Saturday, April 20, 2024

Thời kỳ phôi thai (1938-1945)


Quỳnh Giao


Dân tộc Việt Nam ưa chuộng nghệ thuật và thích ca hát. Khi buồn vui, nhàn rỗi hay cả lúc làm việc, khi chăn trâu hay trong lúc chèo đò, ở buổi hẹn hò hay vào lúc nhớ thương cách trở, dân ta đều có thể ca hát. Nếu có dịp, chúng ta còn nghe thấy âm nhạc ngay trong tiếng rao bán ngoài đường, nhiều khi lảnh lót xa xôi như lời ca buồn, vang vọng trong phố vắng…


Sở dĩ như vậy là vì ngôn ngữ Việt Nam có nhiều giọng trầm bổng khác nhau nên dễ được tâm hồn lãng mạn trữ tình của người Việt chuyển thành lời hát, thành câu ca.









Di ảnh cố nghệ sĩ Quỳnh Giao. (Hình: Gia đình cung cấp)


Hát ca vốn dĩ là đưa giọng xướng lên những câu văn thơ theo nhịp điệu cao thấp nhặt khoan khác nhau để diễn tả lòng mình hoặc làm vui tai người khác. Nhưng, hơn vậy, người Việt có lẽ còn tinh tế đến độ phân biệt cả ca với hát. Ca là ngân nga tiếng hát cho hay, chủ yếu là cho người khác nghe. Hát là khi ca có điệu bộ và tuồng tích, chủ yếu cho người khác vừa nghe lại vừa xem. Vì vậy mà người Việt nói tới ca trù, ca vọng cổ, ca khúc Nam bình… nhưng lại hát chèo, hát bội, hát cải lương…


Nói chung, cho tới đầu thế kỷ thì hầu hết các nghệ thuật ca hát đều được phổ biến theo lối truyền khẩu nên mới dễ mai một, như trường hợp của nhiều ca khúc truyền thống đã mất.


Nếu không được trực tiếp giảng dạy tập luyện ở từng gia đình hay từng địa phương, các tác phẩm hay làn điệu phổ thông cũng có thể thất truyền, nhất là ở trong một xứ mà cách trở giao thông lẫn chinh chiến liên miên đã gây khó khăn cho việc quảng bá, nêu như các tác phẩm không được ghi trên giấy. Với tân nhạc, người ta đã làm một cuộc cách mạng khi viết trên khuông nhạc những dấu hiệu ký âm và lời từ, giúp cho người khác xướng âm theo cùng một lối. Cuộc cách mạng đó đã khởi đầu vào giữa thập niên 30 của thế kỷ này, và chính là thể điệu ca nhạc phổ thông của Pháp đã gợi hứng cho lối diễn đạt mới đó.


Ði tiên phong là các sân khấu ca kịch cải lương, của những tác giả như Tư Chơi hay Huỳnh Thủ Trung, với những bài ca Ta theo điệu Tây được tung ra sân khấu.


Cùng lúc, và nhờ các phương tiện truyền thông mới là đĩa nhạc và đài phát thanh, giới yêu nhạc mà đa số là các thanh niên thiếu nữ trong thành phố, đã có thể tiếp nhận rồi chuyển ngữ sang tiếng Việt các bài hát Tây thịnh hành vào thời đó.


Ca khúc của các nghệ sĩ thời danh như Tino Rossi , Rina Ketty hay Albert Préjean và Georges Milton đã cất lên từ những đĩa nhạc loại 78 vòng một phút, gọi là đĩa 78 tours, và được các đài phát thanh truyền đi khắp nước, được nhiều người hát theo. Rồi dựa trên giai điệu Tây, có người viết cả lời Ta. Các giọng ca Việt vào thời đó như Ái Liên hay Kim Thoa còn được các hãng đĩa như Odéon hay Béka mời thu thanh loại bài hát Pháp-Việt này.


Trong cùng thời kỳ, một nhạc viện ra đời, dưới tên Pháp là Conservatoire Francais d’Extrême Orient . Dù chỉ hoạt động trong thời gian ngắn từ 1927 đến 1930, nhạc viện cũng đã đào luyện năm bảy nhạc sĩ tân nhạc đầu tiên, như Nguyễn Xuân Khoát, người mà Phạm Duy gọi là ông tổ của tân nhạc Việt Nam, như Nguyễn Văn Giệp, Nguyễn Hữu Hiếu, Phạm Văn Nhường, v.v… Nhưng, dù có tên lớn như vậy, Pháp nhạc viện Viễn Ðông này chỉ dạy vài môn nhạc lý, vĩ cầm, dương cầm, đại hồ cầm… chứ không dạy về sáng tác hay đối âm, phối khí.


Các thành phố lớn như Sài Gòn còn có hội ái nhạc hay hiếu nhạc, tức là philharmonique, ra đời để truyền bá nhạc cổ điển Tây phương. Võ Ðức Thu là nhạc sĩ tốt nghiệp dương cầm của hội này…


Giữa trào lưu mới đó, cách đây tròn một hoa giáp 60 năm, năm 1938 là mốc thời gian đáng ghi nhớ vì đánh dấu sự ra đời của tân nhạc cải cách Việt Nam.


Năm đó, một thanh niên sinh ở Huế tên là Nguyễn Văn Tuyên, ngụ tại Thị Nghè và tòng sự tại một công sở Sài Gòn, là người có giọng tốt, đã soạn thử mấy bài hát mới, được một số bạn bè khuyến khích… Thấy vậy, một thi sĩ làm công chức tại đài phát thanh Radio Indochinoise là Nguyễn Văn Cổn đã tận tình giúp đỡ và giới thiệu Nguyễn Văn Tuyên với thống đốc Nam kỳ là Pagès xin trợ cấp để giúp ông đi diễn thuyết về âm nhạc cải cách tại các thành phố Huế, Hải Phòng, Hà Nội…


Trong các cuộc diễn thuyết vận động đó, ba bài hát được trình bày là Bông Cúc Vàng, Anh Hùng Ca và Một Kiếp Hoa, đã được một số dư luận ngợi khen, được hai tờ báo Ngày Nay và Nhạc Việt cổ võ. Và ông Nguyễn Văn Cổn là người đặt cho loại nhạc mới này cái tên “nhạc cải cách,” musique rénovée.


Kể từ Bông Cúc Vàng, mà quý thính giả vừa nghe nhạc sĩ Phạm Duy hát lại cho chúng ta, nền tân nhạc Việt Nam đã đi lên bước khai phá nhờ một số nhạc sĩ tiên phong, xuất hiện như cùng lúc trên cả ba miền đất nước.


Tại Hà Nội, chúng ta có Nguyễn Văn Hinh với bài Ðám Mây Hàng, được dùng trong cuốn phim đầu tiên của Việt Nam là Trốn Phong Ba; ta có Trần Quang Ngọc với bài Ðường Trường, là bài hành khúc đầu tiên, có Lương Ngọc Châu, Nguyễn Xuân Khoát hoặc ÁPNC tức là nhạc sĩ Trần Văn Nhơn.


Cũng tại Hà Nội, chúng ta có nhóm bạn nhạc sĩ lấy tên Myosotis, tức là hoa lưu ly, gồm có Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Vũ Khánh, Trần Dư, Phạm Văn Nhường. và nhóm Tricea gồm Văn Chung, Lê Yên, Dzoãn Mẫn, Phạm Ngữ…


Từ Hải Phòng, ta có Lê Thương, Hoàng Quý và em là Hoàng Phú, sau này nổi danh với tên Tô Vũ; ta có Canh Thân, Văn Trang, Văn Cao… Từ Nam Ðịnh, ta có Ðặng Thế Phong, Bùi Công Kỳ, Hoàng Trọng, Ðan Thọ…


Từ Huế, Ðà Nẵng, Hội An, ta có Nguyễn Văn Thương, Phan Huỳnh Ðiểu, La Hối. Sài Gòn có hai ông Tuyên và Cổn mới nói, có Jean Tịnh, có Thái Thị Liên là người đầu tiên đã soạn các bài dân ca Lý Ngựa Ô và Bình Bán cho dương cầm. Chúng ta cũng có Võ Ðức Thu, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Mỹ Ca, Trần Văn Khê…


Cũng trong thời kỳ phôi thai coi như khởi đi từ năm 1938 để kết thúc vào năm 1945 khi chiến tranh bùng nổ, chúng ta có Phạm Duy, người tự học nhạc lý và từ tuổi đôi mươi đã ôm đàn mandoline làm kẻ du ca đi khắp ba miền để đắc lực phát huy tân nhạc. Xin quý thính giả nghe ông nói về giai đoạn này trong cuộc phỏng vấn sau đây…


Trong chương trình hôm nay, quý thính giả đã nghe trích đoạn của Bông Cúc Vàng của Nguyễn Văn Tuyên do Phạm Duy hát lại, Tòa Miếu Cổ của Thẩm Oánh qua tiếng hát Kim Tước, Trời Xanh Thẳm của Dương Thiệu Tước và Văn Chung qua tiếng hát Quỳnh Giao, bài Thu Trên Ðảo Kinh Châu của Lê Thương với Vũ Khanh, và Giọt Mưa Thu của Ðặng Thế Phong với Khánh Hà.


Quỳnh Giao xin kính chào tạm biệt quý thính giả, và xin hẹn tái ngộ trong chương trình tới của Suối Nguồn Tân Nhạc Việt Nam. [nhạc hiệu fade out]

MỚI CẬP NHẬT