Thỉnh thoảng đang lái xe bình thường, bỗng dưng trên bảng điều khiển hiện lên đèn báo có hình cái bánh xe với dấu “!” ở giữa. Tuy có người biết rằng nó có liên quan đến chuyện bốn cái vỏ xe, nhưng có người cũng không rõ nó báo hiệu chuyện gì.

Vậy, phải làm gì khi thấy tín hiệu này, làm sao cho nó biến mất? Có cách nào tránh để đèn báo này không bao giờ nổi lên không?

Đèn báo này liên hệ đến một việc rất cần phải làm thường xuyên của một người lái xe muốn tiết kiệm tiền, và muốn lái xe an toàn. Đó là việc kiểm tra thường xuyên áp lực vỏ xe. Một công việc không khó khăn, không nặng nhọc, nhưng lại ít có người để ý, vì không hiểu rõ sự cần thiết, và không hiểu rõ cách làm.

Tín hiệu đèn báo về vỏ xe trên bảng điều khiển thuộc hệ thống có tên gọi là Tire Pressure Monitoring System (TPMS), tạm dịch “hệ thống theo dõi áp lực vỏ xe.”

Nếu bạn lái một chiếc xe sedan, xe tải hay SUV đời từ 2008 hoặc mới hơn, hệ thống này là tiêu chuẩn bắt buộc, nhờ một đạo luật được Quốc Hội thông qua vào năm 2000.

Mục đích của TPMS là để cảnh báo người lái xe rằng vỏ xe của mình không đủ áp lực khí nén, do đó có thể khiến việc lái xe kém an toàn hơn. Nếu đèn báo đã hiện lên, có nghĩa là ít nhất một bánh xe đã bị mềm hơn quy định. Điều này dễ dẫn đến việc mòn vỏ không đều giữa bốn bánh xe, và làm xe có nguy cơ bị nổ vỏ cao hơn.

Thường thì đèn báo TPMS sẽ hiện lên khi áp lực vỏ xe đã thấp hơn khoảng 25% áp lực yêu cầu của nhà sản xuất xe hơi. Đó cũng là áp lực vỏ xe tối thiểu để lái xe an toàn, theo tiêu chuẩn của American Automotive Association.

Đèn báo TPMS hiển thị cũng nhiều kiểu, mà nhiều người lái không hiểu nó muốn báo cái gì:

-Đầu tiên và thường gặp nhất, đó là khi đang lái xe mà đèn báo hiện lên và giữ nguyên trên bảng điều khiển. Điều này có nghĩa là ít nhất một bánh xe đang bị thiếu áp lực.

-Trường hợp kế tiếp, đèn báo hiện lên rồi lại tắt, rồi lặp lại điều này một cách ngẫu nhiên. Đó có thể là do áp lực vỏ xe đang dao động chung quanh giá trị cảnh báo. Nguyên nhân thường gặp nhất cho hiện tượng “chập chờn” này chính là nhiệt độ. Thí dụ như ban đêm trời lạnh, áp lực khí trong vỏ xe giảm xuống dưới mức quy định, cho nên đèn báo hiện lên. Nhưng rồi sáng hôm sau, trời nóng trở lại, nhiệt độ tăng làm áp lực khí tăng trở lại trên mức quy định, cho nên đèn báo lại tắt đi.

-Trường hợp thứ ba, đèn báo chớp chớp từ 60 đến 90 giây mỗi lần xe khởi động, rồi sau đó hiện lên luôn. Trong trường hợp này có nghĩa là hệ thống TPMS của xe đang gặp trục trặc. Cần phải đem xe đi đến trung tâm bảo trì để kiểm tra lại hệ thống này. Nếu không sửa chữa, thì hệ thống TPMS sẽ không còn khả năng báo cho biết lúc bánh xe bị mềm nữa.

Vấn đề đặt ra là bơm vỏ xe bao nhiêu là đúng, để đèn báo TPMS không hiện lên? Đây là một câu hỏi mà nhiều người lái xe không có được câu trả lời cho chính xác.

Có nhiều người nhìn trên hông vỏ xe của mình, thấy có ghi con số “maximum PSI,” và bơm vỏ theo con số PSI này (PSI: pounds per square inch). Đây là một sai lầm, vì bơm vỏ cứng tối đa không phải là phương án tối ưu cho xe và vỏ xe.

Con số này chỉ ra áp lực khí ở nhiệt độ mát (cold air) tối đa cần thiết để vỏ có thể chịu tải được ở mức độ tối đa. Vấn đề là tải trọng của xe thường không lên đến tải trọng tối đa của vỏ.

Bơm vỏ cứng quá hay mềm quá đều không có lợi. Nếu bơm mềm quá thì xe dễ bị lủng, xe sẽ tiêu thụ xăng nhiều hơn do ma sát lớn hơn. Còn bơm cứng quá, thì làm phần đỉnh vỏ tiếp xúc trực tiếp với mặt đường bị mòn nhanh hơn, xe bị “dằn” hơn, và thắng cũng kém an toàn hơn.

Bơm vỏ với áp lực tối ưu sẽ giúp cho vỏ xe bền, tiết kiệm nhiên liệu, lái xe an toàn thoải mái. Con số tối ưu này được nhà sản xuất xe cung cấp, có thể tìm thấy ở nhãn dán ở ngay dưới khung cửa xe của tài xế, hoặc trong sổ tay bảo trì của xe. Thông thường, áp lực tối ưu cho vỏ của các loại xe hơi dao động từ 30 đến 35 PSI.

Như vậy, khi đèn báo TPMS hiện lên, ta phải làm gì? Phải kiểm tra ngay áp lực của từng bánh xe. Xin đừng kiểm tra bằng mắt, khó chính xác lắm! Hãy đo bằng dụng cụ đo.

Trên xe nên có một thiết bị đo áp lực vỏ xe, nhỏ gọn giống như một cây viết, bán với giá rẻ rề vài đồng bạc, nhưng lại hữu dụng vô cùng. Xem bánh nào bị xẹp, thì phải bơm thêm cho đúng áp lực tối ưu. Hãy tự trang bị cho mình một cái bơm nhỏ, để trong cốp xe. Loại bơm này thường sử dụng ổ điện của xe để hoạt động.

Bơm chậm một chút, nhưng cần bơm vỏ thêm một vài PSI thì chỉ mất một vài phút. Đặc biệt hữu dụng khi đang đi dọc đường. Ngay cả khi xe ở nhà, kiểm tra vỏ thấy mềm là có thể làm ngay. Chứ việc đi ra trạm xăng hay tiệm sửa xe để bơm xe cũng làm nhiều người ngại vì… làm biếng! Kết quả là xe phải chạy trong tình trạng vỏ mềm dài dài.

Như vậy, có phải là phải đợi đến khi đèn báo TPMS hiện lên mình mới kiểm tra vỏ? Xin thưa rằng không! Các nhà sản xuất vỏ xe và sản xuất xe hơi luôn căn dặn rằng TPMS là thiết bị cảnh báo, chứ không thể thay thế cho công việc kiểm tra định kỳ vỏ xe.

Như đã nói ở phần trên, đèn báo hiện lên chỉ khi áp lực vỏ xe đã xuống dưới 25% mức quy định. Điều này có nghĩa là có thể một trong những vỏ xe đã mềm hơn những vỏ còn lại khá nhiều. Nếu xe tiếp tục chạy với áp lực vỏ không đều như vậy trong một thời gian dài sẽ làm cho vỏ mòn không đều, lái xe kém an toàn.

Công việc của người lái xe là nên tự kiểm tra định kỳ vỏ xe của mình. Nên tự tạo cho mình một lịch kiểm tra vỏ định kỳ. Một vài gợi ý hữu ích: mỗi lần đổ xăng, mỗi khi nhiệt độ không khí thay đổi trên dưới 10 độ, kiểm tra mỗi đầu tháng…

Còn một điểm đáng lưu ý nữa, đó là thỉnh thoảng cũng cần phải kiểm tra vỏ “sơ cua” luôn. Không có gì đau khổ bằng, đi trên đường xa bị xẹp vỏ chính, hì hục lôi vỏ “sơ cua” ra thì mới biết rằng nó cũng đã mềm, vì đã để quá lâu không sử dụng. Lúc đó mới hiểu thế nào là họa vô đơn chí!

Chi bằng sáu tháng, hay chí ít là một năm cũng phải kiểm tra đến nó. Xin lưu ý: vỏ sơ cua loại có kích thước nhỏ, nhẹ, có phần gai nông thường trang bị sẵn trong nhiều loại xe thường đòi hỏi bơm áp lực cao hơn loại vỏ bình thường, đa phần cỡ 60 PSI.

Nói tóm lại, chăm xe cũng như chăm người, đó là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Có một chút hiểu biết về vỏ xe, định kỳ để ý đến áp lực của nó và bơm cho đúng, chủ xe sẽ tiết kiệm tiền, thời gian, và cảm thấy an toàn hơn khi ngồi trước tay lái, đặc biệt là những chuyến đi xa. An toàn trên xa lộ bắt đầu từ những công việc kiểm tra ở nhà…