Chuyến công tác cuối cùng

Hồ Hoàng Hạ

…Cùng với năm mới sang, sáng sớm mồng ba Tết năm 75, sau bốn mươi tám giờ dù về thị xã Qui Nhơn đón Xuân, “gánh” Dân Sự Vụ tôi trở ra đơn vị tăng phái đầy đủ quân số. Sau đó, lại lao ngay vào nhiệm vụ thường ngày. Lúc này, tại những nơi công tác, thường chỉ là những khu xóm xơ xác nghèo nàn, thỉnh thoảng bọn tôi vẫn nghe được những tiếng súng lớn và cả súng nhỏ nữa, vọng về tới tai. Chiến cuộc đang bủa vây hết thảy mọi người, không trừ ai, lính hay dân. Và cũng theo nhịp độ của chiến sự, một tháng công tác của đám “Con Tôm Con Tép” tôi qua nhanh. Tôi đưa bầu đoàn về đơn vị nhà, nghỉ ngơi đôi ngày. Sau đó, lại nhận sự vụ lệnh mới, mang con cái đi tăng phái nửa tháng cho Trung Ðoàn 47 Bộ Binh đang hành quân trên địa bàn huyện Phù Mỹ.

Theo lộ trình dọc quốc lộ 1, chuyến công tác này gần hơn chuyến công tác trước khoảng ngoài 30 cây số. Trung đoàn trưởng là Ðại Tá Lê Cầu, tôi vốn biết ông từ trước. Gốc Huế. Trông người nho nhã, nói năng nhỏ nhẹ. Ông có người anh tên Lê Ngoạn, từng là đại đội trưởng 201 CTCT của tiểu đoàn tôi. Trước đó, khi Lê Cầu còn là tiểu đoàn trưởng 2/47 thuộc Sư Ðoàn 22 Bộ Binh đóng tại Thanh An, một huyện lỵ heo hút phía Tây Nam Pleiku, tôi đã từng hai lần đưa Trung đội Văn nghệ đến ca diễn giúp vui đơn vị đồn trú của ông.

Gặp lại, ông nhớ ngay, ân cần dặn tôi thận trọng khi dẫn anh chị em đi công tác. Nguy hiểm không chỉ chực chờ ở các mặt trận đang sôi sục phía Tây, hướng núi, mà còn rình rập ngay bên những khu xóm ven lộ. Mà điều này, thực tình, tôi luôn cố không nghĩ đến khi rong ruổi trên lộ trình. Phó mặc cho số mạng. Bởi tôi thừa hiểu, cái đám lính đàn địch cùng các cô em văn nghệ chính huấn của mình, không ai có bất cứ kinh nghiệm nào phải chiến đấu với địch để bảo vệ mạng mình nếu dĩ lỡ, bị phục kích dọc đường. Mà cái nầy, vị đại đội trưởng của tôi, Võ Hữu Song, đã từng bị lúc ông còn là trung đội trưởng Tâm Lý Chiến Dân Sự Vụ.

Ngày đó, khi ông dắt đệ tử đi công tác trên một chiếc xe Dodge khoảng mười lính, từ Qui Nhơn ra hướng Bình Ðịnh, Phù Cát, Phù Mỹ… Vừa mới chạy qua khỏi Phù Mỹ một đoạn ngắn, bổng nghe có tiếng lóc chóc rất đanh với tiếng đạn xé gió về phía mình cùng lúc mặt kính trước của xe, phía tay trái tài xế, bị phá toạc một lỗ. Kinh hoàng, nhưng nhờ có quán tính và kinh nghiệm, tay hạ sĩ nhất tài xế tăng ga cho xe vọt thật nhanh về phía trước một quãng khá xa trước khi cả thầy lẫn trò bỏ xe nhào sang mép trái đường, lao ngay xuống vạt ruộng lúa đang trĩu hạt chờ ngày gặt.

Tất cả, không ai quên súng cá nhân của mình, những khẩu Garant nặng trình trịch, vô tích sự. Từ phía dưới lòng ruộng, thầy trò còn kịp nhận thấy xa xa, độ trăm thước, nơi phía xe vừa vượt qua, có ba tên thanh niên chỉ độc chiếc quân đùi với súng trong tay, nhô lên khỏi vạt ruộng, đứng hẳn trên mặt lộ ngó về hướng xe. Y hình như chúng còn muốn rượt theo để sát thủ trọn gói! Cũng may, đúng lúc đó, từ phía sau lưng chúng, xuất hiện hai ba chiếc xe đò dân sự trên đường trờ tới. Nghĩ rằng có sự xuất hiện đông đảo của dân chúng nên chúng không dám làm ẩu, lại ào xuống vạt ruộng chạy băng băng về khu xóm nhà tít tắp xa xa, coi như chỗ không người…

Ðó là lần kinh nghiệm “sống, chết” mà đại đội trưởng tôi không quên kể lại cho bất cứ một quân nhân mới nào vừa về với đơn vị của ông…

…Xong buổi sáng công tác đầu tiên nơi Trung Ðoàn 47 đang hành quân, tay trung sĩ tài xế tự nhiên cho xe tắp vào bên hông một căn nhà trông khang trang ngó ra quốc lộ. Nhà xây tường, mái ngói đỏ, lát gạch bông. Ðặc biệt, nền nhà cao hơn sân trước cả thước, lót gạch tàu đỏ au. Nơi hàng ba có một chiếc sạp gỗ nhỏ, bày biện vài thứ bánh trái lặt vặt, ý chừng để bán.

Tay tài xế: “Ghé đây nấu cơm trưa ăn, trung úy.” Tôi hỏi: “Bảo đảm an toàn không?” Tài xế: “Tôi rành gia chủ lắm. Ðừng lo, trung úy.”

“Buôn bán lèo tèo, sao ngó bộ giàu dữ vậy?”

“Mua bán hai chiều, đủ thứ mà, trung úy.”

…Câu chuyện ngưng ngang vì gã tài xế rời khỏi xe.

Cơm nước xong, bà chủ nhà trịnh trọng thết trà tôi. Sau đó vồn vã mời tôi nghỉ trưa trên bộ ván gõ mát lạnh đặt ngay giữa gian nhà trước, cạnh bàn thờ ông bà. Tôi không muốn từ chối nhưng gọi ngay tay binh nhất Phê ô-đô của tôi (lính thân cận, phục vụ cấp chỉ huy) vào, dặn nhỏ nó: “Mày ngồi chơi trước thềm, đừng bỏ đi đâu nghe.” Tay lính hiểu ý sếp, cười: “Yên trí, trung úy.”

Nằm chưa ấm lưng, bổng nghe có tiếng gõ cửa. Tôi bật ngay dậy, lên tiếng: “Ai đó? Vô đi!” Cửa mở. Một quân nhân phe ta, nhưng lạ hoắc, bước vào giơ tay chào. Tôi hỏi: “Anh đơn vị nào? Gặp tôi có việc gì?” Tay lính: “Dạ thưa Ðại Bàng, bà chủ biểu em vô gặp Ðại Bàng xin phép…” Tôi ngạc nhiên: “Phép gì?” Tay lính gãi tai: “Dạ… phép cho em bán mấy cuộn kẽm gai cho bả. Bả và em sẽ có… cà phê cho trung úy.”

Thật trắng trợn! Tôi nghĩ. Nhưng cái thế của tôi lúc đó, dù ừ hay không cũng chẳng ép-phê gì! Sáng suốt nhất là đùa việc đi. Tôi nói: “Việc của anh và bà ta. Không phải của tôi”… Tay lính chần chừ vài giây rồi chào tôi, lui ra.

Nằm một chặp, tôi trở dậy mở cửa bước ra xem tình hình. Thấy tôi, tay trung sĩ lái xe báo cáo: “Có chút cháo rồi, trung úy. Tay bán xe kẽm gai hối lộ đều hết cho tụi em!” Tôi lắc đầu ngao ngán. Có kẽm gai tất sẽ có hằm bà lằng những thứ khác. Có trời biết! Nhưng, để biết bà chủ nhà này bán buôn “hai chiều” với những ai, tôi nghĩ rằng không cần phải là ông Trời!?… Chắc chắn một điều, để sống còn mà mua bán làm giàu ở những vùng thiếu an ninh như vậy, bắt buộc bà chủ phải là thành phần “điệp báo hai mang.” Không tránh khỏi. Và tốt nhất, không nên tiếp tục ghé nghỉ trưa tại nhà bà ta nữa trong những ngày tới…

Một vài ngày sau, trung đội tôi đến hành sự tại một khu xóm nhỏ không quá hai mươi nóc gia, hơi xa Bộ Chỉ Huy trung đoàn. Lúc đến, các cửa nhà đều mở. Nhưng chỉ thấy có toàn ông bà già và lũ con nít. Ðàn bà, đàn ông chắc đã ra đồng, đi làm hoặc đi lính xa. Lúc mới đến, tôi để ý thấy có một căn nhà coi được nhất, cũng bày bán mấy thứ bánh kẹo lặt vặt đằng trước; lại có thêm một cái chái nhà nho nhỏ liền bên cạnh. Trưa, xong việc, tôi lò dò đến với ý định nhờ chỗ nấu nướng nghỉ ngơi. Thấy không có ai, tôi bước trái qua cửa chái. Cửa mở, có tiếng thiếu nữ vọng ra: “Xin mời trung úy vào chơi.” Tôi giật mình, kinh ngạc. Quái lạ! Sao lại biết?! Cái này chắc do mấy tay đệ tử của tôi tuôn ra chứ còn ai!

Ðứng ngay lối cửa nhìn vào, thật tôi chẳng còn tin nơi mắt và sự suy luận đơn giản của mình. Một nơi đìu hiu heo hút, nghèo nàn thế này, sao lại có một cô gái xinh đẹp, mặt hoa da phấn dường kia? Ðã vậy, thiếu nữ lại mặc một bộ đồ bộ bằng hàng mỏng trắng tinh, đang nằm đong đưa trên võng. Trong tư thế thoải mái này, những phần che chắn bên trong cơ thể thiếu nữ, gần như hiện ra lồ lộ, hằn dưới lớp áo quần. Thú thật, phải mất gần ba mươi giây sững người tôi mới lấy lại được tinh thần và tư thế chỉ huy. Tôi nói, cố cho lớn tiếng: “Nhờ cô cho lính tôi mượn chỗ nấu cơm trưa, được không cô?”

Thiếu nữ duỗi chân xuống đất, vừa cười nói vừa đưa võng: “Trung úy tự nhiên. Bếp ngay buồng sau chái. Có giếng và lu nước phía sau nhà nữa đó, trung úy.”

“Cám ơn cô trước, nhé!” Tôi ra chỗ xe, dặn lính: “Mấy đứa nấu cơm được rồi. Chỉ đi vòng phía sau. Không có đứa nào sà vô tán cô chủ, nghe!” Cẩn thận, tôi dặn thêm: “Một hai đứa ở lại coi xe. Ðứa nào nấu thì nấu. Nhớ, phải nhìn kỹ nước trong lu và canh chừng. Lơ đễnh, nó cho nguyên chai thuốc chuột vô thì đi đời cả đám đó!”

Ðám lính thấy sếp tuy nói có vẻ giỡn chơi, nhưng giọng điệu lại nghiêm trọng nên răng rắc thi hành. Bữa cơm được thu xếp giải quyết mau. Tôi chỉ nuốt vội một chén rồi buông đũa, vòng ra phía trước xem xét tình hình. Cửa quán đóng. Ðiều khác thường là cánh cửa nhỏ của cái chái nhà cũng đóng luôn. Tôi lên tiếng gọi cô chủ hai lần ba lượt, mục đích cám ơn và thăm dò. Bốn bề yên ắng. Tôi đưa tay đẩy cửa. Cửa mở nhưng võng trống không.

Ðảo mắt nhìn một lượt khắp các nhà trong khu xóm. Không có bóng một đứa con nít. Không thấy một cửa nhà nào mở. Tôi chột dạ vòng ngay ra sau. Ðám lính chưa xong bữa. Tôi hét lên: “Ngưng! Bỏ hết. Dzọt tụi bây!” Cả bọn chưng hửng. Nhưng thấy vẻ mặt căng của tôi, tất cả rụp rụp quăng chén đũa, ào ra xe. Xe lao ra đường. Tôi bảo: “Thủ súng hết nghe!”… Nhìn kỹ, quả thật cả dãy xóm vắng tanh. Cửa nẻo kín mít. Trời nắng chang chang mà tôi lại bổng cảm thấy lạnh mình. Biết đâu chẳng có một tràng AK hay một quả B.40 từ một lỗ hổng của ngôi nhà nào đó dội thẳng vào đầu xe thì có mà…!!

Những người chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong cuộc chiến đấu kiên trì không mệt mỏi nhằm bảo vệ Miền Nam Tự Do, ngăn chặn Cộng quân miền Bắc xâm nhập, luôn gánh chịu nhiều điều kiện đánh đấm bất lợi. Không kể chuyện vũ khí trang bị, không hiểu sao cứ luôn lẹt đẹt theo sau Bắc quân (?). Còn nhiều cái khác nữa.

Chuyện không thuận lợi nhất cho phe ta có lẽ là chuyện “địch thấy ta mà ta không thấy địch” xảy ra trong nhiều tình huống chạm trán, không phải là nơi mặt trận có chiến tuyến hẳn hoi, với địch là nón cối dép râu, mà chỉ là một xó xỉnh nào đó, dọc đôi bờ tre, trong dăm ba lùm bụi, bên bờ đê một thửa ruộng… Còn địch, lắm khi chỉ là một mụ đàn bà kệch cỡm, một gã đàn ông gầy gò, thậm chí một tên thanh niên xanh xao vàng võ trong độc chiếc quần xà lỏn, trên răng dưới dế, giữa là…B 40!… Cho nên, trong vận động chiến choảng nhau công khai, bên nào điều quân khiển tướng giỏi thì thắng. “Tao không nhắm bắn chúng mày thì chúng mày cũng xả súng vào tao.” Cái đó hợp với qui luật, dù nghiệt ngã, của chiến tranh. Chẳng có gì ấm ức, nổi điên. Ðằng này, lính ta đang ăn uống nghỉ ngơi, đang đi lại không súng ống hoặc chỉ quàng bên vai một cách rất… hiếu hòa; ngay cả khi đang làm công tác dân sự xã hội, những tên Vẹm rình rập đâu đó với khẩu CKC vẫn xem họ như những tấm bia để tỉa lén, lập công dâng đảng!… Có nhiều chiến sĩ phe ta đã từng muốn nổi điên khi ứa nước mắt khóc chiến hữu mình bỏ mạng trong những tình huống bất thần, lãng nhách như vậy.

Chuyến công tác tăng phái nửa tháng cho Trung Ðoàn 47 Bộ Binh chỉ còn vài ngày cuối thì tin Ban Mê Thuột mất tới tai. Cả đội ủ rũ, buồn bã. Lý do, tại thị xã này có Ðại Ðội 301 CTCT là một trong bốn đại đội cơ hữu của tiểu đoàn tôi. Hầu hết lính tôi đều có bạn bè trong đại đội đó. Tôi cũng vậy. Có vài đứa rất thân tình.

Như Hoàng Chu Ân, đối với tôi còn là bạn văn và bạn học Chu Văn An. Ân nguyên là học sinh trường Ngô Quyền ở Biên Hòa. Sau khi đỗ tú tài I, xin chuyển về Chu Văn An để học ban C chung lớp với tôi. Trước khi về đại đội ở Ban Mê Thuột, Ân đã ở cùng Bộ Chỉ Huy tiểu đoàn với tôi tại Pleiku gần ba năm. Sau khi lấy được bằng cử nhân luật nhờ siêng năng hoc hàm thụ, Ân chuyển về Ðại Ðội 204 CTCT và làm việc tại ban phát thanh quân đội Nha Trang.

Ở đó, Ân kết bạn với một cô xinh đẹp, đại diện cho báo Sóng Thần của Chu Tử tại địa phương này. Sau đó, hai cô cậu làm đám cưới. Tôi có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với vợ chồng Ân trong những chuyến công tác ghé Nha Trang. Nhất là có một hai kỳ nhằm lễ Noel, chính tôi và vợ Ân hóa trang ông già Noel cho anh ta để đi phát quà trẻ em ở trường học và nhà thờ. Ân có dáng mập tròn người thấp, nụ cười tươi tắn hiền lành nên rất dễ nhập vai Santa Clause. Sau nầy, được tin Ân mất tích luôn trong mặt trận “Buồn Muôn Thuở”đó!

Ngoài ra, còn một tay bạn khác là Trung Úy Mai Tiến Thành, trước khi đổi về Ban Mê Thuột (không rõ là đã mất tích hay bị bắt làm tù binh ở đây) tay bạn này tùng sự tại khối CTCT Quân Ðoàn II. Tôi nhớ anh bạn nầy chỉ bởi một chi tiết: Có lần anh nói với tôi, nhân vật chính, cậu học trò trong tiểu thuyết Vòng Tay Học Trò của nhà văn nữ Nguyễn Thị Hoàng là anh ta (?). Anh ta nói với giọng rất cả quyết nên tôi cũng hơi tin. Từ đó, luôn chờ, nếu có dịp nào may mắn được diện kiến với nhà văn nữ này, là tôi sẽ nhờ bà giải tỏa thắc mắc của mình ngay. Nhưng dịp may đó, chưa hề có…

Ðúng vào ngày trung đội tôi rời Trung Ðoàn 47 về hậu cứ thì nguồn tin sét đánh ập xuống: toàn Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II & Quân Khu 2 với tất cả đơn vị cơ hữu đồn trú tại Pleiku đã đồng loạt di tản!!.. Thôi rồi! Còn đâu “Phố núi cao phố núi đầy sương” của “Anh khách lạ đi lên đi xuống”…

Tôi vào trình diện chào từ biệt người anh cả trung đoàn, lòng không dằn được, miệng thốt: “Mình bỏ Pleiku rồi sao, đại tá?!” Và, không phải chỉ có “Mình bỏ Pleiku rồi sao…” mà, ngay người trung đoàn trưởng tôi đang đứng trước mặt, nhiều năm tháng về sau, tôi còn được biết ông cũng đã dứt ruột bỏ lại một quãng sơn hà!

Tôi về với đại đội trong thị xã Qui Nhơn. Mọi người đều lộ vẻ mặt ưu tư với một chút nhớn nhác, âu lo. Lẽ thường tình. Bởi toàn Bộ Chỉ Huy Tiểu Ðoàn 20 CTCT mà đại đội tôi trực thuộc, cũng có chân trong đoàn quân di tản chiến thuật. Một vài ngày sau, qua đài BBC Luân Ðôn, mới được biết cuộc di tản diễn ra trên dọc liên tỉnh lộ 7. Mà con đường này, thoạt nghe lạ hoắc, chẳng biết nó nằm khoảng nào trong phạm vi bản đồ Quân Khu 2, miền Trung. Bởi đó là một con đường bị nhiều tàn phá từ thời chiến tranh Việt Pháp, bỏ hoang trong nhiều chục năm, không sử dụng. Ðến lúc đó vẫn chưa nghe tin có một ai quen biết về tới Tuy Hòa, nói gì quay ngược ra Qui Nhơn.

Cứ hình dung ra đại khung cảnh: hai bên là trùng điệp núi, đồi, rừng rậm tiếp nối theo nhau; ở giữa, trên đường là hàng hàng lớp lớp nối đuôi, chồng chất lên nhau của mọi phương tiện di chuyển quân, dân xa cùng lũ lượt quân, dân, cán chính, già trẻ bé lớn. Tất cả, tất tả rời bỏ, thoát chạy khỏi thủ phủ Tây nguyên, qua nhiều ngày lẫn đêm trong sự đói khát, kiệt sức, hãi hùng; không biết còn có những gì đang chực chờ, đe dọa trước mặt; có an toàn tính mạng vượt thoát được không? Và rồi sau đó, sẽ tới đâu, về đâu…?!

Tôi không là một trong hằng trăm ngàn con người trong cuộc di tản đó. Nhưng về sau, tôi được nghe nhiều người kể lại. Toàn bộ diễn tiến cùng những sự việc, hình ảnh riêng lẻ, rời rạc đã xảy ra suốt dọc lộ trình từ Pleiku xuống tới Tuy Hòa, qua vài mươi cây số trên quốc lộ 14 rồi rẽ vào liên tỉnh lộ 7 tử thần, đến tận cầu sông Ba mới khả dĩ an toàn, quả thật là địa ngục trần gian! Mức độ bi thảm của nó vượt xa mọi hình ảnh, sự việc xảy ra dọc Ðại Lộ Kinh Hoàng ở Quảng Trị trong Mùa Hè Ðỏ Lửa cũng như cuộc di tản của toàn bộ quân dân Quân Ðoàn I theo đường biển.

Dù tình thế diễn biến ra sao cũng không thể ngồi yên nghe ngóng, chờ đợi. Còn nhiệm vụ trước mặt. Tôi lại nhận sự vụ lệnh dẫn toán binh sĩ lên đường.

Ðịa bàn hoạt động rút lại, gần hơn, từ thị trấn Bình Ðịnh trở vào. Chuyến đi lần này, cả thầy lẫn trò, không ai đủ nhuệ khí. Thị trấn Bình Ðịnh nằm trên quốc lộ một, khoảng 30 cây số từ Qui Nhơn ra. Trước kia khá lâu, từng có lúc là thủ phủ của tỉnh cùng tên. Nghe nói, cũng là trung tâm của thành Ðồ Bàn xưa, thời của các vua Chiêm mang họ Chế, nay còn sót lại một khoảng tường đổ rêu phong nằm gần quốc lộ. Tôi từng có lần mò đến chạm tay vào bức tường trơ gạch, bể nứt lỗ chỗ này. Cảm nhận đầu tiên, dường như không có hơi hám gì của Ðồ thành cả! Chủ quan, tôi cho rằng, đó chỉ có thể là bức tường được xây từ sau thời Gia Long đánh bại thủy quân Tây Sơn trên đầm Thị Nại, trải rộng một bên thành phố Qui Nhơn, mà thôi. Tuy thắng trận nhưng Gia Long đã mất người Chưởng Thủy tài ba trên mặt đầm này: Võ Di Nguy. Mặt gạch, màu gạch trông không giống hoặc tương tự gì với chất liệu làm nên những chiếc tháp Hời (Chàm) tôi nhìn thấy hoài, quá quen thuộc.

Chỉ mới cách nhau có mấy ngày, trước và sau khi có tin Pleiku di tản, thị trấn Bình Ðịnh đã có vẻ mặt khác. Từ một quãng đường dài tấp nập người qua kẻ lại với những hàng quán luôn đông người, giờ thưa thớt vắng lạnh. Một vài cửa tiệm hoặc nhà tư nhân chỉ mở cửa he hé. Ði ngang qua khung cửa sổ một vài căn nhà, thấy dáo dác hoặc đăm đăm có người nhìn ra như xem xét thăm dò ai bên ngoài. Rải rác có một số nhà đang tất bật làm công việc thu gom đồ đạc, như đang chuẩn bị cho một chuyến đi xa không chắc có ngày trở về. Tình thế này các chiến sĩ dân sự vụ của tôi còn biết làm công tác gì đây?!.

Ghé vào một quán cà phê hiếm hoi còn mở cửa bán. Không có mở nhạc, không khí vắng lạnh. Chủ quán, một người đàn ông đứng tuổi, thấy khách là một tốp lính hiền lành bước vào, vẫn không tỏ vẻ gì thiết tha buôn bán mà chỉ vồ vập hỏi han: “Tình hình ngó bộ dữ hung rồi ne, các chú? Không biết chừng nào thì phải chạy… Ngó thấy nẩu bỏ đi nhiều, nôn quá!..” Tôi không có cách nào trả lời câu hỏi nửa hỏi han, nửa than thở của ông chủ quán. Chưa có ly cà phê nào uống vô nghe nhạt nhẽo như hôm đó. Cả toán rút lui nhanh gọn. Nhưng vẫn còn kịp nghe tiếng chủ quán nói vói theo: “Các chú chưa chạy ne?” Tôi không thấy tức giận vì câu nói chơn chất thực bụng, không hàm ý chế giễu hay xem thường của ông gà. Chỉ thông cảm ổng không biết kỷ luật nhà binh. Muốn hành động gì cũng phải có lệnh cấp chỉ huy trực tiếp, trừ khi…

Tôi kéo toàn đội về khu gia binh các Trung Ðoàn thuộc Sư Ðoàn 22 Bộ Binh, bên trong ngã ba cầu Bà Gi để tiếp tục các công tác phụ những ngày tiếp theo. Ngã ba cầu bà Gi nằm khoảng giữa đường Qui Nhơn ra Bình Ðịnh. Từ Qui Nhơn ra, gặp ngã ba này, nếu quẹo trái sẽ vào quốc lộ 19, chạy qua xã Phú Phong huyện Bình Khê, đất Tây Sơn. Từ đó, thế đất lên cao dần, ngoằn ngoèo vượt qua hai con đèo Mang Yang và An Khê, trước khi vào lãnh thổ Pleiku. (Quân Ðoàn II không chọn quốc lộ 19 để di tản về Qui Nhơn, theo tôi, nó không mang yếu tố bất ngờ. Hơn nữa, nếu như bị phục kích giữa đèo An Khê thì hết đường xoay trở, tai họa khôn lường!).

Nếu chạy thẳng qua cầu Bà Gi trên quốc lộ 1, sẽ tới đất Bình Ðịnh. Cũng tại ngã ba nầy, còn một lối rẽ phải, dọc bên bờ một quãng sông hẹp có hai hàng cây khuynh diệp thon thả mơn mởn lá, dẫn vào khu gia binh các Trung Ðoàn. Ðối diện xéo xéo khu gia binh, cách một vạt đất nhỏ và khúc sông uốn lượn là một khu nhà dân lụp xụp. Ngay phía sau khu nhà dân này, nổi lên hai trái đồi trungtrung, chỉ cao hơn mặt đất chừng non ba mươi mét. Trên đỉnh gọn đồi lớn là một tháp Chàm bề thế sừng sững, trầm mặc trông về hướng Ðông, hướng có đầm Thị Nại và biển. Dưới nó, thấp hơn một chút, là tu viện Nguyên Thiều, quanh năm có tiếng tụng niệm, hương khói. Trên bề mặt ngọn đồi nhỏ có bức tượng Quán Thế Âm đứng trên tòa sen, cao hơn 5 mét. Bao quanh tượng là hồ nước xây xi măng, thả sen. Nhìn chung, cảnh quan quanh ngã ba cầu Bà Di cũng khá hữu tình. Tuy nhiên, trong không khí giặc giã sắp lan tràn tới, không còn lòng dạ nào để thưởng ngoạn.

Một buổi trưa, giữa lúc đang theo dõi tin tức từ chiếc radio nhỏ luôn mang theo mình trước hàng ba một căn nhà trống trong khu gia binh, đột nhiên tôi nghe nhiều loạt đạn nổ lóc chóc, đâu từ trong các khu xóm dân làm nông bên kia cánh đồng hẹp vọng tới. Trung Sĩ Tuyết, tay tài xế vạm vỡ như lực sĩ đồng đen của tôi, lúc đó đang vừa hút thuốc lào vừa đấu láo với một quả phụ tử sĩ hai con nhưng còn rất mặn mà, nhà bên cạnh, là tay nhanh nhất nhào tới tôi: “Có đụng độ đâu gần mình lắm đó, trung úy?”

Lễ chào cờ đầu năm của Hướng Đạo Việt Nam tại Hoa Kỳ

Tôi chồm dậy cùng với Tuyết chạy tạt tới đầu dãy nhà, nơi đó có thể phóng tầm mắt nhìn qua cánh đồng, vào khu xóm nhà dân. Dưới trời nắng gay gắt, tôi thấy hằng trăm người, đàn ông đàn bà lẫn con nít, vừa lúp xúp chạy về phía khu gia binh vừa réo gọi nhau ơi ới. Không êm rồi! Tôi nhận định. “Hú hết tụi nó ra xe. Ðừng quên súng ống. Mình phải vọt ra quốc lộ, ngay!” Tôi hét với tài xế. Tuy là lần đầu tiên gặp ca này, nhưng tôi phải giải quyết như vậy. Biết đâu trong đám hỗn độn đó chẳng có “tụi nó” trà trộn vào, tiếp cận rồi nã đạn vào mấy đệ tử vốn chưa hề có kinh nghiệm… cận chiến của tôi! Còn nếu bắn trả, càng nguy hại, không nên, không thể. Chắc chắn đàn bà, con nít sẽ lãnh đủ.

Ðám lính còn nhanh hơn tôi và tài xế. Cả bọn có mặt đầy đủ quanh xe. Tôi phán “dzu lou.” Chỉ vài phút đã ra tới ngoài đầu cầu. Ở đây chúng không thể làm ẩu. Vì dù sao, trên lộ thỉnh thoảng vẫn còn xe cộ qua lại. Và khúc này, nhà dân đông. Mười phút sau đám dân chạy giặc gồng gánh tới nơi, túa ra mặt lộ. Người nào người nấy thở hổn hển, mặt mày hớt ha hớt hải. Một ông già trong đám thấy lính, đưa tay chỉ ngược vào hướng vừa chạy ra, nói như muốn đứt hơi: “Nẩu… Chu choa! Nẩu dìa ở trỏng đông lắm mấy thầy ơi!”

Với tình huống này, thú thật, đành bó tay. Nó vượt ngoài khả năng can thiệp của toán dân sự vụ tôi. Lúc đó, tôi tự hỏi, không hiểu những người lính giữ diện địa của phe mình đâu hết cả rồi…!

Sau buổi trưa đó, tôi không hiểu tình trạng những người dân tản cư ra sao. Riêng trung đội, vì thời hạn công tác chưa hết, buộc lòng tôi đưa đám “con cái” trở lại khu gia binh khi nghe ngóng thấy êm. Hai ngày kế tiếp, binh sĩ tôi chỉ làm công tác quanh quẩn trong khu gia binh với tình trạng luôn căng thẳng tinh thần vì biết chắc địch đang mai phục quanh mình. Nhất là về đêm, tôi không tài nào chợp mắt được lâu mặc dù đã cắt cử đám đệ tử luân phiên canh gác thật kỹ.

Một buổi chiều, khi vừa nghe tin Quảng Nam đã lọt vào tay Cộng quân qua radio, còn Quảng Ngãi đang chịu áp lực nặng, thì có người từ đại đội được lệnh đại đội trưởng ra gọi trung đội tôi về trước thời hạn sự vụ lệnh. Cũng nói thêm, vào thời điểm đó, không có cách nào liên lạc trực tiếp giữa Bộ Chỉ Huy đại đội và anh em binh sĩ đang công tác xa, ngay cả điện thoại hữu tuyến.

Tôi hiểu tình hình thực sự nguy kịch rồi! Có thể, rồi sẽ không lâu, đến phiên Qui Nhơn cũng sẽ… di tản, bỏ ngõ… không biết chừng!?…