Friday, April 26, 2024

Sau khi bị xiết nhà, gây dựng lại ra sao?

(Nerdwallet.com) – Theo Hiệp Hội Ðịa Ốc Toàn Quốc (NAR), hơn 9.3 triệu chủ nhà đã mất nhà trong thời gian từ 2006 cho 2014, hoặc vì bị xiết nhà (foreclosure) hoặc vì bán dưới mức nợ (short sale).

Giữa lúc tiền thuê gia tăng, lãi suất thế chấp tiếp tục ở mức thấp và nền kinh tế cải thiện dần dần, vài người đã mất nhà trong những năm gần đây sẽ có thể gia nhập trở lại thị trường địa ốc. Một cuộc nghiên cứu của NAR trong năm 2015 cho thấy khoảng 1.5 triệu người trước đây là chủ nhà có thể đủ điều kiện để mua nhà trong vòng năm năm tới, căn cứ vào thời gian cần thiết để thúc đẩy điểm tín dụng và tiết kiệm cho một khoản tiền đặt cọc, cũng như thời gian bắt buộc phải chờ đợi trước khi mua một căn nhà khác.

Ðối với những người đang tìm cách làm chủ nhà một lần nữa, sau đây là vài lời khuyên:

1. Biết các giải pháp của bạn. Bạn không còn phải chờ đợi tới bảy năm sau một vụ khai phá sản hoặc xiết nhà để mua một căn nhà khác, theo ông Ray Carlisle, chủ tịch của Cơ Quan Cố Vấn Gia Cư NID, một tổ chức bất vụ lợi hoạt động trên toàn quốc. Ðối với các chủ nhà có những hoàn cảnh giảm khinh như sự mất mát lợi tức kéo dài hoặc có những chi phí lớn về y khoa, Fannie Mae đã rút ngắn thời gian chờ đợi còn hai năm sau một vụ bán nhà để tránh một vụ xiết nhà – một vụ bán dưới mức nợ hoặc giao nộp bằng khoán thay vì xiết nhà – và còn ba năm sau một vụ xiết nhà. Thời gian đó ngắn hơn so với các thời gian chờ đợi tiêu chuẩn là bốn và bảy năm lần lượt trong các trường hợp trên.
Ðể vay một món thế chấp của Cơ Quan Gia Cư Liên Bang (FHA) sau một vụ xiết nhà, thời gian chờ đợi tiêu chuẩn hiện giờ là ba năm, và có thể chỉ còn một năm với các trường hợp giảm khinh, theo bà April Brown, một phát ngôn viên cho Bộ Gia Cư và Phát Triển Ðô Thị.

2. Thay đổi các thói quen tiêu tiền bừa bãi. Hãy chú trọng vào việc trả bớt nợ nần, thiết lập một chiến lược tiết kiệm vững chắc và tránh những vụ mua sắm phí phạm. Hãy tự hỏi: “Tôi đủ sức mua nhà giá bao nhiêu?” Việc tiết kiệm cho một món tiền đặt cọc và các phí tổn hoàn tất vụ mua bán là một trong những rào cản lớn nhất mà các chủ nhà gặp phải. Hãy khởi sự bỏ vào một trương mục tiết kiệm các món tiền thưởng, của trời cho, tiền bồi hoàn thuế và những khoản tiền mặt phụ trội khác. Việc thiết lập những vụ tự động ký thác vào trương mục tiết kiệm của bạn là một cách khác để gây dựng quỹ dự trữ để đặt cọc, và điều đó cũng loại bỏ sự thôi thúc tiêu tiền không cần thiết.

3. Sửa chữa tín dụng của bạn. FHA đòi hỏi điểm tín dụng tối thiểu là 580 để được tài trợ tối đa. Vài ngân hàng cho vay bằng lòng cho vay với điểm tối thiểu đó. Nhưng các ngân hàng thế chấp khác đòi hỏi một điểm FICO từ 640 trở lên. Việc trả dứt nợ nần có lãi suất cao đúng hạn mỗi tháng và không vay nợ mới hoặc sử dụng gần hết mức các thẻ tín dụng sẽ giúp bạn xây dựng điểm tín dụng. Ngoài ra, bạn hãy yêu cầu các công ty tiện ích hoặc chủ nhà báo cáo những kỳ thanh toán hàng tháng đúng hạn của bạn với các phòng báo cáo tín dụng lớn để những trương mục đó cũng xuất hiện trên báo cáo tín dụng của bạn.

4. Coi chừng những nhà cho vay bóc lột. Nếu bạn gặp những nhà cho vay cố dẫn dụ bạn với những món vay mua nhà “đặc biệt” không cần tiền đặt cọc, hoặc các địa ốc viên khuyến cáo các giải pháp lạc quan như “từ thuê tới làm chủ,” hãy bỏ chạy ngay lập tức. Ông Carlisle nói rằng 80% khách hàng của NID thuộc thành phần thiểu số, thường là mục tiêu để những nhà cho vay bóc lột nhắm tới. Không bao giờ ký bất cứ hợp đồng nào mà bạn không biết chắc, và hãy nhờ một cố vấn gia cư, luật sư về địa ốc hoặc một nhà cho vay khác xem xét để có một ý kiến thứ nhì.

5. Tìm sự giúp đỡ của những nhà chuyên môn. Các cố vấn gia cư không những có thể giúp bạn đối phó với những vấn đề tín dụng và thiết lập một kế hoạch tiết kiệm, họ còn có thể kết nối bạn với các nguồn thuộc tiểu bang, địa phương và tư nhân, có thể tạo dễ dàng cho con đường sở hữu nhà của bạn. (N.N.)

MỚI CẬP NHẬT