Friday, April 26, 2024

Không nên để chồng đi Việt Nam một mình

 

LTS: “Biết Tỏ Cùng Ai” do cô Nguyệt Nga phụ trách, nhằm mục đích góp ý, chia sẻ những ưu tư, vướng mắc về những vấn đề liên quan đến cuộc sống, đời thường mà quý vị không biết tỏ cùng ai. Thư từ xin gửi về: Người Việt (Biết Tỏ Cùng Ai), 14771 Moran St. Westminster, CA 92683, hay email: [email protected]

 

Thưa cô Nguyệt Nga, hai vợ chồng em lấy nhau rất sớm, cả hai đứa lúc ấy chỉ mới 18 tuổi, tụi em lại có con ngay, nên giờ này hai con em đã lớn mà tụi em lại còn quá trẻ. Nói là tụi em quá trẻ, chứ thật ra là chồng em trông trẻ hơn em nhiều lắm. Anh ấy chỉ mới 38 tuổi, ra đường nói chưa vợ có khối người tin. Ngay cả khi con gái em đi với bố, còn có người lầm là bạn trai của nó. Nhiều bạn bè em khuyến cáo phải canh chừng ảnh, nhưng em nghĩ vợ chồng là duyên số, cái gì của mình là của mình.

Đến nay thì em mới ngộ ra, suy nghĩ trên của em chỉ là do em tự tin quá, cái loại tự tin tếu đó mà. Tức là em chưa hề thấy quan tài nên không biết đổ nước mắt là gì.

Nay thì em biết rồi!

Hai vợ chồng em cứ mỗi hai năm lại về Việt Nam thăm hai bên nội ngoại. Chuyến rồi vì bận, em để cho chồng đi một mình. Vậy là có biến ngay. Sau đó đứa em gái gọi qua, báo cho em biết, chồng em có vợ bé, một cô làm ở tiệm cắt tóc dưới Cần Thơ, cô ấy vừa mới sinh thằng con trai. Em nghe mà bủn rủn tay chân. Em còn nghe cô ta bồng con đến nhà mẹ chồng em và được bà tiếp đón nồng hậu.

Từ chuyện này, em mới bắt đầu coi lại nhà bank, lục lọi trong xe, túi áo… Hóa ra lâu nay, chồng em gửi về $400 hàng tháng cho mẹ con cô ta. Ngoài ra thường xuyên đến mấy chỗ gửi hàng, để gửi tả lót, sữa… Hèn chi mà em vẫn thấy anh ấy đem sữa về nhà, đóng thùng. Anh ấy nói mẹ bệnh nên hàng tháng phải gửi sữa về.

Em thật ngu dốt để người ta lừa trước mũi mà không biết. Trong khi bản thân lo tằn tiện từng đồng từng xu. Em đi làm mà chỉ có hai cái quần jean, mua giống y chang nhau, để đồng nghiệp không biết mình chỉ có hai cái quần đi làm. Có nhiều hôm weekend muốn không nấu nướng, vợ chồng con cái đi ăn ngoài, nhưng tính toán lại thấy hao tốn, vậy là è lưng ra nấu. Nhà không dám xài máy rửa chén vì sợ hao nước, hao điện. Em thì thường dậy sớm để làm công việc nhà trước khi đi làm, thế mà, nhà lạnh cóng cũng chỉ co ro chịu chứ không dám mở heater, sợ tốn điện… Em ngu quá, tiền em tiết kiệm là để chồng gửi về Việt Nam nuôi con riêng!

Thật sự người mà em tức nhất trong chuyện này là bà mẹ chồng của em. Tại sao bà có thể tiếp đón cô kia trong khi em vẫn còn là dâu của bà? Em vẫn là mẹ hai đứa cháu ngoan của bà. Hay là bà nghĩ em không sinh được con trai, mà cô kia thì đã sinh ra một cháu đích tôn cho bà!? Em nghĩ nên để mình có bầu không? Em vẫn có thể, vì em chỉ mới 38 tuổi, khỏe mạnh. Em có nên dùng đứa con để lấy lại chồng không?

Em có nên gặp mẹ chồng để nói lên nỗi bất bình của mình không? Em chưa nói gì với chồng em cả, và hình như chồng em chưa biết là em đã rõ mọi chuyện.

Giữ một chuyện như thế trong lòng, nó khiến em già đi từng ngày thưa cô Nguyệt Nga.

Tuyet Trang

Góp ý của độc giả:

*Binh Tran:

Đừng bao giờ để chồng đi Việt Nam một mình trừ phi muốn kiếm cớ để ly dị chồng! Mến.

*Tranainhan:

Nhìn rõ bản thân mình một chút nữa… Bản thân mình cũng đang làm mẹ, tự hỏi mình sẽ rõ hơn! có lẽ bạn nên tự thay đổi bản thân mới đúng.

*N.B

Câu chuyện của gia đình em cũng là chuyện thường xảy ra ở những gia đình khác, khi mà đời sống thì dài lâu, còn lòng người lại thường hay thay đổi. Thế nhưng để giải quyết vấn đề này cho ổn thỏa lại rất khó khăn phức tạp. Vì nó thuộc về phạm trù tình cảm-lý trí, tùy thuộc vào mối tương quan giữa người với người, tùy thuộc vào tính cách, trình độ, nếp suy nghĩ của từng người trong mối liên hệ rối bòng bong này.

Em hãy bình tĩnh suy nghĩ thật kỹ xem mình muốn gì? phải làm gì? trước khi bắt tay giải quyết. Em phải nhớ là muốn kết tội hay thỏa hiệp với ai, mình phải có bằng chứng cụ thể, chính xác, để không ai có thể loanh quanh chối tội. Hãy nhờ em gái của em giúp có được hình ảnh, tên tuổi, địa chỉ, thông tin liên quan đến cô gái ấy. Sau đó em nói chuyện trực tiếp với mẹ chồng, hỏi xem bà suy nghĩ gì, mong đợi điều gì khi vui vẻ tiếp đón người phá hoại hạnh phúc gia đình con trai mình? Với chồng, hãy hỏi xem gia đình này có giá trị như thế nào. Đối với anh ấy, em làm điều gì sai khi chỉ biết quên mình, chỉ lo tiết kiệm vun quén bảo vệ hạnh phúc gia đình, tin tưởng tuyệt đối vào chồng, rằng với tình nghĩa của 20 năm gắn bó keo sơn, chồng sẽ cùng với mình chia sẻ vui buồn đến suốt cuộc đời. Em đã tin tưởng đến độ gác ngoài tai những lời cảnh báo của bạn bè, rằng phải quản lý chồng thật chặt, đừng có lơ đểnh mà gánh hậu quả không hay.

Sau khi đã biết được suy nghĩ, tình cảm còn lại, mong muốn của mẹ chồng và nhất là của chồng, em hãy tự đánh giá chính mình xem mình muốn mọi việc sẽ xảy ra như thế nào, để có thể giải quyết cho tốt.

Có 2 trường hợp có thể xảy ra :

– Em thuộc tuýp người mạnh mẽ, thẳng thắn, dứt khoát không thể sống chung với người chồng đã lừa dối mình thì hãy li dị. Em còn trẻ và kiên định nên vẫn có thể làm mẹ đơn thân nuôi 2 con tử tế và mưu cầu hạnh phúc cho mình sau này. Vấn đề là em có thể vượt qua cú shock bị đánh cắp một nửa cuộc sống của mình. Em mất chồng, con em mất cha, tài sản em dày công vun quén phải chia đôi, em có thể bình thản sống được không? Nếu dứt khoát được thì em sẽ đỡ nhức đầu vì ghen tuông, dằn vặt sau này.

– Em không cam tâm để người khác dễ dàng cướp đi những gì đã thuộc về mình, thì hãy mạnh mẽ, thông minh giữ chồng, giữ với thái độ kiên cường nhưng mềm mỏng, giữ hòa khí trong gia đình luôn đầy ắp tình cảm yêu thương đầy những tiếng cười. Hãy cải thiện bản thân mình hơn, sao cho mình luôn có sự hiểu biết tinh tế, lời nói ngọt ngào tế nhị, có một bề ngoài sạch sẽ, tươm tất, thẩm mỹ để chồng luôn có cảm giác thoải mái, hạnh phúc, hãnh diện khi ở bên cạnh. Đừng khóc lóc, gào thét, chì chiết, đầu bù tóc rối suốt ngày, không giải quyết được gì mà chỉ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Hãy tỏ rõ cho chồng biết em và các con yêu thương và cần anh ấy như thế nào. Chỉ có điều có lẽ em sẽ phải tập cho mình có một tấm lòng vị tha, rộng lượng để chồng em có thể cấp dưỡng cho đứa bé nếu quả thật nó là con của anh ấy.

Hãy suy nghĩ thật kỹ để có quyết định sáng suốt.

Chúc em có được bình an trong tâm hồn.

Vấn đề mới:

Thưa cô Nguyệt Nga, lúc em lấy chồng, tụi em không làm hôn thú, vì chồng em đang chờ hồ sơ đi Mỹ, nếu khai thêm em là vợ thì hồ sơ sẽ bị chậm lại. Sau đấy, anh ấy đi một mình, em ở lại. Anh ấy đi rồi về. Chúng em có con, một đứa rồi hai đứa, rồi ba đứa… Công việc làm ăn, con cái… Tụi em lu bu quá, việc làm hôn thú cứ hẹn rày hẹn mai, rồi theo năm tháng, quên hẳn. Nhiều phần cũng vì anh ấy gần như ở hẳn Việt Nam. Các con em vì là con của công dân Mỹ, nên đương nhiên các cháu có quốc tịch Mỹ. Các cháu lần lượt sang học ở Mỹ. Trong khi đó vợ chồng em vẫn ở Việt Nam vì công việc làm ăn. Chuyện hôn thú hoàn toàn không hiện diện trong cuộc sống.

Mới đây, một người quen, báo cho em biết, chồng em có tằng tịu với một cô gái và hứa sẽ đem cô ta qua Mỹ. Cái mà em tức là, chồng em ba hoa với cô ta, sống với em như là bạn và không có hôn thú. Chồng em không hề nhớ đến việc vì muốn cho hồ sơ di trú của chồng được suông sẻ nên em đã không làm hôn thú.

Em làm như không biết chuyện, chỉ nhắc khéo chuyện làm hôn thú, thì anh nói: “Hôn thú chỉ là tấm giấy, bao nhiêu năm, con cái đùm đề bày đặt làm hôn thú chi nữa” Em nhất định đòi làm cho bằng được, nhưng ảnh kiếm cớ hẹn rày hẹn mai. Em nói nếu không có hôn thú thì làm sao bảo lãnh em, thì anh nói, anh ở đây chứ có đi đâu mà bảo lãnh.

Thật là tráo trở!

Bây giờ mà lôi ra chuyện tò te tí tẹo càng đào thêm hố sâu giữa hai vợ chồng, và còn lâu em mới đạt được chuyện bắt ảnh làm hôn thú.

Chẳng lẽ giờ đây em lại chờ con cái bảo lãnh? Trong khi chồng sờ sờ ra đó.

Hằng

*Nguyệt Nga rất mong nhận được sự góp ý của quí độc giả xa gần. Thư góp ý, quý độc giả gửi sớm cho Nguyệt Nga; gửi chậm, tòa soạn không thể đăng được vì đã sang một đề tài khác.

Thư từ gửi: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT