Thursday, April 18, 2024

Ðại Úy Quách Vĩnh Trường, người không đầu hàng nghịch cảnh

Ðằng-Giao/Người Việt

HUNTINGTON BEACH, California (NV) – Khi nhắc về Ðài Phát Thanh Quân Ðội trong những năm Sài Gòn gần thất thủ, không ai không nhớ đến Ðại Úy Quách Vĩnh Trường, dù ông chưa lần nào đọc tin phát thanh. Ông là một thành viên âm thầm mà hết sức quan trọng của đài.

Tuy vậy, ông nói một cách khiêm tốn: “Có gì đâu mà quan trọng. Nhiệm vụ của tôi khi được bổ nhiệm về đài năm 1968 là kiểm soát bài vở trước khi các xướng ngôn viên đọc mà thôi.”

Thực ra, là đại úy đặc trách, với chức danh là trưởng ban nghiên cứu, ông có trách nhiệm nhiều hơn như thế. Ông phải nghiên cứu, tìm cách cho chương trình của đài ngày càng hữu hiệu hơn. Ðây là một trọng trách lớn lao khi phải trông coi toàn bộ nội dung phát thanh của một đài quân đội sao cho đúng đắn, vừa có tính giải trí, vừa là tiếng nói đại diện cho những người cầm súng.

Ðể được đặc phái về đài, ông phải trải qua bao nhiêu thử thách mà bình thường, người ta bỏ cuộc từ lâu.

Không như những người khác, sinh ra trong thời loạn, đến tuổi thì nhập ngũ, hết hạn thì giải ngũ là xong nhiệm vụ với quê hương.

“Năm 1963, trong lúc phong trào biểu tình của sinh viên Sài Gòn lên cao, thấy nhiễu nhương quá, tôi tình nguyện xin học ở trường Võ Bị Sĩ Quan Ðà Lạt. Học đến năm 1965 thì ra trường,” ông cho hay.

Có một lần vào năm 1966, trong lúc đang phân công tác tại một bộ chỉ huy ở Gò Công, bất thình lình, Cộng Sản nằm vùng quăng lựu đạn vào. Không đắn đo, Trung Úy Trường chạy đến dùng chân trái đá quả lựu đạn ra ngoài. Chẳng may, chân vừa chạm, quả lựu đạn nổ tung, giết chết người y tá đại đội đứng gần đó, đồng thời cướp đi tay trái và chân trái của viên sĩ quan 26 tuổi này.

“Tôi bị hất tung lên rồi ngất đi. Nhưng may mắn, tôi cứu sống được trên dưới 30 anh em binh sĩ hôm ấy,” ông nói.

Ông được cho giải ngũ vì bị thương tật 170%. “Chỉ bị cụt một tay hay một chân là bị thương tật 100% rồi,” ông giải thích.

Vào dịp trước Tết Mậu Thân, ông được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu gắn Ðệ Ngũ Ðẳng Bảo Quốc Huân Chương có kèm Anh Dũng Bội Tinh với Nhành Dương Liễu tại Tổng Y Viện Cộng Hòa, nhằm tưởng thưởng và cám ơn ông đã hết lòng phục vụ tổ quốc.

Thế nhưng, tinh thần “không đầu hàng nghịch cảnh” không cho phép ông nghỉ ngơi. Ông xin được tiếp tục phục vụ quân đội. Là người đầu tiên xin ở lại quân đội sau khi được xếp vào tình trạng giải ngũ, ông gặp rất nhiều khó khăn. Ban đầu, không ai cứu xét cho ông cả.

Nhưng ý chí kiên trì và nghị lực siêu phàm của ông đã làm cấp trên phải quan tâm.

Ông kể: “Trước tôi, chưa hề có trường hợp này bao giờ. Tôi phải chật vật lắm mới xin được Thủ Tướng Trần Văn Hương ký quyết định cho tôi được tiếp tục ở lại phục vụ quân đội.”

Cuối năm 1968, nhờ quyết định đặc biệt này, ông được Trung Tướng Trần Văn Trung nhận về Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị và được Thiếu Tá Phạm Hậu đón nhận về phục vụ cho Ðài Tiếng Nói Quân Ðội.

Dù có chân giả, nhưng việc đi lại của ông vẫn hết sức khó khăn.

“Cũng may, nhờ thượng cấp thương, tôi được cấp một tài xế và một xe Jeep để đưa đón hằng ngày,” ông nói.

Nói về thời gian phục vụ tại đài, ông rất hãnh diện được ở lại quân ngũ để còn được tiếp tục cống hiến cho Quân Lực VNCH.

Ông rất vui được làm việc với mọi người tại đài.

“Tất cả các anh chị em trong đài đều dễ thương và làm việc rất tận tình. Lúc đó đài có chương trình Dạ Lan rất phổ biến với giọng nói của xướng ngôn viên Dạ Lan, tên thật là Hoàng Xuân Lan,” ông hồi tưởng.

Ông chia sẻ: “Tôi luôn luôn quan niệm rằng, là chiến sĩ, mình không cần phải có mặt tại chiến trường thì mới chiến đấu được. Mình có thể chiến đấu cho quê hương ở bất cứ nơi nào, qua bất cứ công việc gì. Ăn thua là đầu óc mình không đầu hàng nghịch cảnh.”

“Với tinh thần hăng say phục vụ quân đội và tổ quốc, dù trong tình trạng khuyết tật nặng, tôi được Thiếu Tá Quản Ðốc Ðài Tiếng Nói Quân Ðội, là ông Phạm Hậu, đề nghị thăng cấp đại úy vào ngày 1 Tháng Giêng, 1970,” ông nói.

Sang Mỹ năm 1986, trước khi có chính sách H.O., ông cùng vợ và con trai được chính phủ Mỹ bảo lãnh với tư cách tị nạn chính trị.

Ðến nay, ông vẫn không quên nhiệm vụ của một chiến sĩ Quân Lực VNCH. Ông dùng kỹ năng photoshop để giúp thực hiện những bộ sách như “Lược Sử Quân Lực VNCH” của ông Hồ Ðắc Huân (đồng tác giả) qua những công trình sưu tập và phục hồi những bức hình bị hư nát vì thời gian.

Ngoài ra, ông còn đóng góp tiền bạc và dùng sự quen biết để kêu gọi quyên góp cho các thương phế binh còn sót lại ở Việt Nam. Dù vậy, ông tâm sự: “Hối tiếc duy nhất của tôi là nguyện vọng đóng góp cho Việt Nam vẫn còn dang dở.”

Năm 2003, bác sĩ cho biết ông bị ung thư ruột. Năm 2016, bác sĩ lại cho biết ông bị ung thư nhiếp hộ tuyến.

Nhưng với bản tính “không đầu hàng nghịch cảnh” cố hữu của mình, ông vượt qua tất cả và ngày nay ông hoàn toàn không bị ung thư.

Gia đình ông hiện sống tại Huntington Beach, California, và con trai ông cũng là quân nhân. (Đằng-Giao)

—————–
Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT