Thursday, March 28, 2024

Cải mầm bất đắc dĩ

Tạ Phong Tần

Bây giờ, nói đến cải mầm là người ta nghĩ ngay đến loại rau sạch mắc tiền được trồng bằng hạt trong khay nhựa với thân mảnh bằng que tăm trắng muốt, dài chừng bảy tám phân và trên đầu mang hai lá mầm màu xanh nhỏ bằng cái móng tay út. Rau mầm này được đựng trong hộp nhựa trong, bán ngoài chợ, mỗi hộp chừng 200 gram giá khoảng hai chục ngàn đồng một hộp là một cái giá không rẻ. Một người ăn phải đến bốn hộp một ngày mới đủ.

Nếu muốn trồng rau mầm tại nhà thì phải mua bộ dụng cụ trồng rau mầm giá hai chục ngàn đồng một bộ, mùn dừa (đất sạch) giá mười lăm ngàn đồng một bịch lớn, hạt giống (tùy giống ưa thích) giá từ bốn ngàn đến ba chục ngàn đồng một gói, bình xịt cầm tay giá từ hai chục ngàn đồng một bình nhỏ đến một trăm ba mươi lăm ngàn đồng một bình lớn. Ðây là giá cũ, chớ giá hiện nay chắc phải cộng thêm 30-40% nữa. Nói chung, rau mầm là loại rau được xếp vào loại “sang trọng” và “hao tốn” dù mua ở chợ hay tự trồng ở nhà.

Thật ra, từ thuở xưa xửa xừa xưa người ta đã biết trồng rau mầm ăn rồi chớ không phải đợi đến bây giờ môi trường ô nhiễm, rau cải ô nhiễm thuốc hóa học quá xá thì các vị “pha học nhà ta” mới kêu gọi dân chúng ăn rau mầm để đỡ mắc đủ thứ bệnh từ dư chất hóa học đó.

Ðó là giá đậu xanh, giá đậu nành, giá đậu đen. Giá đậu xanh thì rất phổ biến, cả nước Việt Nam ở vùng miền nào cũng có, chợ nào cũng bán, còn giá đậu nành và đậu đen ít phổ biến hơn, không thấy bán ngoài chợ. Người ta tự làm giá đậu nành hoặc đậu đen ở nhà để ăn. Giá đậu nành với hai lá mầm to dày beo béo nhai giòn rụm trong miệng rất thích, còn giá đậu đen ăn mùi vị tương tự giá đậu xanh, nghe dân gian nói ăn giá đậu đen “nên thuốc” (không biết thuốc gì). Giá, thực chất là một loại rau mầm “có truyền thống cổ xưa” mà hạt giống là các loại đậu, chớ không phải là các loại hạt cải như người ta trồng rau mầm thời nay.

Ở quê tôi có một loại rau mầm khác, không phải rau mầm trồng bằng kỹ thuật hiện đại trong khay nhựa như đã kể ở trên, mà đây là loại “rau mầm bất đắc dĩ,” tên của nó cũng được kêu đơn giản là cải mầm thôi.

Vào khoảng Tháng Bảy, Tháng Tám, nông dân làm đất cho tơi xốp rồi đánh đất cao lên thành từng liếp thẳng tắp kêu là “lên liếp” bề ngang mỗi liếp chừng một đến một thước rưỡi tùy theo người chủ đất định trồng thứ gì mà làm liếp lớn hay liếp nhỏ. Giữa những liếp đất có chừa đường đi rộng chừng ba tấc để có thể gánh nước tưới hết tất cả khu đất mà không phải đụng chạm gì đến rau trên liếp. Xong xuôi, người ta tưới nước cho đất âm ẩm, tơi xốp rồi gieo hột củ cải trắng lên liếp. Trồng củ cải trắng không phải gieo hột theo kiểu moi cái lỗ trên liếp bỏ vài hột cải vô đó rồi chờ nó mọc lên thành bụi củ cải, mà phải dùng rất nhiều hột cải vãi ra dày đều trên mặt liếp như hột mè trên cái bánh tráng mè, mà còn nhiều hột hơn bánh tráng mè nữa. Gieo hột cải xong, lấy rơm khô phủ một lớp mỏng trên mặt liếp để che hột cải rồi dùng thùng tưới tia nước mịn lên như mưa phùn chớ không cần nhiều nước quá hột cải không nảy mầm được. Rơm khô phủ phía trên thấm nước sẽ che giữ cho đất luôn ẩm ướt ngay cả lúc trời nắng gắt.

Trong vòng vài ngày, hột cải nảy mầm nhú lên trắng muốt. Người làm rẫy vẫn tưới nước đều cho nó mỗi ngày. Ðến ngày thứ năm, thứ sáu, cây cải vươn lên dài chừng một tấc, trên đầu có vài chiếc lá xanh mướt lớn chừng ngón tay cái, cuống lá trắng mỏng manh cỡ que tăm xỉa răng. Lúc này, người ta bắt đầu nhổ bớt những cây cải nào ốm yếu, thấp nhỏ, chừa lại những cây mạnh khỏe cao lớn vượt lên trên “đồng bọn.” Những cây cải được giữ lại và chăm bón sẽ lớn lên thành những bụi củ cải trắng, còn số cây cải non bị nhổ đi gom lại đem ra chợ bán, kêu là cải mầm. Sở dĩ người ta phải gieo thiệt nhiều hột cải rồi nhổ bớt là để phòng hờ nếu gieo ít quá mà gặp hột cải nảy mầm yếu thì củ cải sẽ không to. Cho nên, người trồng củ cải trắng vì bất đắc dĩ mà phải thu hoạch thêm loại cải mầm này. Giá cải mầm bất đắc dĩ bán ở chợ hơn hai mươi lăm ngàn đồng một ký lô, tức là cao gấp đôi giá cải xanh.

Cải mầm này rửa sạch ăn hết cả thân, lá, rễ không bỏ tí gì vì nó rất giòn và mềm, mát. Cải mầm ăn sống có vị nồng nồng ngọt ngọt của củ cải trắng, khi nấu chín nó mất vị cay cay nồng nồng đi.

Xứ tôi người ta hay nói dân quê thiệt thà, nhất là người Khmer Tây Nam bộ thì cái sự thiệt thà càng nhiều. Tuy nhiên, ở xứ tôi cũng có loại dân quê nhưng mà “ma giáo tà đạo” lắm, càng được tiếng “người dân tộc thiệt thà” thì cái sự “trời ơi đất hỡi” càng dữ hơn người Kinh vì người Kinh thấy người dân tộc thiểu số buôn bán thì tin tưởng vào sự “thiệt thà” của họ mà “mất cảnh giác” nên bị lừa. Tôi phải mất nhiều lần (với nhiều tiền) để mua được bài học khôn từ việc đi chợ mua cải mầm này.

Số là cải mầm phải nhổ ngay từ khi nó mới nảy mầm được 5-6 ngày tuổi thì ăn mới ngon, còn để lâu ngày hơn cây cải sẽ có vị nồng đến cay xé, ăn sống không được mà nấu chín cũng không xong. Ðặc biệt, cây củ cải trắng này, khi nó cao chừng một gang tay trở lên thì nhìn lá nó rất giống cây cải xanh, nếu không để ý sẽ bị lầm là cải xanh. Cây củ cải trắng mà lớn như vậy thì chỉ có nước đem ủ làm phân chớ không thể nào ăn được nữa. Phân biệt cây cải xanh với cây củ cải trắng khác nhau ở phần cuống lá, cuống lá cải xanh màu xanh, dẹp bản và có răng cưa hai bên mép. Cuống lá củ cải trắng tròn, màu trắng.

Vì lý do nào đó mà chủ rẫy không nhổ cải mầm kịp thời gian, hoặc là họ cố tình để cho cây củ cải lớn hơn một gang tay mới nhổ (?) rồi bó thành từng bó gánh ra chợ bán với giá rẻ bằng một nửa giá cải xanh thứ thiệt, nhưng tính ra bán “cải già” vẫn thu được nhiều tiền hơn là bán cải mầm. Tất nhiên, người bán sẽ nói với khách đó là cải xanh chớ không đời nào nói thiệt nó là cây củ cải trắng già ngày (nói thiệt thì có ma nào mua), họ còn nói cải ở rẫy nhà tự trồng gánh đi bán nên bán rẻ, bạn hàng chợ bán là không có giá đó đâu. Gặp mấy đứa mắt nhắm mắt mở như tôi mua về, tới chừng ăn bị cay nồng quá mới té ngửa ra biết mình bị lừa thì bà bán cải đã đi mất tăm mất tích rồi, biết ở đâu mà kiếm bắt đền.

Cải mầm ăn sống chấm thịt kho, cá kho hay nước mắm dầm ớt gì cũng ngon hết vì chính nó đã là một món rau sống ngon có mùi vị vừa thơm vừa giòn ngọt nồng nàn đặc biệt. Nếu không thích ăn sống thì nấu canh tép, canh cá lóc hay nấu canh nghêu (giống như nấu canh rau đay) thì cải giòn ngọt ngon nhất xứ, có điều hơi bị hao tiền nhiều. Tuy nhiên, cải mầm bất đắc dĩ chỉ có bán theo mùa, tức là vào đầu mùa trồng củ cải trắng. Còn bây giờ, bạn muốn thưởng thức cải mầm từ hột củ cải trắng thì cứ mua một bộ đồ nghề trồng rau mầm để trong nhà, quanh năm muốn ăn cải mầm lúc nào cũng có.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT