Tuesday, April 23, 2024

‘Ăn bánh tráng trộn đi cô’

Tạ Phong Tần

Mấy năm gần đây, Sài Gòn rộ lên món quà vặt ăn lạ miệng, hay được bán rong trước cổng trường học, công viên, trên bất cứ hè phố Sài Gòn nào, đó là món bánh tráng trộn. Tôi không biết ai là người đầu tiên “phát minh” ra món ăn này, nhưng quả tình hiện nay món này nó “trăm hoa đua nở” khắp mọi nơi. Hầu hết học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng đều rất ưa chuộng, vì nó vừa ngon miệng, vừa rẻ tiền. Phía trước công viên Gia Định, công viên Tao Đàn có đến hàng chục xe đạp lẫn “quầy hàng” ngồi tại chỗ bán bánh tráng trộn. Mỗi bọc nilon bánh giá năm ngàn đồng, trẻ con, người lớn đều có thể mua một gói.

Chiều tà Sài Gòn nóng bức, ngột ngạt, người Sài Gòn kéo nhau ra bờ hồ Con Rùa ngồi hóng mát tránh nóng rất đông. Tôi cũng chiếm một chỗ ở bờ hồ ngồi ngó “trời trăng mây nước” và kẻ lại người qua. Trước mặt tôi là một cái xe đạp lỉnh kỉnh hàng chục hũ nhựa, hũ thủy tinh loại hai lít chứa đủ thứ gia vị, vật liệu dùng cho món bánh tráng trộn. Xung quanh xe có đến hàng trăm chiếc bọc nilon trắng bự hơn bàn tay đựng sẵn chừng một nắm lớn bánh tráng đã được cắt thành sợi to hơn sợi bánh phở một chút. Chủ xe là một “gã” thấp bé còm nhom, quần tây ngắn ngang đầu gối, lòi ra đôi chân da nâu đen bóng xỏ đôi dép nhựa. Tóc cắt ngắn, đầu đội cái nón kết lụp xụp che khuất khuôn mặt có làn da nâu đen, càng khó nhìn rõ hơn khi mặt trời đang chìm xuống mà ánh đèn vàng vọt không đủ sáng soi vào dưới vành nón kết, chả biết “gã” là trai hay gái. Nhìn kỹ lắm mới thấy ngực “gã” nhu nhú dưới lớp áo thun dày.

Thấy tôi nhìn, “gã” mời: “Ăn bánh tráng trộn đi cô! Bánh của con ngon lắm đó.” A, thì ra giọng con gái, sao ăn mặc kiểu “hai-phai” làm chi vậy! Tôi bắt chuyện làm quen, giờ thì phải gọi “gã” là cô Tám bán bánh tráng bởi Tám đã 23 tuổi rồi. “Bao nhiêu tiền một gói vậy em?” Tám trả lời: “Tám ngàn, mười ngàn, cô ăn mấy ngàn?” Tôi hỏi: “Gói tám ngàn khác mười ngàn chỗ nào? Sao đàng công viên Tao Đàn nó bán năm ngàn mà em bán mười ngàn?” Tám nói: “Bánh của con nhiều đồ ăn hơn, có khô bò đen, khô nai, nem chua, tôm khô, hai trứng cút. Mười ngàn thì có nem chua. Họ bán rẻ hơn vì họ không có tôm khô mà dùng con ruốc, cũng không có khô bò, khô nai. Tôm khô này con ngâm mềm rồi phi lại với tỏi, ăn ngon lắm.”

Tôi bảo Tám làm cho tôi một gói mười ngàn. Tám nhanh nhẹn lấy xuống một bọc bánh tráng trắng mịn được cắt sợi sẵn treo bên hông xe, mở ra rồi rưới vào nước tương, sa-tế, bột nêm, chút đường, chút ớt bằm, dùng đôi đũa tre trộn trộn cho đều. Lại tiếp tục cho vô thêm xoài xanh bằm sợi, rau răm, gắp ở trong hũ mỗi thứ một ít khô bò, khô nai, tôm khô, một muỗng đậu phộng rang, hành phi, vắt thêm nước một trái tắc (quất) vô, trộn tiếp tục cho gia vị thấm đều. Xong, em đưa gói bánh tráng và đôi đũa tre (loại đũa dùng một lần rồi bỏ) cho tôi, không quên kèm theo câu “dụ khị”: “Mai mốt có đi ngang đây cô nhớ ghé mua vài bọc giúp con.” Quả thật, tiền nào của nấy, gói bánh tráng trộn của Tám to hơn những gói giá năm ngàn mà ăn cũng ngon hơn nhiều vì có đủ loại thức ăn “bắt mồi” trong đó.

Mới 7 giờ sáng, Tám đã đẩy chiếc xe đạp cũ mèm đã được “đại tu” thành một gian hàng lưu động ra khỏi khu nhà trọ “thẳng tiến” đến Hồ Con Rùa (quận 1, Sài Gòn). Tám sẽ dừng xe ở ven Hồ Con Rùa bán hàng cho đến 11 giờ đêm mới về nhà.

Nhà Tám ở Củ Chi, Tám thuê nhà cùng người chị ở Tân Bình cho tiện đường mỗi ngày hai chị em đi bán bánh tráng trộn. Thường thì mỗi tháng hai chị em về nhà một lần để thăm nhà và lấy thêm bánh tráng. Ban đầu, tôi cứ tưởng bánh tráng này ra chợ mua loại bánh tròn đóng thành “ràng” (mỗi “ràng” 100 cái) đem về cắt ra. Mà có không ít người ăn bánh tráng trộn cũng “tưởng” giống như tôi. Đem thắc mắc hỏi Tám, em cười ngặt nghẽo: “Không phải vậy đâu, lấy bánh đó bán không có lời vì giá tiền mắc. Ở lò, bánh tráng làm ra cái lớn cái nhỏ không bao giờ đều nhau, người ta dùng máy cắt bánh thành những cái bánh tròn vo, bự y chang nhau để đóng thành “ràng” bán ở chợ, thứ để làm bánh tráng trộn này là con mua lại phần bánh vụn chung quanh rìa cái bánh khi máy cắt ra. Miếng nào lớn quá thì hai chị em lấy kéo cắt lại cho thành sợi dài.” Tám nói ai bán bánh tráng trộn cũng làm như em hết. Mấy năm trước Tám phải lấy bánh ở Trảng Bàng (Tây Ninh). Bây giờ bánh tráng Trảng Bàng không ngon như trước nữa, bánh dầy và bở. Bánh tráng Củ Chi hiện nay mới là ngon nhất, bánh gạo trắng trong vắt, mỏng và dai.

Tôi hỏi: “Củ Chi cũng đất đai trù phú lắm. Nhà con không có làm ruộng sao?” “Ruộng đâu còn mà làm hả cô? Ở đó bây giờ khu công nghiệp nhiều lắm. Con học ít, làm công nhân cực lắm mà hổng đủ sống, bệnh cũng không nghỉ được. Thôi đi bán bánh tráng như vầy đỡ cực hơn.” Tám nói. “Má con ở nhà còn miếng đất nhỏ trồng rau bán thôi.” Tôi hỏi tiếp: “Mai mốt ở đây người ta cấm bán hàng rong, rồi con bán ở đâu?” Tám cười cười: “Hổng biết nữa, tới đâu hay tới đó. Lúc nào họ rượt thì con đẩy xe đi chỗ khác, họ đi thì con đứng lại bán. Xe mình đang đẩy đi, họ không bắt mình được.” Tám “hành nghề” bánh tráng trộn đã hơn bốn năm nay. Tôi hỏi Tám có muốn làm công việc khác để đi học lại không? Trời mưa gió mà “vừa bán vừa chạy” thì làm sao mà bán? Tám nhìn xa xăm, nói từng tiếng chậm rãi: “Con bỏ học lâu rồi cô à. Giờ đi học lại, sợ không học nổi. Bán bánh tráng cũng quen rồi, có tiền dành dụm đem về cho má, đổi nghề mệt lắm, khi nào không cách chi bán được nữa thì mới đổi.”

Người ăn bánh tráng trộn quen rồi thì biết cột miệng bọc nilon lại, vò thêm vài cái cho bánh tráng thấm gia vị mềm hơn chút nữa rồi mới mở ra ăn. Chẳng có thứ hàng rong nào vừa rẻ, vừa ngon miệng như vậy, đỡ mất thời gian chế biến, chờ đợi. Ăn xong uống thêm ly nước là bánh tráng nó nở ra no cành bụng. Hàng rong vỉa hè, sạch sẽ đến đâu tùy tâm người bán, khuất con mắt thì cứ ăn thôi. Thời buổi này, đi đâu cũng thấy thực phẩm bị nhiễm độc mà cơ quan quản lý nhà nước “vô phương chống đỡ,” thì vào hàng quán chưa chắc đã đảm bảo vệ sinh hơn bánh tráng trộn bán ở vỉa hè. May mắn là tôi ăn bánh trán trộn hơi bị nhiều từ mấy năm nay nhưng chưa bị “Tào Tháo” dí lần nào.

Có bạn sinh viên lên mạng bày tỏ lo lắng: “Bán vỉa hè là một công việc vi phạm luật pháp, nên chắc chắn sẽ không tồn tại được lâu. Bạn tưởng tượng rằng đến một ngày các bà bán bánh tráng trộn bị công an bắt hết, thì sinh viên ngơ ngác tự hỏi: “Hôm nay mình sẽ ăn gì?” Quả là “tình hình bi đát”nhỉ!

Tôi vẫn thích mua một gói bánh tráng trộn rồi bưng ra ngồi trên hàng rào, hành lang trước công viên hay bờ hồ. Vừa nhâm nhi thưởng thức từ từ cái dai dai của bánh tráng, vị ngòn ngọt, cay cay của đủ thứ món khô, vị chua chua của xoài, của quất, mùi thơm béo của trứng cút, đậu phộng rang; vừa ngó người qua lại nườm nượp muôn hình muôn vẻ mà phát hiện lắm chuyện bi hài. Nghe nói, bánh tráng trộn giờ đây đã “leo” lên bàn ăn một số nhà hàng máy lạnh sang trọng ở Sài Gòn, giá bán 30 ngàn đồng/dĩa. Ngon hay dở chưa biết, nhưng chắc chắn một điều, ngồi ăn bánh tráng trộn trong căn phòng kín mít bốn bề thì chẳng còn gì là thú vị.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT