Quốc Hội. Do đó, xung đột trong gia đình quyền lực này ảnh hưởng đến niềm tin của dân chúng đối với chính quyền và tổn hại danh tiếng mà Singapore đã có lâu nay.

Quan điểm chia rẽ trong gia đình họ Lý một phần do ở cách giải thích ý nguyện của cố Thủ Tướng Lý Quang Diệu. Từ năm 2011, ông Lý Quang Diệu không có một quyết định rõ ràng nào về căn nhà này, nhưng tán thành việc tân trang chứ không phải là phá hủy. Và tới Tháng Ba 2012, ông ký giấy chấp thuận kế hoạch của Thủ Tướng Lý Hiển Long. Theo ông Long, bản chúc thư cuối cùng của cố thủ tướng năm 2013 đã được sửa đổi so với hai bản trước để thêm vào đó điều khoản phá hủy căn nhà. Bản chúc thư cuối cùng này do bà vợ của ông Lý Hiển Dương, một luật sư hàng đầu ở Singapore, giúp soạn thảo, không những thêm điều khoản đó mà còn để cho người con thứ ba hưởng thừa kế 1/3 gia sản.

Trong một cuộc phỏng vấn của tờ Post, ông Lý Hiển Dương giải thích rằng ông và bà Lý Vĩnh Linh hành động chỉ vì muốn tôn trọng ý nguyện của người đã khuất. Sinh thời, Thủ Tướng Lý Quang Diệu vẫn công khai nói là không muốn người lạ bước vào căn nhà ông đã sống trong 70 năm. “Do đó, không có lợi ích cá nhân nào có thể cân xứng với nguyện vọng ấy,” ông Dương cho biết. Ông cho rằng vì không có cách gì khác để bênh vực quan điểm ấy và bộc lộ sự thật với dân chúng Singapore nên ông và bà Linh phải hành động như vậy.

Thủ Tướng Lý Hiển Long cho rằng tất cả những lời cáo buộc là vô căn cứ.

Ông nói: “Tôi đã làm thủ tướng 13 năm và có đủ hào quang, sự tồn tại của căn nhà không giúp thêm gì cho điều ấy.”

Ông cũng phủ nhận cáo buộc ông và bà vợ Hà Tinh có những tham vọng để dành căn nhà cho đứa trai con thứ ba, tốt nghiệp đại học MIT ở Mỹ. Theo ông, người con trai này không có ý định tham gia chính trị, chỉ muốn làm công việc kỹ thuật chuyên môn.

Trong bài phát biểu trước Quốc Hội, Thủ Tướng Lý Hiển Long ngỏ lời xin lỗi về chuyện xảy ra tranh chấp gia đình và nguyện sẽ phản biện cáo buộc của hai người em về lạm dụng chức quyền. Tuy nhiên, ông xác định là sẽ không kiện hai người em.

Ông nói: “Làm như thế là bôi bẩn danh giá của cha mẹ chúng tôi vì dù sao chúng tôi là anh em, con chung của bố mẹ.”

Nhưng ông cam kết mọi chuyện sẽ được làm trong sáng, hợp pháp và hữu lý. Thủ Tướng Lý Hiển Long cũng ra lệnh bãi bỏ nội quy kỷ luật đảng để cho các nghị sĩ thuộc đảng PAP có thể tự do trình bày ý kiến và chất vấn ông.

Tranh chấp trong nội bộ gia đình họ Lý ở Singapore tuy vậy sẽ không mau chóng và dễ dàng kết thúc vì vai trò của những nhân vật liên hệ trong vụ này. Như đã đề cập, cả ba người con của cố Thủ Tướng Lý Quang Diệu đều là những người hoạt động tích cực đóng góp vào việc xây dựng chế độ Cộng Hòa Singapore và gia đình họ Lý nắm nhiều vai trò chủ yếu trong mọi lãnh vực hoạt động của đất nước nhỏ bé nhưng hùng mạnh này.

Ông Lý Hiển Dương, một cựu tướng lãnh, hiện nay giữ nhiều chức vụ ở các công ty xí nghiệp ngân hàng đầu tư và là chủ tịch cơ quan Hàng Không Dân Sự Singapore. Bà Lý Vĩnh Linh là một bác sĩ thần kinh nổi tiếng, cố vấn viện thần kinh Singapore và là bình luận gia của The Straits Times, tờ nhật báo hàng đầu ở Singapore. Ba người con của ông Lý Hiển Dương cũng như của ông Lý Hiển Long đều tốt nghiệp đại học Mỹ và được coi là thuộc giới trẻ ưu tú hay lãnh đạo tương lai của Singapore.

Điểm tin buổi sáng Thứ Năm, ngày 6 tháng 7 năm 2017

MỚI CẬP NHẬT